Tội ác khó dung

Tội ác khó dung
TP - Tòa án xét xử tội ác Khmer Đỏ tại Campuchia (ECCC) đã hoãn thi hành phán quyết trả tự do cho Ieng Thirith - người được mệnh danh là “Đệ nhất phu nhân” của chế độ Khmer Đỏ.

> Lùi thời hạn thả 'Đệ nhất phu nhân' của Khmer Đỏ

Lý do của quyết định này theo ECCC là do các công tố viên yêu cầu bổ sung những điều khoản chặt chẽ hơn trong quyết định thả nghi can.

Trước đó, ECCC cho phép Ieng Thirith, 80 tuổi, được tại ngoại hầu tra với lý do nghi can này không đủ sức khỏe để tham dự đợt xét xử tội diệt chủng.

Tuy nhiên, các công tố viên yêu cầu cần phải có thêm điều kiện để đảm bảo nghi phạm không trốn ra nước ngoài, trong đó có việc tịch thu hộ chiếu và mỗi tuần nghi phạm phải trình diện một lần.

Một lý do có thể cũng góp phần khiến ECCC hoãn trả tự do cho Ieng Thirith là sự phẫn nộ của các gia đình là nạn nhân của Pol Pot. Là vợ của Ieng Sary, nguyên “Bộ trưởng Ngoại giao” của chính quyền diệt chủng, đồng thời là em dâu của thủ lĩnh Pol Pot, Ieng Thirith từng được mệnh danh là người phụ nữ quyền lực nhất trong các lãnh đạo cấp cao của Khmer Đỏ.

Đối tượng này bị buộc tội tham gia “lập kế hoạch, chỉ đạo, phối hợp và trực tiếp ra lệnh các cuộc thanh trừng hàng loạt” trong thời gian giữ chức Bộ trưởng các vấn đề xã hội dưới thời Khmer Đỏ cầm quyền từ năm 1975-1979.

Thậm chí, Ieng Thirith còn bị cáo buộc đã biết rõ về những tội ác khủng khiếp ở nhà tù Tuol Sleng.

Là một trong những người tham gia hoạch định nên giai đoạn đen tối nhất trong lịch sử đất nước Chùa Tháp, Ieng Thirith không thể giũ sạch được vết nhơ quá khứ đã đẩy hàng triệu người dân rơi vào thảm cảnh.

Các nạn nhân của chính quyền diệt chủng không thể nào quên được những tội ác kinh hoàng của Khmer Đỏ và điều hiển nhiên là họ khó mà chấp nhận bất cứ sự dung thứ nào đối với những kẻ thủ ác.

Việc thả Ieng Thirith dù với lý do sức khỏe vẫn khó mà nhận được sự chấp nhận của hàng triệu người đã từng sống dưới chế độ đao phủ.

Không chỉ mình Ieng Thirith, ngay chính “Ngoại trưởng Khmer Đỏ” Ieng Sary, 83 tuổi, từng phải nhập viện vì những căn bệnh của tuổi già.

Tuy nhiên, cùng với hai nhân vật khác của Khmer Đỏ là nguyên “Chủ tịch quốc hội” Nuon Chea và nguyên “Chủ tịch nước” Khiêu Samphan, bốn thủ lĩnh cộm cán này sẽ tiếp tục bị xét xử vì những tội ác mà chính quyền diệt chủng đã gây ra với đất nước, với nhân dân. Lịch sử đã sang trang gần 40 năm song nỗi đau vẫn còn mãi.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG