Hồ sơ:

Chất độc da cam - Cuộc chiến pháp lý giấu mặt trong lòng nước Mỹ

Chất độc da cam - Cuộc chiến pháp lý giấu mặt trong lòng nước Mỹ
(TPO) Tiền Phong xin trích đăng bài viết nói rõ bản chất của vụ kiện trước mà thẩm phán Jack B.Weinstein, vì lý do này, lý do khác cũng đã xử lý không theo công lý.

Thẩm phán Jack B.Weinstein, người từng xét xử vụ các cựu binh Mỹ kiện các Cty hóa chất hồi năm 1984. Sau vụ kiện này, nữ tác giả A.Namika đã viết một bài phân tích mang tên “Chất độc da cam: Cuộc chiến pháp lý bẩn thỉu trong lòng nước Mỹ”  (Agent Orange: The dirty legal war at home) in trong cuốn “khủng bố sinh học” (Bioterror) do NXB Ocean Press (Mỹ) ấn hành.

Ngày 7/5/1984, 9 năm sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc và 6 năm sau khi hồ sơ đầu tiên đòi bồi thường do tác động của chất độc da cam được đệ trình tại bang New York, Thẩm phán Jack B.Weinstein thuộc tòa liên bang ở quận phía Đông của New York đã “giải quyết êm thấm” vụ kiện.

Các Cty hóa chất từng sản xuất loại thuốc diệt cỏ chứa đầy chất dioxin gây chết người, được sử dụng làm rụng lá cây ở Việt Nam,  hoàn toàn hài lòng với quyết định của tòa án. Tuy nhiên, hàng nghìn cựu chiến binh mắc bệnh tật, bị chết dần mòn hay có con cái sinh ra bị dị tật lại cảm thấy công lý đã quay lưng lại với họ. Các cựu chiến binh tố cáo tòa án liên bang đã giúp các công ty hóa chất tránh được việc phải trả hàng tỷ đô la bồi thường cho những người bị nhiễm bệnh trong cuộc chiến tranh bẩn thỉu.

6 năm sau nữa, cuộc điều tra của Quốc hội năm 1990 cho thấy các chính quyền Mỹ thời Reagan-Bush đã nhúng tay điều khiển Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC), cơ quan  nghiên cứu những tác động của các loại độc tố (toxins), và thay đổi toàn bộ kết quả của cuộc nghiên cứu. Được bắt đầu từ năm 1982, công trình nghiên cứu gây nhiều tranh cãi của CDC về phơi nhiễm chất độc da cam và sức khỏe các cựu chiến binh đã tham chiến ở Việt Nam đã kết thúc năm 1987 sau khi có kết luận thiệt hại do thuốc diệt cỏ gây ra là không thể ước định được.

Dưới sức ép của các nhóm cựu chiến binh, Tiểu ban Nguồn Nhân lực và Quan hệ liên chính phủ (HRIRS) đã tiến hành một cuộc điều tra trên mọi khía cạnh kéo dài từ 1989-1990 về công trình nghiên cứu của CDC.

Tiểu ban HRIRS phát hiện công trình nghiên cứu về phơi nhiễm chất độc da cam đúng ra đã không bị hủy bỏ nếu không bị sức ép bên ngoài. Do đó CDC đã không thể đánh giá tác động của việc phơi nhiễm và mối liên quan của phơi nhiễm với bệnh tật. Điều này cũng là do cuộc điều tra không được tiến hành đầy đủ chứ không phải do thiếu bằng chứng.  Trong bản báo cáo của mình, tiểu ban khẳng định: “Có nhiều phương pháp khác có thể sử dụng nhưng đã không được đếm xỉa đến một cách cố ý”. Bản báo cáo kết luận “Công trình nghiên cứu của CDC đã bị thay đổi ngay từ ban đầu. Điều này có thể dẫn đến việc những binh sĩ chịu phơi nhiễm nặng nề nhất của chất diệt cỏ sẽ không được xác định”.

Tiểu ban cũng kết luận Nhà Trắng đã kiểm soát và cản trở công trình nghiên cứu của CDC.  Việc này trước hết được thực hiện qua Nhóm Công tác về chất độc da cam (AOWG) và Cơ quan Quản lý và Ngân sách (OMB) của Nhà Trắng. “Vì chính quyền Reagan đã  thông qua một chiến lược pháp lý từ chối trách nhiệm trong các trường hợp quân sự và dân sự nhiễm bệnh liên quan đến chất hóa học độc hại và phóng xạ hạt nhân”- Bản báo cáo kết luận.

Với việc chính phủ được miễn trách nhiệm pháp lý đối với những thương tật của quân nhân, cách còn lại duy nhất của các cựu chiến binh là kiện các công ty hóa chất về những thiệt hại mà họ phải chịu. Vào cùng thời điểm bắt đầu và kết thúc công trình nghiên cứu của CDC, vụ kiện chất độc da cam đầu tiên cũng đang trên đường đưa tới tòa án. Thẩm phán Weinstein, người đã “tiếp quản” vụ kiện năm 1983, đã bác bỏ bằng chứng hiển nhiên của những người đứng đơn kiện. Ông Weinstein đã mở rộng một bằng chứng “khoa học” do các Cty hóa chất đã sản xuất chất diệt cỏ gây chết người cung cấp và ra phán quyết rằng không có bằng chứng cho thấy loại chất độc này gây tổn thương bất kỳ ai.

Nhiều vụ kiện chất độc da cam đã được đệ trình ra tòa chống lại các Cty hóa chất trong cuối những năm 1970. Khi đó ngày càng có nhiều trường hợp cựu chiến binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam chết yểu, mắc nhiều bệnh tật hoặc có con cái mắc các dị tật khi sinh. Phần lớn các vụ kiện này được tập trung tại tòa án liên bang quận phía đông New York mang tên Ryan v.Dow.

Khi thẩm phán Weinstein, có vẻ là người tự do không chịu áp lực bên ngoài, ra tay xoay chuyển vụ kiện để dẫn đến việc các cựu chiến binh và các Cty hóa chất Mỹ: bắt tay nhau dàn xếp vụ kiện bên ngoài tòa án thì các Cty hóa chất rất vui mừng. Giá cổ phiếu của các Cty tại Sở giao dịch chứng khoán New York đã tăng vọt. Các cựu chiến binh thì có phản ứng trái ngược hoàn toàn.

Năm 1989, một số cựu chiến binh và người thân, những người chưa mắc các bệnh liên quan đến dioxin tại thời điểm bản phán quyết của vụ kiện lần thứ nhất được công bố, đã nộp hồ sơ vụ kiện chất độc da cam lần thứ 2 lên tòa án ở bang Texas.  Theo yêu cầu của các Cty hóa chất bên bị, các thành viên ban Hội thẩm giải quyết tranh chấp liên quận (MDL), do người đứng đầu cơ quan tư pháp lúc đó là William Rehnquist bổ nhiệm, lập tức chuyển vụ kiện Ivy v. Diamond Shamrock tới cho vị thẩm phán ở Brooklyn.

Đây cũng chính là vị thẩm phán đã đưa ra bản phán quyết sơ sài có lợi cho các Cty hóa chất trong vụ kiện thứ nhất. Các cựu chiến binh đệ đơn kiện sau đó đã gây sức ép buộc thẩm phán Weinstein rút lui khỏi vụ kiện. Các cựu chiến binh đưa lý do thẩm phán Weinstein là người có xung đột về lợi ích vì vai trò ủy thác của ông trong một quỹ mà ông này đã thành lập và sử dụng các khoản quỹ từ bản án tuyên năm 1984.  Nếu vụ xử Ivy được đưa trở lại Texas xét xử thì quỹ này có thể bị mất 10 triệu đô la.

MỚI - NÓNG