Cửa hẹp có khó lách?

Cửa hẹp có khó lách?
TP - Dự luật cải cách nhập cư Mỹ đã lọt qua cửa ải Thượng viện do phe Dân chủ chiếm đa số hôm 27/6 vừa qua. Tuy nhiên, trong bối cảnh chính trường Mỹ có sự chia rẽ sâu sắc do mỗi đảng nắm một viện nên với hàng triệu người sống không giấy tờ tại Mỹ, đây vẫn chưa phải thời điểm để “ăn mừng”.

> Ông Obama: Ánh hào quang nhạt nhòa
> Mỹ thừa nhận theo dõi người nước ngoài qua mạng

Được xem là dự luật cải cách lớn nhất liên quan vấn đề nhập cư của Mỹ kể từ khi luật này được ban hành năm 1986, văn bản luật này sẽ thay đổi mạnh mẽ hệ thống nhập cư Mỹ mà rõ nhất là tiến trình “hợp pháp hóa” khoảng 11 triệu người sống không có giấy tờ trên đất Mỹ.

Tuy vậy, không ít nghị sĩ Cộng hòa giữ quan điểm rằng dự luật này là sự “ân xá” cho những người vi phạm luật và khuyến khích người đến Mỹ bất hợp pháp.

Đáp lại giải pháp chặn nhập cư lậu bằng việc đổ hàng tỷ USD nâng cấp hệ thống an ninh biên giới mà dự luật đưa ra, phe chống đặt dấu hỏi về tính khả thi trong bối cảnh nước Mỹ đang phải thắt chặt chi tiêu để cân bằng ngân sách.

Rồi thì kinh tế cũng là vấn đề để phản đối dự luật với lý do nước Mỹ vẫn đang có hàng chục triệu người thất nghiệp nên việc trao quy chế “hợp pháp tạm thời” cho người nhập cư bất hợp pháp chẳng khác nào trao cho họ cơ hội cướp công ăn việc làm của người Mỹ.

Chính vì những mâu thuẫn này mà kể cả khi dự luật còn chưa được Thượng viện thông qua, Chủ tịch Hạ viện Mỹ do phe Cộng hòa chiếm đa số đã tuyên bố họ sẽ “có một dự luật khác” phản ánh quan điểm của số đông, trong đó có phản đối trao quyền công dân cho những người nhập cư bất hợp pháp.

Tuy vậy, không thể phủ nhận rằng sự ủng hộ đối với vấn đề cải cách nhập cư tại Mỹ đã tăng lên kể từ dự luật cải cách bất thành gần đây nhất vào năm 2007 dưới thời Tổng thống George W. Bush.

Kết quả một cuộc thăm dò tiến hành hồi tháng Ba năm nay cho thấy cứ 10 người Mỹ thì có 6 người ủng hộ tiến trình hợp pháp hóa cho những người nhập cư không có giấy tờ.

Không ít người trong phe Cộng hòa cũng đã có sự nhìn nhận lại về vấn đề người nhập cư bất hợp pháp sau hai lần thất bại tại các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ gần đây mà nguyên nhân được họ đúc rút ra là do “xem nhẹ” lá phiếu của của cử tri thuộc các cộng đồng thiểu số, đặc biệt là cộng đồng nói tiếng Tây Ban Nha cũng là những đối tượng nhập cư đông nhất.

Sự thay đổi này cùng sự coi trọng ưu tiên cải cách nhập cư trong nhiệm kỳ hai của Tổng thống Barack Obama có thể mang lại hy vọng về một cuộc cải cách toàn diện trong chính sách nhập cư Mỹ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG