Chuyển động Triều Tiên: Lùi để tiến?

Chuyển động Triều Tiên: Lùi để tiến?
TP - Những ngày qua, với việc CHDCND Triều Tiên thông báo phóng vệ tinh, dự kiến vào trung tuần tháng 4 tới đây, cộng đồng quốc tế và khu vực lại có dịp vất vả để “đọc” đúng suy nghĩ của Bình Nhưỡng.

> Triều Tiên sắp phóng vệ tinh, phương Tây lo ngại

Nhiều nước, nhất là Mỹ, Nhật tỏ ra hết sức lo ngại về diễn biến mới này, thậm chí Mỹ còn gọi đây là cuộc bắn tên lửa trá hình.

Trong khi đó, Triều Tiên tuyên bố sẵn sàng mời các nhà quan sát và báo giới quốc tế đến chứng kiến “sự minh bạch”.

Nếu liên hệ sự kiện này với việc diễn ra cách đây chưa lâu là Tuyên bố của Bình Nhưỡng về tạm hoãn các thử nghiệm hạt nhân, phóng tên lửa tầm xa và các hoạt động làm giàu urani ở Yongbyon, đồng ý tháo dỡ lò phản ứng 5 MW và các thiết bị liên quan, có thể thấy vì sao nhiều nước lại thể hiện mức ngờ vực với Triều Tiên cao hơn các lần khác.

Cách đây một tuần, Bình Nhưỡng dường như đã tiến một bước xa trong việc hợp tác với cộng đồng quốc tế về chương trình hạt nhân, cho phép IAEA giám sát việc tạm dừng làm giàu urani, và tiến hành các cuộc đối thoại mang tính xây dựng.

Điều này, theo các nhà phân tích quan hệ quốc tế, đã góp phần “hạ nhiệt” trên bán đảo Triều Tiên và do vậy đóng góp vào an ninh khu vực và thế giới.

Chính vì lẽ đó đa phần các nước đều bày tỏ thái độ tích cực, hoan nghênh tuyên bố của Triều Tiên trong đó Trung Quốc, Mỹ và Nga.

Tuyên bố cách đây 2 tuần cũng chuyển tín hiệu tốt đẹp cho việc tạo dựng lòng tin trở lại bàn đàm phán 6 bên về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Cuộc Hội đàm giữa Đặc phái viên Mỹ phụ trách vấn đề nhân quyền Triều Tiên Robert King và Vụ phó Vụ Các vấn đề Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên An Myong Hun tại Bắc Kinh (Trung Quốc) sau đó (ngày 7-3) cho thấy bước chuyển động mới theo hướng này.

Dù chỉ diễn ra trong 1 ngày và nhiều thông tin chưa được tiết lộ nhưng cuộc hội đàm đã khơi mào cho cam kết “đổi hạt nhân lấy lương thực”.

Theo bước tiến này, ngày 9-3, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Mỹ John Kerry đã gặp phái viên hạt nhân của Triều Tiên Ri Yong Ho để khẳng định lại thỏa thuận trên.

Giới quan sát còn đặc biệt chú ý về khả năng Tuyên bố đó có tiết lộ điều gì hay không về đường lối lãnh đạo của nhà lãnh đạo mới Triều Tiên, Kim Jong- Un. Liệu một kỷ nguyên ngoại giao mới đã đến trên bán đảo Triều tiên?

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Kim Jong-Un đã khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách ưu tiên quân sự của người cha quá cố Kim Jong-il.

Hơn nữa, mặc dù có những điểm tích cực trên, tuyên bố của Triều Tiên xét trên nhiều phương diện thì cũng chỉ mới là biện pháp trao đổi tạm thời nhằm nhận viện trợ trước mắt.

Đây không phải là lần đầu tiên Bình Nhưỡng chịu “nhún” để đổi lại viện trợ từ bên ngoài. Trong quá khứ, Triều Tiên đã ít nhất 3 lần chấp nhận ngừng các hoạt động hạt nhân, nhưng rồi sau đó lại nhanh chóng coi các thỏa thuận liên quan “vô hiệu”.

Đó là vào các năm 1994, 2002 và 2006. Song cứ mỗi lần như vậy, Triều Tiên càng khẳng định sự độc lập trong việc phát triển các chương trình.

Vì vậy, cách đây 2 tuần cộng đồng quốc tế tuy tỏ ra hoan nghênh nhưng ẩn đằng sau đó vẫn là một cái nhìn lạc quan thận trọng.

Và sự lạc quan thận trọng đó một lần nữa tỏ ra “có cơ sở” vì lần này với dự định “phóng vệ tinh” của Triều Tiên, các nước Mỹ, Nhật, Hàn Quốc không thể không bày tỏ ngôn ngữ mạnh mẽ về sự “lo ngại sâu sắc” trong các phát ngôn chính thức.

Nhưng việc Triều Tiên mời các nhà quan sát cũng có thể xem như một thiện chí rõ ràng. Bình Nhưỡng cũng không phủ nhận tuyên bố tạm hoãn hạt nhân.

Ai cũng biết nếu có phương tiện phóng có thể đẩy vệ tinh, Triều Tiên hoàn toàn có thể phóng tên lửa mang tầm xa và nếu có đầu đạn hạt nhân thì đó là mối đe dọa thực sự.

Dù sao trước mắt Bình Nhưỡng đã giải thích rõ ràng, vệ tinh “không nằm trong chương trình giải trừ quân bị” và do đó các sự lo ngại của các nước là không có căn cứ.

Cách đây 2 tuần, Bình Nhưỡng đã có bước lùi và giờ đây chúng ta cần chờ đến giữa tháng 4 để xem liệu lùi có phải là để tiến?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.