Sức ép của sự đổi mới

Sức ép của sự đổi mới
TP - Trong hai tháng đầu năm 2011, thế giới chứng kiến sự ra đi của hai nhà lãnh đạo kỳ cựu tại khu vực Trung Đông- Bắc Phi bởi cùng một lý do: đó là sức ép của các cuộc biểu tình đường phố.

>> Quân đội Ai Cập cam kết chuyển giao quyền lực

Sau 18 ngày đối mặt với các cuộc biểu tình đôi khi mạnh bạo và có cả máu đổ, ông Hosni Mubarak đã phải từ chức Tổng thống Ai Cập, chấm dứt gần ba thập niên lãnh đạo quốc gia đông dân nhất trong thế giới Arập. Ông Mubarak từ chức sau đúng bốn tuần kể từ khi nhà lãnh đạo Tuynidi Ben Ali cũng buộc phải lên máy bay rời khỏi đất nước sau 23 năm cầm quyền liên tục.

Có thể nói cuộc khủng hoảng ở Ai Cập xuất phát từ nhiều nguyên nhân mà sâu xa là nhu cầu của người dân cần sự thay đổi sau khi đất nước đã nằm dưới quyền lãnh đạo của một người quá lâu và đang đứng trước những vấn đề nan giải như bạo lực, nghèo đói, tham nhũng và thất nghiệp mặc dù đã có những thành quả kinh tế đáng kể trong các năm gần đây.

Ông Mubarak năm nay đã 82 tuổi, lại mang trọng bệnh, nhưng ông không có vẻ muốn rời bỏ chiếc ghế mà ông đã nắm giữ từ tháng 6-1982, hơn nữa lại muốn con trai kế vị mình bất cần biết người này có đủ tài đức để chèo lái đất nước hay không. Bất mãn tích tụ quá lâu chỉ đợi dịp bùng phát, người Ai Cập đã thực sự xuống đường kể từ ngày 25-1 nhờ được khích lệ bởi “thành quả” của “cuộc cách mạng hoa nhài” bên Tuynidi.

Ngoài ra, lý do Ai Cập “nổi sóng” còn được một số nhà phân tích cho rằng nước này đã rơi vào quy luật gọi là “nghịch lý của độc tài”, khi chế độ độc tài cần hiện đại hóa xứ sở và nâng cao trình độ hiểu biết của lực lượng lao động. Trình độ dân trí tăng khiến dân chúng không chấp nhận chế độ độc tài nữa.

Một cách giải thích khác là Ai Cập phải trả giá cho sự thành công về kinh tế khi nâng cao mức sống chung của xã hội, rồi sự xuất hiện của tầng lớp trung lưu khá giả đòi hỏi những thay đổi chính trị trên thượng tầng mà lãnh đạo không theo kịp. Đó là những nguyên nhân sâu xa của tình trạng ngày nay.

Lịch sử Ai Cập đã bước sang một trang mới nhưng sẽ là quá sớm để nói rằng tương lai tươi sáng đang chờ đón dân chúng đất nước Kim tự tháp. Bởi lịch sử hiện đại cũng đã chứng minh rằng không phải chính quyền mới nào có được từ các cuộc cách mạng đường phố cũng sẽ giúp dân chúng nước đó có cuộc sống tốt hơn.

Theo Hiến pháp Ai Cập, Chủ tịch Quốc hội sẽ trở thành Tổng thống, nhưng với sự nắm quyền của quân đội như thông báo của Phó Tổng thống Omar Suleiman, không rõ điều này có xảy ra hay không. Một số nhà quan sát đã bày tỏ lo ngại vì không rõ quân đội của Ai Cập sẽ thực hiện bước tiến dân chủ như thế nào.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG