Lý giải ý đồ thực sự của Mỹ khi hủy thượng đỉnh với Triều Tiên

Lý giải ý đồ thực sự của Mỹ khi hủy thượng đỉnh với Triều Tiên
TPO - Trong bối cảnh Triều Tiên thực hiện những cam kết về đóng cửa và phá hủy bãi thử hạt nhân của mình, việc Mỹ từ bỏ hội nghị thượng đỉnh với Triều Tiên có vẻ như Tổng thống Donald Trump không muốn giải quyết vấn đề Triều Tiên mà nhằm vào Nga và Trung Quốc.

Trước đó ngày 24/5 vừa qua, lãnh đạo Mỹ Donald Trump thông báo “buộc phải” hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh với Triều Tiên được dự định vào đầu mùa hè này. Trong bức thư gửi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, Tổng thống Mỹ đã viện vào sự “khiêu khích” từ phía Bình Nhưỡng. Hơn nữa, thông báo của ông Trump được diễn ra sau khi bãi thử hạt nhân của Triều Tiên bị phá hủy.

Để phân tích rõ hơn trong tình hình phức tạp này, tạp chí Politexpert đã dẫn những phân tích của chuyên gia địa chính trị thuộc Học viện Khoa học tự nhiên ông Konstantin Nikolayevich Sokolov.

Khi trả lời câu hỏi về sự thay đổi lập trường của phía Mỹ, chuyên gia này nhấn mạnh rằng, Tổng thống Mỹ Donald Trump cố từ bỏ những cam kết ban đầu mà trước đó ông đã từng đưa ra để giải quyết vấn đề Triều Tiên.

“Ông ta hoàn toàn không cần một giải pháp cuối cùng cho vấn đề này. Bởi Triều Tiên đóng vai trò địa chính trị chủ yếu là ở chỗ có biên giới trên bộ sát với Nga và Trung Quốc. Theo quan điểm đó, Mỹ đang mong muốn kiểm soát hoàn toàn Triều Tiên nhằm xây dựng ở đó một căn cứ, và điều này có ý nghĩa vô cùng lớn đối với chiến lược quân sự.

Tôi cho rằng, theo những thỏa thuận ban đầu, ông Kim Jong-un tất nhiên phải bảo đảm chủ quyền quốc gia mình, và chính điều này đã không phù hợp với ông Trump. Tôi dự đoán rằng, hiện sau khi đạt được sự nhượng bộ từ phía Triều Tiên, họ sẽ có thể có những bước đi khác mà không đi đến thỏa thuận cuối cùng”, chuyên gia Sokolov cho biết.

Chuyên gia này cũng nhấn mạnh rằng, cuộc xung đột này diễn ra từ giữa thế kỷ 20 và trong trường hợp cuộc đàm phán bị hủy bỏ từ một bên tham gia đàm phán thì nó sẽ chuyển sang ở một cấp độ mới.

“Những áp lực mạnh mẽ không cần thiết lên Triều Tiên, tôi cho là áp lực quân sự, sẽ đe dọa đụng độ với Nga và Trung Quốc. Để Mỹ đồng thời chống lại các nước này, đó là điều không thể bởi người Mỹ sợ những phản ứng đáp trả”.

Chuyên gia Sokolov tin rằng, Triều Tiên không thể tiến hành những bước đi độc lập trên trường quốc tế, bởi điều đó sẽ đe dọa rơi vào thế bị cô lập từ phía Nga và Trung Quốc, do đó tất cả các hành động của Bình Nhưỡng sẽ phải phù hợp với hai nước lớn này.

“Tuy nhiên, xu hướng chung trong việc thống nhất hai miền Triều Tiên đã được chính lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khẳng định. Hiện rất phức tạp để tưởng tượng hai bên sẽ thống nhất như thế nào: theo chủ nghĩa xã hội hay theo chủ nghĩa tư bản.

Nhân dân hai miền có điều kiện sống khác nhau. Ví dụ, chúng ta đã thấy sự hợp nhất giữa Cộng hòa Dân chủ Đức và Cộng hòa Liên bang Đức, trong đó Cộng hòa Dân chủ Đức đã bị nuốt chửng. Sau đó, lực lượng quân sự cũng bị làm sạch hoàn toàn, cùng với đó là các nhân viên dân sự và đảng phái” – chuyên gia này cho biết.

Chuyên gia Sokolov cho rằng, hiện Hàn Quốc cho dù liên minh với Mỹ thì cũng không có tiềm năng giống như Cộng hòa Liên bang Đức. Do đó họ đang bắt đầu những bước đi mềm mỏng trong thúc đẩy sự trao đổi, liên hệ giữa nhân dân hai bên, cũng như trong việc xây dựng một biên giới hoàn toàn hòa bình. Tại thời điểm này, cả hai bên đều quan tâm tới một liên minh như vậy.

Theo Politexpert
MỚI - NÓNG