‘Giấc mơ Gruzia’ và hồi kết của cách mạng màu sắc

‘Giấc mơ Gruzia’ và hồi kết của cách mạng màu sắc
TPO - Không nằm ngoài dự đoán, George Margvelashvili của liên minh “Giấc mơ Gruzia” đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử Tổng thống Gruzia vừa kết thúc cách đây ít ngày.
Tân Tống thống Gruzia George Margvelashvili
Tân Tống thống Gruzia George Margvelashvili .

Tại cuộc họp báo diễn ra ở Thủ đô Tbilisi hôm 28/10, tân Tổng thống G.Margvelashvili tuyên bố: Gruzia sẽ tiếp tục chính sách đúng đắn, hợp lý và mang tính xây dựng cao trong việc bình thường hóa quan hệ với các nước Đông Âu, đặc biệt là Nga.

Đây được xem là thời khắc đánh dấu chấm hết cho giai đoạn đầy biến động - khởi đầu cách đây 10 năm với cuộc “Cách mạng Hoa hồng” chia rẽ hàng triệu người dân đất nước Gruzia.

Năm 2003, “Cách mạng Hoa hồng” tiếp nối cuộc bầu cử hợp pháp của Gruzia do phong trào kháng chiến nội quốc Kmara ủng hộ - phong trào phát triển từ các hoạt động chống tham nhũng của sinh viên các trường đại học từ những năm 2000, sau đó liên lạc với phong trào Otpor ở Séc bia, được sự hậu thuẫn, hỗ trợ tài chính và xây dựng năng lực của tổ chức Phi chính phủ về nhân quyền phương Tây và Học viện Tự do – kết thúc là việc xuống ngôi của Tổng thống Eduard Shevardnadze và lên ngôi của Mikhail Saakashvili sau cuộc tổng tuyển cử tháng 4/2004.

Cũng giống như Séc bia với “Cách mạng Những người ép buộc” năm 2000, sau đó là “Cách mạng màu cam” ở Ukraina (năm 2004) và “Cách mạng hoa Tuylíp” tại Kyrgyzstan (năm 2005), Gruzia bị cuốn vào làn sóng “Cách mạng màu sắc” lan rất nhanh từ ngoại Kavkaz ở phía Tây Nam Cộng đồng Các quốc gia độc lập (SNG), châu Âu ở phương Tây sang Trung Á ở phía Đông, gặm nhấm, làm rung chuyển toàn bộ khu vực SNG với những hứa hẹn về tương lai phồn thịnh “giống phương Tây”.

Tuy nhiên, chỉ thời gian ngắn, người dân Gruzia sớm thấm thía với những chiếc “bánh vẽ” mà M.Saakashvili - “người hùng” năm nào của họ đưa ra.

Sai lầm tiếp nối sai lầm, M.Saakashvili nỗ lực đưa Gruzia dấn thân vào “trò chơi” địa - chính trị với những nước lớn. Chính bởi tham vọng biến Gruzia thành thành viên của EU và NATO, gián tiếp đe dọa không gian an ninh Nga, dẫn tới việc Moscow cắt quan hệ buôn bán, cấm nhập khẩu một số hàng hóa quan trọng từ Gruzia năm 2006. Tiếp đó là cuộc chiến 5 ngày hồi tháng 8/2008 xung quanh hai nước cộng hòa tự trị Nam Ossetia và Abkhazia.

Hàng chục nghìn dân thường vô tội Gruzia thiệt mạng, nhiều nhà cửa bị tàn phá. Cuộc chiến tại Nam Ossetia thậm chí còn trao cơ hội để vùng đất này và cả Abkhazia tuyên bố ly khai khỏi Gruzia.

Giờ đây, “di sản” của thập kỷ “Cách mạng Hoa hồng” mà M.Saakashvili để lại cho Gruzia là nền kinh tế yếu đuối, nạn thất nghiệp tràn lan, tham nhũng gia tăng chóng mặt và khủng hoảng chính trị triền miên bởi các cuộc đấu đá nội bộ. Ngoài ra, cuộc kiếm tìm độc lập thành công của Nam Ossetia và Abkhazia sau cuộc chiến khiến bản đồ địa-chính trị khu vực thay đổi hoàn toàn.

Vì lý do này, nhiều đồng minh “Hoa hồng” của M.Saakashvili vội vã tháo chạy và xem ông như một “tay chơi” vô trách nhiệm, là “quân tốt thí” không hơn không kém cho những toan tính của phương Tây.

Những người từng bỏ phiếu cho M.Saakashvili tỏ rõ sự thất vọng và thừa nhận, ông M.Saakashvili tại vị ngày nào thì đó sẽ là lực cản đối với Gruzia trên bước đường hòa nhập trở lại không gian các quốc gia thuộc Liên Xô cũ.

Không phải ngẫu nhiên khi mà chuyến công du ra nước ngoài đầu tiên trên cương vi Tổng thống Gruzia, ông G.Margvelashvili sẽ tới Litva, một thành viên của Liên Xô cũ, tham dự Hội nghị Đối tác phương Đông của EU vào cuối tháng 11 năm nay, và dự kiến sẽ có cuộc gặp quan trọng chính thức đầu tiên với giới lãnh đạo nước Nga.

Trên thực tế, kể từ sau 1/10/2012, với việc ông G.Margvelashvili được đa số cử tri tín nhiệm cũng như thắng lợi rực rỡ của tỷ phú Bidzina Ivanishvili tại cuộc bầu cử Quốc hội (cuộc bầu cử được cho là thể hiện thái độ dứt khoát của người dân Gruzia với kỷ nguyên “Cách mạng Hoa hồng” đầy sóng gió), Chính phủ mới của Gruzia đã có những bước đi thành công đầu tiên nhằm bình thường hóa quan hệ với Nga.

Là đồng minh của Thủ tướng B.Ivanishvili - người chủ trương theo đường lối hàn gắn quan hệ với Nga, ông G.Margvelashvili, nguyên là giáo sư Triết học, được dự đoán sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ với Nga, cũng như sớm đưa ra các chính sách cứng rắn để điều chỉnh công cuộc “Tây tiến” mạo hiểm của người tiền nhiệm M.Saakashvili.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa tân Tổng thống G.Margvelashvili sẽ “đoạn tuyệt” với phương Tây như M.Saakashvili từng hành xử với Moscow. Trong chiến dịch tranh cử, chính trị gia 44 tuổi này từng tuyên bố theo đuổi chính sách đối ngoại cân bằng quan hệ với cả Nga và phương Tây, bởi lợi ích của Tbilisi gắn liền với cả Nga lẫn phương Tây khi Gruzia là điểm trung chuyển dầu khí Nga cho châu Âu và cộng đồng người Gruzia ở Nga là rất lớn.

Bản thân Moscow cũng nhận thức rất rõ điều đó. Phát biểu sau khi có kết quả sơ bộ bầu cử Tổng thống Gruzia, Ngoại trưởng Sergey Lavrov cho biết Nga để ngỏ khả năng cải thiện quan hệ với Tổng thống mới của Gruzia và sẵn sàng hợp tác với nước này, nhưng “sẽ chờ đợi những tuyên bố chính thức từ phía Tbilisi về chính sách đối với Moscow mà nước này sẽ theo đuổi”.

Tùng Dương

Theo Viết
MỚI - NÓNG