Lóe tia hy vọng

Lóe tia hy vọng
TP - Việc đạt được thỏa thuận vào phút chót đã khiến Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu ở Cancun (Mexico) được đánh giá là khá thành công, dù kết quả chưa hoàn toàn đáp ứng sự kỳ vọng ban đầu.
Biến đổi khí hậu đang tác động tới đời sống của mọi người dân trên thế giới.
Biến đổi khí hậu đang tác động tới đời sống của mọi người dân trên thế giới..

Với thỏa thuận thành lập “Quỹ Khí hậu Xanh” với tổng số tiền lên tới 100 tỷ USD mỗi năm vào năm 2020 để giúp các nước nghèo đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu, các nước dường như không còn cảm giác thất vọng như thất bại tại hội nghị Copenhaghen hồi năm ngoái.

Thậm chí, nó có thể thắp lên hy vọng rằng các bên có thể đi tới một sự đồng thuận lớn hơn về vấn đề biến đổi khí hậu trong khuôn khổ LHQ.

Tuy nhiên, khi các nước không chịu đặt lợi ích toàn cầu lên trên lợi ích quốc gia thì việc tìm được tiếng nói chung trong những vấn đề mang tính toàn cầu là rất khó khăn. Dù đã có bước tiến triển, song tại hội nghị, các bên vẫn chưa đưa ra được một khuôn khổ toàn cầu ràng buộc về mặt pháp lý cho vấn đề chống biến đổi khí hậu.

Điều đó có nghĩa là số phận của một văn kiện thay thế Nghị định thư Kyoto sau năm 2012 vẫn bị bỏ ngỏ. Vì thế, cũng dễ hiểu khi các nhà hoạt động môi trường tỏ ra khá thận trọng với thỏa thuận vừa đạt được.

Mỹ và Trung Quốc, hai nước gây ô nhiễm nhiều nhất thế giới, có vẻ đã xích lại gần nhau hơn trong vấn đề cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, song thực tế, cả Washington và Bắc Kinh vẫn khăng khăng không chịu hy sinh lợi ích của riêng mình.

Trung Quốc không chấp nhận giảm lượng khí thải mà chỉ cam kết hạn chế mức tăng do lo ngại ảnh hưởng tới đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của nước này. Trong khi đó, vì không tham gia Nghị định thư Kyoto nên Mỹ có vẻ “nhởn nhơ” với các mục tiêu giảm khí thải.

Còn Nhật Bản, “cha đẻ” của Nghị định thư Kyoto, thì thẳng thừng tuyên bố không tham gia “Kyoto đệ nhị” nếu Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ không đưa ra những cam kết cụ thể để thể hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với sự sống của Trái đất.

Không đưa ra được quyết định liên quan tới việc gia hạn hay thiết lập một khuôn khổ mới thay thế Nghị định thư Kyoto sẽ là lời cảnh báo cho những thảm họa về môi trường trong tương lai. Chống biến đổi khí hậu là con đường gập ghềnh và nhiều chông gai, đòi hỏi tất cả các nước phải chung tay gánh vác.

Mọi thứ sẽ chỉ là nửa vời nếu các quốc gia không vượt qua được những toan tính chính trị, không có thiện chí và không dung hòa được giữa lợi ích chung và lợi ích riêng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG