Bom nổ chậm

Bom nổ chậm
TP - Trong khi Liên minh châu Âu đang vật lộn với bài toán cứu trợ cho một số nước thành viên Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) có nguy cơ sụp đổ vì núi nợ công khổng lồ thì một vấn đề không kém phần hóc búa nảy sinh là làm sao có thể đảm bảo khoản tiền cứu trợ này không bị sử dụng sai mục đích.

> Eurozone nhất trí tăng quỹ cứu trợ
> Gánh nặng nợ công

Mối lo ngại trên xuất phát sau khi một tờ báo Đức tiết lộ một báo cáo của Cơ quan tình báo ngoại giao Đức (BND) cho rằng nếu CH Síp (Cyrups) thương lượng thành công để nhận được khoản cứu trợ 10 tỉ euro thì được lợi nhiều nhất từ khoản hỗ trợ này sẽ là giới nhà giàu và thậm chí cả mafia nước ngoài vốn đang “cắm rễ” tại đây để được giảm thuế hoặc rửa tiền.

CH Síp gia nhập EU năm 2004, bắt đầu dùng đồng euro năm 2007 và ngay lập tức tỏ ra rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Hiện nay số công ty đăng ký hoạt động tại CH Síp nhiều hơn gấp đôi so với trước năm 2004.

Về nguyên tắc, CH Síp đã ra nhiều điều luật chống rửa tiền nhưng trên thực tế, chỉ những vụ quá lộ liễu mới bị xử lý.

Một báo cáo khác của Ngân hàng Thế giới cho thấy khoảng 150 tài khoản ngân hàng tại nước này liên quan đến các vụ án tham nhũng quốc tế.

Thực tế này đang gây khó cho chính quyền của Thủ tướng Đức Angela Merkel vốn đóng vai trò đầu tàu cứu trợ các nước thành viên gặp khó khăn.

Bởi lẽ, bà Merkel rất sợ hiệu ứng domino. CH Síp sụp đổ đồng nghĩa với việc toàn bộ Eurozone sẽ bị đẩy tới bờ vực. Và thế giới sẽ tin rằng, đến chú lùn Síp còn không cứu được thì EU làm sao có thể cứu được những gã khổng lồ như Tây Ban Nha và Italia.

Nhưng một gói cứu trợ cho CH Síp, như lời một quan chức Đức, chẳng khác nào một “quả bom nổ chậm” nếu như những nguy cơ mà BND phát hiện trở thành hiện thực.

Trên thực tế, Ủy ban châu Âu trước nay vẫn dễ dãi với các thành viên mới. Giới chức Đức từng phàn nàn rằng EC chưa bao giờ nghiêm túc yêu cầu CH Síp phải mạnh tay trấn áp nạn rửa tiền và trốn thuế. Trong trường hợp này, những sai lầm mắc phải với Hy Lạp đang lặp lại.

Hy Lạp đã được phép gia nhập Eurozone bất chấp những lỗ hổng rành rành trong hệ thống tài chính của nước này. Còn Síp được kết nạp cho dù đến nay nước này vẫn chưa thực hiện được các tiêu chuẩn của EU cho một trung tâm tài chính “sạch”.

Giờ đây EU đang phải trả giá cho sự dễ dãi của mình. Khoản tiền 10 tỉ euro để cứu các ngân hàng Síp chẳng thấm tháp gì và phần đóng góp của Đức cũng chỉ khoảng 2 tỉ euro, song vấn đề là bà Merkel làm thế nào để tiếp tục thuyết phục người đóng thuế Đức bỏ thêm tiền cứu CH Síp, khi mà những đồng tiền đó có nguy cơ rơi vào tay những trùm mafia nước ngoài.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.