Gương vỡ lại lành?

Gương vỡ lại lành?
TP - Các nỗ lực khởi động mối quan hệ mới với Pakistan của chính phủ Mỹ gặp phải cảnh giằng xé trước những ý kiến phản đối, sự căng thẳng giữa cơ quan công quyền và mong muốn không làm trầm trọng hơn mối quan hệ không dễ chịu nhưng cần phải duy trì. Nhưng có vẻ, nối lại quan hệ đang rạn vỡ với Islamabad đang được xem là một ưu tiên của chính quyền Mỹ trong lúc này.

Trong lúc có những cáo buộc thẳng thừng từ phía các quan chức quân sự Mỹ rằng tình báo Pakistan đã hỗ trợ phiến quân tấn công tòa đại sứ Mỹ ở Kabul (Afghanistan), Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao và Nhà Trắng phải ngồi lại để thảo luận, thậm chí là to tiếng về một loạt lựa chọn được xem là không dễ nuốt.

Ý muốn không che giấu của Washington là thắt chặt vòng vây đối với mạng lưới Haqqani, nhóm du kích được tin rằng đã nhận được hỗ trợ từ ISI, cơ quan tình báo đầy quyền lực của Pakistan trong vụ tấn công tòa đại sứ. Nhóm này cũng được cho là tác giả những vụ bạo lực có thể khiến tiến trình rút quân Mỹ khỏi Afghanistan không thể diễn ra êm ả.

Nhưng dù vậy, một số nhà bình luận cho rằng, chính sách của Mỹ đối với Islamabad xem ra khó có đột biến, ít nhất là trong ngắn hạn, khi Pakistan, một quốc gia “không ổn định, khó đoán biết”, đang kiểm soát hệ thống hậu cần huyết mạch, nhờ đó quân Mỹ mới được tiếp tế lương thực và vũ khí trong các nhiệm vụ ở Afghanistan.

Bởi vậy, trước sự giận dữ của người Pakistan, Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ phải tìm cách “hạ hỏa” những ông bạn đến từ Nam Á bằng cách nói giảm đi những nhận xét thẳng thừng của tướng Mỹ, Đô đốc Mike Mullen, người vừa rời bỏ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Tham mưu Liên quân.

Tuy còn nhiều lời qua tiếng lại nhưng có vẻ chính quyền của ông Obama đã sẵn sàng “làm mới”quan hệ với Islamabad. Lầu Năm Góc đã bày tỏ quan điểm bảo vệ quan hệ quân sự Mỹ-Pakistan, Bộ Ngoại giao thúc đẩy tiến trình đàm phán với Taliban và các nhóm du kích hoạt động trên đất Pakistan, CIA cũng duy trì liên lạc với ISI, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ cũng rục rịch thảo luận kế hoạch dài hơi về lợi ích của Mỹ tại Pakistan.

Nhưng vấn đề được cho là mắc mứu nhất giữa Washington và Islamabad là những đợt không kích không ngừng gia tăng mà không quân Mỹ thực hiện tại một số vùng của Pakistan do các bộ tộc sống ngoài vòng pháp luật kiểm soát. Những đợt không kích này được hiểu ngầm là đã nhận được sự đồng ý của Islamabad, ngay cả khi các căn cứ của máy bay tham gia không kích đã được chuyển qua Afghanistan sau vụ tiêu diệt lãnh đạo al-Qaeda, Osama bin Laden, hồi tháng 5, vụ việc khiến Islamabad muối mặt vì không hề được báo trước.

Các quan chức Mỹ nói, ngay cả khi quan hệ Washington-Islamabad trở nên căng thẳng, họ vẫn có đủ thông tin về phiến quân và sẽ tiếp tục không kích mà không có chút nào gọi là “do dự”.

Tuy nhiên, Pakistan, dù tỏ ra “giận dỗi”, vẫn rất cần “củ cà rốt” made in USA. Đó là những khoản viện trợ, sự ủng hộ của Mỹ đối với các khoản vay từ Ngân hàng Thế giới hay những “hỗ trợ về vật chất và tinh thần” cho Pakistan trước “kẻ thù không đội trời chung”, nước láng giềng đang lên Ấn Độ.

Và người Mỹ chắc chắn đủ khôn ngoan để hiểu rằng, chẳng bao giờ nên dồn ai vào đường cùng. Quan hệ Mỹ-Pakistan “gương vỡ lại lành” cũng là điều không khó đoán.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG