Mối tình tuyệt vọng của nhà văn với nữ sĩ

Mối tình tuyệt vọng của nhà văn với nữ sĩ
Jorge Luis Borges (1899-1986) là văn hào nổi tiếng người Argentina theo trường phái siêu thực Nam Mỹ, từng được nhiều lần đề cử vào giải Nobel (tuy ông chưa bao giờ nhận giải).

Khi ông bước vào tuổi thanh niên, do lo lắng khi thấy con mình có những biểu hiện thiếu hụt giới tính cha ông đã đưa con vào nhà thổ. Việc này đã làm tổn thương nặng nề đến ông suốt cả cuộc đời trong quan hệ với phụ nữ. Thế nhưng ông cũng từng có một mối tình tuyệt đẹp nhưng tuyệt vọng với một nữ thi sĩ. Tên nàng là Norah Lange...

Đang là một nhà văn trẻ ở Buenos Aires vào thập niên 20 thế kỷ trước, Jorge Luis Borges đem lòng say mê nữ sĩ tuổi 17 Norah Lange. Và tình yêu bị hắt hủi đã thay đổi con đường sự nghiệp của nhà văn nổi tiếng này. Norah có sức hấp dẫn đặc biệt, màu tóc hung đỏ gợi đến nỗi đam mê, còn ánh mắt xanh vùng Bắc Âu lại tượng trưng cho sự trong trắng của thiên thần, và cô đã đem sự trộn lẫn này vào những vần thơ mơ mộng pha cả những dự cảm tính dục của mình. Sức hấp dẫn của Norah có nguồn gốc khá đặc biệt từ gia đình.

Bố cô là người Na Uy, mẹ sinh ra ở Argentina, nhưng lại mang trong mình dòng máu Na Uy của ông ngoại và Ai Len của bà ngoại. Bởi thế, Norah lớn lên trong một gia đình có văn hoá, đa ngôn ngữ và có tư tưởng tự do. Norah từ nhỏ đã rất nghịch ngợm với nhiều trò oái ăm. Trò yêu thích của cô bé là ăn mặc như những người chăn bò, trèo lên mái nhà, từ đó tuôn ra từng tràng các thứ tiếng nước ngoài khiến hàng xóm phải choáng váng và cười khanh khách khoái trá. Tuy vậy, cô vẫn để dành cho mình những nét nữ tính ẩn sâu trong con người, khiến cô càng hấp dẫn hơn.

Mối tình tuyệt vọng của nhà văn với nữ sĩ ảnh 1
Borges

Vốn là một người lãng mạn ưa hành động, Borges càng thấy gần gũi hơn với Norah khi biết bố cô là một nhà thám hiểm lừng danh đã mất khi cô còn bé. Bên cạnh đó, nhà Langes có họ hàng với nhà văn hàng đầu người Na Uy Alexander Kiellend, bởi vậy cũng như Borges, Norah có thể tự hào về dòng dõi văn chương của gia đình mình. Hai gia đình còn có quan hệ họ hàng với nhau, cô của Norah lấy chú của Borges, mà theo truyền thống vùng nói tiếng Tây Ban Nha, điều đó làm hai người trở thành anh em họ. 

Trong tháng mười năm 1924, khi đã xuất bản tập thơ đầu tay, Norah thường mời Borges và vài người bạn khác đến dự dạ tiệc thứ bảy hàng tuần tại nhà. Họ đọc thơ cho nhau nghe, bàn luận chuyện văn chương, nhảy tăng gô tự chơi trên đàn piano. Những buổi chiều tối này trở thành điểm nhấn trong lịch trình hàng tuần của Norah, cô viết: “Buổi tiệc bừng sáng nhờ sự hiện diện của Georgie và bạn bè anh”. Còn đối với Borges và nhóm bạn văn, nơi này cũng trở thành chốn đi lại yêu thích.

Borges coi Norah là nguồn cảm hứng truyền năng lượng cho anh sáng tác. Đến giữa năm 1926, quan hệ giữa hai người đã đến mức rất thân thiết. Một trong những bài thơ của Norah Lange mô tả cuộc hẹn hò đầy cảm xúc và tính dục: cô đến gặp người yêu như giọt sương ban mai đọng xuống bông hồng mới nở; trái tim cô đập dồn khi nghĩ đến những niềm hứng khởi đang đợi cô trên làn môi anh; cô tưởng tượng ra anh trong cô, tinh khiết như vầng trăng giữa đêm khuya tĩnh lặng.

Theo một chuyên gia, cảnh yêu đương này đã ảnh hưởng rất lớn đến ý tưởng sáng tác của Borges. Tháng Sáu năm 1926, anh ra mắt tiểu luận “Tuyên ngôn của đức tin văn học”, trong đó Borges coi sự giao cảm giữa tác giả và độc giả là một thái độ tin tưởng lẫn nhau dựa trên “lòng tin của độc giả và sự trung thực của tác giả”. “Viết văn là bản tuyên ngôn hoàn chỉnh về chính mình, về nhân vật, về cuộc tìm kiếm của con người”, và tương ứng với đó, độc giả “khát khao được thấy tâm hồn, số phận, khí chất”, nỗi khát khao mạnh đến nỗi nếu không tìm thấy trong tác phẩm thì nó sẽ quay sang “tìm kiếm trong cuộc đời tác giả”.

Theo Borges, viết văn đồng thời vừa là sáng tạo, vừa là khám phá, trong đó tác giả mở rộng lòng mình cho một quyền năng bí ẩn giúp anh ta phát hiện ra tinh cốt của bản ngã và quan hệ của nó với thế giới bên ngoài. Borges càng đi sâu vào vấn đề này thì sự hiện diện của Lange càng rõ: chính cô tạo nên hứng khởi cho cái tuyên ngôn thi pháp ấy; cô là người mà anh hy vọng mang đến sự hài hoà cho cái mớ lộn xộn, mâu thuẫn nhau trong chủ thuyết về cái tôi của anh.

Tháng Mười một năm đó Borges đưa Lange đi dự tiệc mừng một nhà văn nổi tiếng ra mắt thành công cuốn tiểu thuyết mới. Trong bức ảnh chụp hôm đó, Norah Lange có khuôn mặt tươi tắn, mơ màng, mắt ngước nhìn lên; bên cạnh là Borges với nụ cười nửa miệng của một ông chủ thoả mãn. Lúc này Norah đã có chút tên tuổi, được Borges bảo trợ, nhưng ngoài nhóm của anh ra, cô rất ít tiếp xúc với giới nghệ sỹ ở đây.

 Tại buổi tiệc, Borges giới thiệu Norah với sếp, đồng thời là kình địch của anh, nhà thơ Oliverio Girondo. Sau đó Norah tình cờ ngồi cạnh ông ta. Giọng nói trầm như từ “lòng đất vọng lên” của ông gây ấn tượng với Norah. Ông nhìn cô uống ly rượu vang rồi nói: “dòng máu nóng sẽ chảy giữa hai ta”. Sau bữa tiệc Girondo nhảy với Norah và đưa cô về nhà. Norah hoàn toàn bị người đàn ông mới quen này khuất phục: “Oliverio là người đầy sinh lực, nồng nàn. Tôi yêu anh ấy ngay từ ngày hôm đó”.

Girondo không đẹp trai, nhưng học rộng, đi nhiều, biết nhiều: học trường tư ở Anh và Pháp, chu du khắp thiên hạ, đang có nhà ở Paris. Thích quảng bá mình là người chống đối lại những tập tục cổ hủ của xã hội Argentina, nhưng thực tế ông là hậu duệ của một dòng họ chủ đất gốc xứ Basque, có quan hệ họ hàng với hai dòng họ lớn nhất ở Nam Mỹ.

Mất Norah vào tay người đàn ông khác đối với Borges đã là cơn đại hoạn nạn, nhưng khi người đàn ông đó là Girondo thì lại càng khủng khiếp hơn. Mối ác cảm với Girondo bắt nguồn từ những bất đồng về trào lưu thơ cách tân, nhưng cũng còn do sự khác biệt về tính cách: trong khi Borges là người ôn hoà, hơi lạnh lùng, thì Girondo là người có sức mạnh tàn phá, thích khoa trương. Khác biệt giai cấp cũng đóng vai trò quan trọng: Borges thuộc tầng lớp thị dân trung lưu, còn Girondo là đại diện cho giai tầng thượng lưu.

Thứ bảy tuần đó, Norah mời Girondo đến nhà cô và giới thiệu với mẹ cô. Hai người thấy thoải mái bên nhau đến mức chơi cờ suốt ngày. Lange và Girondo bắt đầu gặp nhau hàng ngày. Nhưng khoảng một tháng sau Girondo rời Buenos Aires sang Paris, bỏ lại Norah đau khổ vô hạn. Hầu như ngày nào cô cũng viết thư gửi ông, và quyết định chuyển thể những bức thư đó vào cuốn tiểu thuyết “Giọng đời”. “Tôi đau khổ đến nỗi tóc rụng gần hết, buộc phải đội tóc giả mất một thời gian. Cuối năm 1927 Norah quyết định sang Na Uy một năm với chị gái của mình. Trước khi cô lên đường, cuốn “Giọng đời” đã được xuất bản.

Việc Norah cự tuyệt tình cảm của Borges làm đảo lộn cuộc đời anh. Tháng Ba năm 1927, khi Girondo dứt khoát chối bỏ quan hệ với Norah, anh đã cầu hôn với cô. Nhưng dường như Girondo càng làm Norah đau khổ thì cô càng nhận rõ mình không thể yêu Borges. Tháng Tư năm đó, Norah khước từ tình yêu của Borges một cách nghiệt ngã: cô gửi tạp chí Martin Fierro bài bình luận về hai tuyển tập thơ đầu tay của anh với tựa đề “Vài suy nghĩ về Jorge Luis Borges, người khó mà thành thi sĩ được”.

Qua đây Norah muốn ngăn cách mình khỏi thi ca của người đỡ đầu về tinh thần đối với cô suốt ba năm qua. Chỉ hai tuần sau, Borges mới đáp lại bằng một bài tiểu luận ngắn về “Xo nê số 21 gửi Lisi” của Quevedo, một trong những bài thơ tình hay nhất bằng tiếng Tây Ban Nha. Trong bài thơ, Quevedo tuyên bố, cả tâm hồn, cả huyết quản, cả xương cốt của mình đều đã trải qua ngọn lửa tình yêu, khi chết đi chúng sẽ mất hình hài, nhưng sẽ không mất tình yêu: “Rồi sẽ thành tro tàn, nhưng tro tàn vẫn cảm/ rồi sẽ thành cát bụi, nhưng cát bụi vẫn yêu em”.

Borges gây dựng danh tiếng văn chương lúc đang trên đỉnh tình yêu với Norah Lange, khi mà anh cứ ngỡ rằng mục đích cao cả nhất của thơ ca là bộc lộ mối giao cảm giữa những người đang yêu. Khi bị khước từ, trong bài thơ “Chủ thuyết về đam mê trong tiếng em”, anh viết: “Làm sao quên được tiếng em, tiếng của sự đam mê/ Khi những tiếng “em yêu anh” đã đi vào quên lãng/ Những tiếng đã giam cầm ta trong cảnh ngục tù”. Mặc dù có hơi hướng đầu hàng, nhưng thi sĩ vẫn nhìn về phía trước, nơi mà anh hy vọng sẽ lấy lại được tình yêu.

MỚI - NÓNG