Cơ hội sau vụ Bạc Hy Lai

Cơ hội sau vụ Bạc Hy Lai
TP - Cú ngã ngựa của Bí thư Thành ủy Trùng Khánh (Trung Quốc) Bạc Hy Lai đang mở ra cơ hội cho một số nhà lãnh đạo, trong đó có những người thuộc phái mà các nhà quan sát quốc tế thường gọi là "cải cách".

Người "lật tẩy" Bạc Hy Lai sẽ bị xử tội phản quốc

Bí thư Thành ủy Thượng Hải Vu Chính Sinh (trái) và Bí thư Thành ủy Thiên Tân Trương Cao Lệ
Bí thư Thành ủy Thượng Hải Vu Chính Sinh (trái) và Bí thư Thành ủy Thiên Tân Trương Cao Lệ.

Con đường sáng cho ông Uông Dương

Một trong những lãnh đạo có đầu óc cải cách của Trung Quốc đã trở lại tâm điểm chú ý sau scandal chính trị lớn nhất trong vài thập kỷ qua, bởi ông được cho là “thắng lớn” sau sự ra đi của Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai.

Ông Uông Dương, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông, tỉnh miền nam đông dân nhất Trung Quốc, người xử lý khéo léo những bất ổn diễn ra tại tỉnh này gần đây, nổi lên trong ba lãnh đạo tỉnh thành hưởng lợi nhiều nhất khi ông Bạc ngã ngựa.

Bạc Hy Lai, nhân vật tiêu biểu của phái hướng về truyền thống trong đảng Cộng sản Trung Quốc, từng được xem là ứng cử viên sáng giá cho một vị trí trong Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước 1,3 tỷ dân.

Ông Uông, 57 tuổi, đã tận dụng đại hội đảng cấp tỉnh vừa diễn ra trong tháng này để giành lấy sự chú ý của công luận trước kỳ đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 18, diễn ra cuối năm nay khi một ê kíp lãnh đạo mới của Trung Quốc sẽ ra mắt.

Những động thái của ông Uông ở đại hội Đảng bộ Quảng Đông cho thấy nhiều khả năng ông sẽ là nhân vật “kế tục” đường hướng cải cách của thủ tướng sắp mãn nhiệm Ôn Gia Bảo, người từng xem Bạc Hy Lai là mối đe dọa cho công cuộc đổi mới mà ông đã và đang gây dựng.

“Những lời của Bí thư Uông tại đại hội đảng bộ tỉnh như một lời từ biệt”, Willy Lam, một chuyên gia về chính trị Trung Quốc ở Hong Kong nói với Reuters.

“Người ta nghĩ rằng ông Uông sẽ tiếp bước ông Ôn đứng trong hàng ngũ những người có thiên hướng cải cách trong Thường vụ Bộ Chính trị”.

Bí thư Quảng Đông Uông Dương
Bí thư Quảng Đông Uông Dương.

Đầu óc cải cách của ông Uông được thể hiện rõ hồi năm ngoái ngay trong cách thức giải quyết vụ bạo động liên quan đến đất đai ở làng Ô Khảm với những biện pháp mềm dẻo và không gây đổ máu. Dân làng Ô Khảm đã kết thúc 10 ngày biểu tình và sau đó tham gia bầu cử lại ở địa phương. Trong những năm cầm quyền ở Quảng Đông, Uông Dương cũng cho thi hành nhiều biện pháp đổi mới trong quản lý hành chính.

 Chúng ta nên từ bỏ quan niệm sai lầm rằng hạnh phúc của nhân dân là sự ban phát của đảng và chính phủ… phải tôn trọng sáng kiến của người dân, tạo điều kiện để người dân tự tìm thấy hạnh phúc của mình .

Tại đại hội Đảng tỉnh Quảng Đông, ông Uông đồng ý với chuyện mở rộng hơn nữa các loại thị trường, nới lỏng các biện pháp quản lý xã hội.

Ông Uông nói Đảng và Chính phủ không nên được coi là chịu trách nhiệm mang lại hạnh phúc cho người dân. “Chúng ta nên từ bỏ quan niệm sai lầm rằng hạnh phúc của nhân dân là sự ban phát của Đảng và Chính phủ… Phải tôn trọng sáng kiến của người dân, tạo điều kiện để người dân tự tìm thấy hạnh phúc của mình”, Bí thư Uông nói.

Sau đại hội, ông Uông tham gia một buổi giao lưu trực tuyến và nói rằng những chỉ trích của cộng đồng mạng rất tốt cho công tác quản lý.

Tuy nhiên, Bí thư Uông vẫn có những đối thủ cạnh tranh, là những người đồng cấp ở một số tỉnh khác, những người cũng coi việc Bạc Hy Lai ra đi là cơ hội của họ. Bí thư Thành ủy Thượng Hải Vu Chính Sinh và Bí thư Thành ủy Thiên Tân Trương Cao Lệ là những nhân vật như thế.

Các ông Uông, Vu và Trương là những ứng cử viên cho 9 vị trí trong Thường vụ Bộ Chính trị, nhiều khả năng sẽ do Phó chủ tịch nước (hiện nay) Tập Cận Bình lãnh đạo. Dù sao những nhân vật như Uông, Vu và Trương đều là các Bí thư tỉnh ủy, những bài phát biểu tại đại hội đảng bộ tỉnh có thể hé lộ xu hướng cải cách hay ngược lại, đổi mới kinh tế hay chính trị. Những ứng cử viên khác đến từ trung ương hay các ban đảng sẽ ít có cơ hội bộc lộ, và công chúng cũng khó đoán biết hơn.

“Đại hội đảng bộ địa phương là “sàn diễn” cho các bí thư tỉnh ủy thể hiện định hướng chính sách, quan điểm chính trị, và thậm chí là gây ấn tượng”, Vương Chính Từ, học giả của Viện Chính sách Trung Quốc thuộc đại học tổng hợp Nottingham, Anh quốc, nói.

Cải cách và bảo thủ

Thủ tướng Ôn Gia Bảo luôn là người đề xướng cải cách kinh tế trong thời gian ông nắm quyền. Ông cũng không ít lần kêu gọi đổi mới chính trị dù chưa hiện thực hóa được những tư tưởng này. Đổi mới chính trị ở Trung Quốc trong một thập niên qua được xem là chậm chạp hơn rất nhiều so với bước tiến mạnh mẽ về kinh tế.

Trong khi đó, người nhiều khả năng kế nhiệm ông Ôn là Phó thủ tướng Lý Khắc Cường có tiếp tục sự nghiệp đổi mới của ông hay không vẫn là một câu hỏi chưa có lời đáp.

Nhưng trong số những lãnh đạo tiềm năng của Trung Quốc, đã có một số gương mặt tỏ ra muốn tiến trình đổi mới diễn ra nhanh hơn, sau thời kỳ nắm quyền của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào với mười năm “ổn định là trên hết”.

Bí thư Uông của Quảng Đông, Bí thư Vu của Thượng Hải và Bí thư Trương của Thiên Tân, về mặt chính trị không có điểm gì chung với ông Bạc, người của những phong trào gợi lại thời kỳ của nhà lãnh đạo Mao Trạch Đông, đề cao cái gọi là tăng trưởng theo chủ nghĩa bình quân.

Bí thư Vu, 67 tuổi, giống như Bạc Hy Lai, là một người xuất thân từ gia đình “danh gia vọng tộc” nhưng hai ông có lẽ chỉ chung nhau ở điểm này.

Bí thư Vu và Bí thư Trương, tuy vậy, tỏ ra kín đáo ở đại hội đảng bộ địa phương hơn Bí thư Uông. Có lẽ bởi tiền đồ của ông Uông ở Bộ Chính trị vững chắc hơn hai người kia vì trẻ tuổi hơn.

Hôm thứ Sáu tuần rồi, Bí thư Vu có bài phát biểu trong đại hội Đảng thành phố Thượng Hải, kêu gọi phát triển kinh tế nhanh và bền vững hơn trong khi gần như không có điều gì đặc biệt về chính trị ngoài việc nhắc lại những câu chữ mà các vị lãnh đạo tiền bối đã nói.

“Sự phát triển của nền chính trị dân chủ xã hội là mục tiêu kiên định của đảng ta” - Bí thư Vu nói.

Học giả Willy Lam mô tả ông Vu như một lãnh đạo thuộc phe “danh gia vọng tộc” ít tai tiếng nhất và chấp nhận được đối với những lãnh đạo chuẩn bị rời chức.

Đối với ông Trương, Bí thư Thành ủy Thiên Tân, 65 tuổi, một nhà kỹ trị đã biến Thiên Tân từ một vùng “bờ sông bãi sú” thành một trung tâm tài chính ngày càng có vị trí quan trọng, mọi việc thậm chí còn im lìm hơn và khó có đột biến. “Những gì ông ta muốn làm trong thời điểm chuyển giao này là cố gắng không phạm sai lầm hay làm phật lòng ai”, nhà phân tích Vương Chính Từ nói.

Trong những năm qua, Bí thư Uông của Quảng Đông đã có những biện pháp chuyển đổi nền kinh tế tỉnh này từ mô hình sản xuất giá trị thấp qua những dây chuyền có thể nâng cao giá trị gia tăng.

Cho dù sẽ mất nhiều thời gian để người ta có thể cảm nhận sự biến chuyển, một số chuyên gia kinh tế và chính trị cho rằng Bí thư Uông đang có cơ hội lớn và chắc chắn bước vào Thường vụ Bộ Chính trị.

Quảng Đông, dân số 104 triệu người, là nơi Trung Quốc tạo dựng những đặc khu kinh tế đầu tiên để hấp dẫn đầu tư nước ngoài từ hơn 30 năm qua. Đây cũng nơi đặt trụ sở của nhiều tờ báo có xu hướng cải cách. GDP của tỉnh Quảng Đông trong năm 2011 là 5,3 ngàn tỷ Nhân dân tệ (840,5 tỷ USD).

Xuân Thủy
Theo Reuters, Bloomberg

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG