Cơ hội của ông Putin

Cơ hội của ông Putin
TP - Việc Thủ tướng Nga Vladimir Putin tuyên bố sẽ ra tranh cử tổng thống vào tháng ba năm tới đã kết thúc mọi đồn đoán.

> Bộ đôi quyền lực nước Nga cùng nhau câu cá

Sẽ có người nói thẳng ra rằng, kể từ khi bộ đôi Putin (tổng thống)-Medvedev (thủ tướng) “đổi vai” cho nhau sau khi hiến pháp ngăn cản ông Putin nắm ghế tổng thống thêm một nhiệm kỳ nữa sau hai nhiệm kỳ liên tiếp (2000-2008), chuyện ông cựu sỹ quan của cơ quan an ninh thời Liên Xô, KGB, sẽ có ngày quay trở lại ghế tổng thống không còn là viễn tưởng nữa.

Thủ tướng Putin (phải) và Tổng thống Medvedev sẽ “đổi vế” cho nhau?. Ảnh: Getty Images
Thủ tướng Putin (phải) và Tổng thống Medvedev sẽ “đổi vế” cho nhau?. Ảnh: Getty Images.
 

Điều này càng rõ ràng khi ngay trong buổi tuyên bố sẽ ra tranh cử, Thủ tướng Nga nói: “Tôi muốn phát biểu thẳng ra rằng, (Mevedev và tôi) đã thỏa thuận từ nhiều năm trước, về việc sẽ làm gì trong tương lai, ai sẽ làm cái gì”.

Tất nhiên, ngài cựu tổng thống, đương kim thủ tướng không quên “thòng” một câu: “Nhưng cả tôi và Dmitry Anatolyevich Medvedev tin rằng chuyện ai sẽ làm gì, ai sẽ ngồi ghế nào còn lâu mới quan trọng bằng những việc chúng tôi làm, kết quả mang lại và người dân của đất nước này nghĩ gì về việc ấy”.

Từ một sỹ quan an ninh ít tiếng tăm bước tới ngôi tổng thống hồi năm 2000, Putin, được sự hậu thuẫn của tổng thống Nga hồi đó là Boris Yeltsin. Nhưng nói rộng ra, có vẻ đây là sự lựa chọn của lịch sử. Trong lúc hệ thống nhà nước thời Liên Xô sụp đổ, nước Nga là cả một mớ hỗn độn, ngổn ngang, một bàn tay sắt, thực dụng, hiệu quả là thứ người dân Nga cần đến.

Những người lãnh đạo cứng rắn như Putin là khởi nguồn cho một từ mới trong chính trị thời hiện đại: securocrat (tạm dịch: nhà an ninh trị, tức những chính trị gia chủ trương quản lý xã hội thiên về các biện pháp an ninh cứng rắn).

Ngày 25-9, Bộ trưởng Tài chính Nga Alexei Kudrin tuyên bố sẽ không làm trong chính phủ mới nếu Tổng thống Medvedev trở thành thủ tướng năm tới. Bộ trưởng Kudrin nói rằng, ông không nhất trí với Tổng thống về chính sách kinh tế, cũng như kế hoạch tăng ngân sách cho quân sự.

Trong hơn 11 năm trên đỉnh cao quyền lực, ông Putin đã tạo ra hình ảnh một nhà lãnh đạo mạnh mẽ và được yêu thích như kiểu ngôi sao điện ảnh: ông xuất hiện trên những đoạn phim, ngực trần cưỡi ngựa, biểu diễn võ judo, lái chiến đấu cơ… Chính sách cứng rắn đối với những kẻ ly khai người Chechnya, với những doanh nhân siêu giàu có… đã giúp nâng cao hình ảnh của ông trong mắt đa số dân Nga.

Nhưng lần ra tranh cử này chắc chắn sẽ khiến ông Putin vấp phải những chỉ trích của các lực lượng đối lập. Đã có ngay những lời phàn nàn: “Nếu ông Putin được bầu, có nghĩa là ông ta sẽ lãnh đạo thêm 12 năm nữa. Điều này cho thấy sự trì trệ trên chính trường Nga”, Yevgeny Volk, Phó giám đốc Quỹ Yeltsin, chuyên hỗ trợ thanh niên Nga phát triển tiềm năng, nói.

Một số nhà phân tích kinh tế cho rằng, nếu Putin “trở lại”, nước Nga sẽ ít có khả năng thực thi “những thay đổi cần thiết” như cải cách lương hưu, giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào tài nguyên thiên nhiên ở một quốc gia mà ½ ngân sách nhờ nguồn thu từ dầu mỏ và khí gas.

Cho dù dưới thời Putin, vị thế cường quốc của nước Nga phần nào được khôi phục, niềm tin của người Nga phần nào trở lại, nhưng người ta nói rằng, chỉ số khả năng cạnh tranh, điều kiện kinh doanh giảm, còn tình trạng tham nhũng gia tăng. Kinh tế Nga vẫn tỏ ra yếu kém, không được coi là một nền kinh tế có ảnh hưởng toàn cầu.

Đã có nhiều ý kiến cho rằng, ông Putin chú trọng phát triển các chương trình xã hội để giành tình cảm của dân chúng hơn là đầu tư vào nền kinh tế.

Tất nhiên, cuộc sống không thể thiếu sự chỉ trích, đối lập nhưng nhiều câu hỏi cần thời gian trả lời. Nếu được người dân Nga lựa chọn, ông Putin đang có cơ hội để chứng tỏ ông rành làm ăn kinh tế như lái máy bay chiến đấu hay đánh võ judo, biết làm một tổng thống Nga thời bình chứ không chỉ là một tổng thống của thời loạn lạc.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG