Bình thường hóa quan hệ

Bình thường hóa quan hệ
TP - Hôm qua, lá cờ “sao và sọc” tại sân bay Baghdad được lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ hạ xuống, chính thức đánh dấu sự chấm hết của cuộc chiến tranh Iraq kéo dài gần 10 năm nay.

Cờ hạ xuống, chiến tranh chấm dứt, quân lực gói ghém chiến cụ lên máy bay về nước, để lại đằng sau một viễn cảnh buồn vui lẫn lộn trong quan hệ Mỹ - Iraq.

Mặc dù đầu tuần rồi, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Iraq al-Maliki đã cam kết xây dựng “quan hệ đối tác dài lâu” khi ông Maliki có chuyến thăm Mỹ, nhưng âm hưởng của những cam kết bằng lời ấy lọt thỏm trong tiếng ầm ào của xe tăng, của ô tô tải, của tiếng máy bay vận tải, của tiếng lính đi rầm rập, trong khung cảnh ngổn ngang nơi hàng trăm căn cứ quân sự tại Iraq bỗng chốc trở nên hoang vắng. Và đâu đó xung quanh thủ đô Baghdad, vẫn ì ầm tiếng súng, tiếng bom mìn của các cuộc đụng độ sắc tộc, tôn giáo.

Ở đây, có chuyện khá tế nhị khi lãnh đạo Mỹ và Iraq đề cập vấn đề bình thường hóa quan hệ song phương. Bởi dù quân Mỹ vẫn chưa hoàn tất tiến trình rút quân thì dường như chính phủ mà nước Mỹ bảo hộ ở Iraq đã tỏ ra dám “có ý khác”với Washington.

Bằng chứng là sau cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo Mỹ và Iraq hồi đầu tuần, ông Obama nói với các phóng viên rằng Mỹ và Iraq có quan điểm khác nhau về vấn đề Syria. Washington muốn xử sự cứng rắn đối với Tổng thống Syria, Bashar al-Assad, và mục tiêu lớn nhất là đòi ông này từ chức.

Trong khi đó, Baghdad chống lại bất kỳ lệnh cấm vận nào đối với Syria. Việc Iraq quan ngại không phải là chuyện ông Assad mà là tình hình an ninh khu vực nói chung.

Iraq và Mỹ cũng có khác biệt đối với tình hình bất ổn ở Bahrain. Mỹ ủng hộ chính phủ của những người Ảrập theo dòng Hồi giáo Sunni, còn Iraq lại tỏ ra ủng hộ những người biểu tình mà đa số là người theo phái Shiites.

Nói cho đúng, Iraq vẫn rất cần có người Mỹ đứng bên cạnh trong một loạt vấn đề quốc nội và khu vực, và cái cách nói “ngang xương” nhưng “có chọn lọc” với người Mỹ không ngoài mục tiêu chứng tỏ cho thiên hạ thấy chính quyền Baghdad hoàn toàn “có chính kiến” và độc lập với Washington.

Hơn nữa, quan hệ thương mại với Syria, nước đang dung chứa hàng trăm ngàn dân Iraq, được Baghdad xem là rất đáng kể và nếu Syria “dính” bất cứ lệnh cấm vận nào thì điều ấy cũng ảnh hưởng quyền lợi của Iraq.

Và lãnh đạo Iraq chắc chắn thừa hiểu rằng, Washington không hề muốn sau khi quân đội Mỹ rút đi, Iraq lại dần ngả vào vòng tay Iran, nước đang ra sức gây ảnh hưởng ở khu vực Trung Đông.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG