Sáp vào hay tránh xa?

Sáp vào hay tránh xa?
TP - Chuyến thăm của người đứng đầu FESF, ông Klaus Regling, tới Bắc Kinh (Trung Quốc) tuần này, một động thái nhằm thuyết phục Trung Quốc sử dụng nguồn vốn dồi dào của họ để đầu tư vào FESF.

Trong bối cảnh các nhà lãnh đạo châu Âu đã quyết định nâng vốn Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (FESF) lên 1.000 tỷ USD để ngăn chặn khủng hoảng nợ lan ra tới các nền kinh tế lớn hơn trong khu vực dùng đồng euro (eurozone), người ta chú ý tới chuyến thăm của người đứng đầu FESF, ông Klaus Regling, tới Bắc Kinh tuần này, một động thái nhằm thuyết phục Trung Quốc sử dụng nguồn vốn dồi dào của họ để đầu tư vào FESF.

Với nền kinh tế đứng hàng thứ hai thế giới, Trung Quốc đang tìm cách đa dạng hóa nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ, ước tính 3.200 tỷ đôla (60% dự trữ ngoại tệ thế giới) của mình mà cho tới nay chủ yếu được giữ bằng đôla. Trung Quốc đã nhiều lần mua tín phiếu của EFSF trong quá khứ và ông Regling cho rằng Bắc Kinh vẫn đang cần địa chỉ đầu tư tin tưởng cho các khoản thặng dư thương mại của mình.

Tuy vậy, theo các nhà phân tích, Trung Quốc sẽ không chắc “sáp vào” quỹ cứu trợ của châu Âu. Lý do, theo nhà phân tích châu Á thuộc tổ chức Eurasia, Nicholas Consonery, là vì “Trung Quốc vẫn còn 400 triệu người nghèo khổ và về mặt chính trị, việc Chính phủ Trung Quốc cứu trợ các ngân hàng châu Âu không phải là một chuyện rất an toàn cho họ vào thời điểm này”.

Vậy họ sẽ “tránh xa” chăng? Không hẳn, bởi lẽ châu Âu là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Bắc Kinh và Trung Quốc có lợi ích sát sườn trong việc ngăn chặn một cuộc khủng hoảng tài chính trong EU - điều có thể gây ra suy thoái kinh tế trên toàn thế giới. Nhiều học giả nhận định rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục tập trung đầu tư vào từng nước, từng tài sản cụ thể ở châu Âu. Kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất là sự ra đời của các thỏa thuận như giữa Trung Quốc-Italia hay Trung Quốc-Bỉ. Làm như vậy, sẽ vừa sức và có lợi hơn, với quốc gia nhiều tham vọng này.

Nếu giá trị của các công ty châu Âu tiếp tục bị giảm do cuộc khủng hoảng nợ công ở khu vực đồng tiền chung châu Âu, các công ty Trung Quốc có thể sẽ thâu tóm thêm nhiều doanh nghiệp. Các chuyên gia phân tích cho rằng Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục chi tiền để mua lại các công ty châu Âu như một phần trong chiến lược quốc gia nhằm đảm bảo các nguồn tài nguyên và công nghệ thậm chí sau khi nền kinh tế Trung Quốc mất động lực.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG