Mùa hạ cay đắng ở Ai Cập

Mùa hạ cay đắng ở Ai Cập
TP - Ai Cập đang rơi vào “hố đen” của vòng xoáy bất ổn mới với việc Tổng thống đầu tiên được bầu một cách dân chủ ở Ai Cập Mohamed Morsi bị phế truất sau đúng một năm lên nắm quyền.

> Ai Cập bước vào giai đoạn nguy hiểm
> Quân đội Ai Cập truy bắt 200 lãnh đạo Huynh đệ Hồi giáo

Số người thiệt mạng trong các vụ đụng độ giữa những người ủng hộ và chống đối ông Morsi đã lên tới vài chục và bạo lực chưa có dấu hiệu lắng dịu. Sau cái gọi là “Mùa Xuân Arập” tràn qua cách đây hai năm thì những gì đang diễn ra ở Ai Cập quả thật là một mùa Hạ cay đắng.

Còn nhớ một năm trước, hàng triệu người Ai Cập đã đổ ra đường ăn mừng việc đất nước họ lần đầu tiên có một vị Tổng thống dân cử. Sau 30 năm sống dưới chế độ của Tổng thống độc tài Hosni Mubarack, họ đã kỳ vọng rằng ông Morsi sẽ không chỉ thổi luồng sinh khí mới vào đời sống chính trị của đất nước mà còn thực hiện lời hứa mang đến cho mọi người dân “bánh mì, tự do và công lý”.

Nhưng rõ ràng 365 ngày vừa qua là quá ít ỏi để một người không giàu kinh nghiệm lãnh đạo lại bao nhiêu năm chịu sự kìm kẹp vì dính dáng tới phong trào “Huynh đệ Hồi giáo” bị cấm hoạt động chính trị tại Ai Cập như ông Morsi có thể đảo ngược hay ít nhất là cải thiện một đất nước bị bao phủ bởi nạn tham nhũng và kinh tế đi xuống.

Theo một số nhà phân tích, ông Morsi đã mắc nhiều sai lầm dẫn đến sự ra đi chóng vánh này mà? rõ ràng nhất là thay vì mang đến một bầu chính trị cởi mở hơn, ông lại ngày càng trở nên độc đoán hơn với hàng loạt những hành động mang tính triệt hạ phe đối lập và củng cố quyền lực cá nhân dễ khiến người ta liên tưởng tới bóng ma độc tài đang trở lại.

Trong một năm cầm quyền vừa qua, ông Morsi đã không làm được gì nhiều để cải thiện nền kinh tế. Ông cũng bị nhìn nhận là vừa không đủ uy lực mà lại cũng chẳng đủ sự nhượng bộ cần thiết để hòa giải những mâu thuẫn xã hội ngày càng gay gắt trong nước. Khi mà những mong muốn của người dân về một đất nước an ninh hơn, giá cả ổn định hơn, không phải chịu cảnh khan hiếm nhiên liệu hay bị cắt điện giữa cái nóng đổ lửa mùa Hè này chỉ được đáp lại bằng những đấu đá, tranh giành quyền lực của giới cầm quyền thì sự phản kháng bùng nổ là điều dễ hiểu.

Những gì xảy ra ở xứ sở Kim Tự Tháp không chỉ là bài học nhãn tiền cho những chính phủ non trẻ ra đời sau “Mùa Xuân A rập” mà còn là lời cảnh báo cho cho cả những nhà lãnh đạo nhiều nơi trên thế giới còn xem nhẹ việc đáp ứng nhu cầu của dân chúng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG