Đại phẫu hay tự sát?

Đại phẫu hay tự sát?
TP - Trong bối cảnh các chính đảng Nhật Bản đang ráo riết chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn ngày 16-12, Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) cầm quyền có một động thái bất ngờ khi khai trừ 13 đảng viên.

> Nhật Bản: 50 người nộp đơn ly khai đảng cầm quyền
> Thủ tướng Nhật Bản Noda tuyên bố giải tán hạ viện

Đây là những người đã nộp đơn xin ra khỏi đảng từ cuối tháng 10, do bất đồng với lãnh đạo đảng về nhiều chủ trương then chốt.

DPJ đặt ra các điều kiện tiên quyết đối với những ứng cử viên tranh cử Hạ viện là phải chấp hành đường lối, chính sách của đảng trong thời gian tranh cử.

Theo đó, các ứng cử viên phải ký vào “lời tuyên thệ” cam kết chấp hành các chính sách trong đảng nếu muốn nhận được tấm vé tranh cử.

Bản thân lời tuyên thệ không có gì mới song vào thời điểm hiện nay, bản cam kết này lại đi kèm những chế tài mạnh mẽ nhằm đảm bảo hiệu lực của nó.

Động thái này được DPJ lý giải là nhằm siết chặt sự liên kết trong bối cảnh đảng đang bị chỉ trích là thiếu sự đoàn kết nội bộ và thiếu tính tổ chức.

Tuy nhiên, liệu quá trình này có làm cho DPJ mạnh hơn hay không vẫn còn là một dấu hỏi, thậm chí có dư luận cho rằng, sự thay máu toàn diện này khiến tình hình trong đảng càng thêm rối ren.

Cựu Bộ trưởng Môi trường Sakihito Ozawa - người rời bỏ DPJ hôm 19-11 và dự định tranh cử với tư cách ứng cử viên của đảng Hội Duy tân Nhật Bản (JRP) - chỉ trích ban lãnh đạo DPJ đang điều hành đảng bằng cách gây xung đột nội bộ.

DPJ còn vấp phải khó khăn đối với Cựu Thủ tướng Yukio Hatoyama - người luôn phản đối chính sách của lãnh đạo DPJ về thuế tiêu dùng và đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương.

Nếu “chính sách thanh lọc” này được tiến hành triệt để, có thể DPJ sẽ không chính thức dành cho ông Hatoyama tấm vé vào tổng tuyển cử.

Tuy nhiên, do ông từng đảm nhiệm cương vị thủ tướng nên sẽ có một số đảng viên phản đối động thái này.

Ông Hatoyama đã công bố kế hoạch tranh cử ở khu vực bầu cử số 9 Hokkaido với tấm vé của DPJ, song lại đưa ra lời cảnh báo có thể sẽ không tham gia tranh cử.

Vị cựu Thủ tướng này đang “nắn gân” ban lãnh đạo DPJ với lời cảnh báo đó.

DPJ đang đối mặt nhiều thách thức, trong đó thách thức lớn nhất lại đến từ nội tại. Rõ ràng, cho đến thời điểm này, rất khó để nói rằng chính sách thanh lọc đội ngũ của DPJ là cuộc đại phẫu cần thiết hay là hành động tự sát. Câu trả lời sẽ có khi kết quả bầu cử Hạ viện được công bố cuối năm 2012.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG