'Vũng bùn' đọng lại sau một năm lũ lụt tại Pakistan

'Vũng bùn' đọng lại sau một năm lũ lụt tại Pakistan
TPO - Gió đầu tháng tám bắt đầu thổi, lác đác vài giọt mưa. Những con kền kền liệng trên bầu trời bỗng làm người dân làng Sir Darriyya, Charsadda, Pakistan nơm nớp lo sợ. Ám ảnh trận lũ lịch sử cướp đi tính mạng của 1600 người xảy ra vào tháng tám năm ngoái vẫn đeo bám tâm trí của người dân nơi đây.

Một năm kể từ sau trận lũ lịch sử ở Pakistan làm hàng nghìn người thiệt mạng, người dân đất nước này vẫn đang đối mặt với bao khó khăn. Sau trận lũ tồi tệ được ví gấp ba lần động đất kinh hoàng ở Haiti ấy, đến bây giờ, những hư hỏng về cơ sở vật chất, nhiều thiếu thốn trong đời sống sinh hoạt hàng ngày vẫn chưa được khắc phục.

Trận lũ xảy ra cuối tháng bảy, đầu tháng tám năm ngoái nhấn chìm Tây Bắc Pakistan, làm hơn 1.600 người thiệt mạng và ảnh hưởng tới 15 triệu người Pakistan. Nước lũ từ phía Bắc đổ về vùng đất nông nghiệp Punjab và miền nam tỉnh Sindh, dài hơn 1.000 km.

Sống trong nỗi lo

Ahsan Tajik, người dân sống ở huyện Nowshera nhớ lại: “Nước lũ cuồn cuộn dâng lên làm nhà tôi ngập đến 7,5m. Mọi thứ trong nhà bị lũ cuốn trôi. Khi đó, tôi chỉ ghe thấy tiếng la hét, kêu gào của người trong lũ. Chúng tôi sống được nhờ sự cứu trợ của chính phủ”.

Người dân Nowshera nói riêng và cả nước Pakistan nói chung đã gồng mình để vượt qua cơn lũ ghê gớm này.

Zarseda là người mẹ đã mất hai đứa con Salma (18 tuổi) và Nazia (15 tuổi) trong trận lũ lịch sử năm ngoái. Thi thể của hai cô bé được tìm thấy cách nhà 3 km.

“Lúc nào tôi cũng nghĩ đến hai đứa. Những ngày gần đây, mỗi khi nghe tiếng mưa lớn, tôi lại sợ. Tôi sợ lại xảy ra những trận mưa to, gió lớn và nước lũ lại dâng lên. Người dân chúng tôi không còn gì để mất nữa”, bà nói.

Bức ảnh còn lại của người bị lũ cuốn trôi. Ảnh: Reuters
Bức ảnh còn lại của người bị lũ cuốn trôi. Ảnh: Reuters.

Một trong những khó khăn của người dân Pakistan là đối diện với bệnh tật sau lũ. Môi trường nước lũ rác thải, thiếu nước sạch sinh hoạt khiến nhiều căn bệnh phát sinh trong khi nhân lực về y tế rất ít.

Farman Ali, 46 tuổi, người dân sống trong trại tị nạn cho biết: “Sáu tháng trước, chúng tôi bắt đầu được nhận những phần ăn từ tổ chức nhân đạo. Nhưng, những đứa con của tôi thường xuyên bị bệnh, không có y tá hay bác sĩ khám. Bây giờ, chúng tôi ao ước có ngôi nhà ở, cuộc sống như trước đây”.

Thất học

Không chỉ người lớn, mà những đứa trẻ ở đất nước Pakistan cũng sống trong sự thiếu thốn về giáo dục. Trường học bị tàn phá, các em không còn biết đến sách vở, thầy cô. Các em chỉ biết đi lượm những thứ còn sót lại sau trận lũ, rồi phụ giúp cha mẹ kiếm củi để duy trì cuộc sống.

Chúng tôi gặp cô bé Firdaus, đến từ Khairpur, Sindh đang vui chơi với các bạn ở một chòi cao. Em đã không còn đến trường sau lũ. Ngôi nhà thân yêu của em cũng bị lũ cuốn đi, cuốn theo sách, vở đã gắn bó với em.

Cuộc sống thiếu thốn, trẻ em không học hành. Ảnh: Reuters
Cuộc sống thiếu thốn, trẻ em không học hành. Ảnh: Reuters.

“Lợn, gà và tất cả đồ dùng của nhà em đã bị lũ cuốn trôi rồi, cuốn cả ngôi nhà nữa. Giờ em đang sống với cha ở trại cứu trợ. Mẹ em đang quay về làng để tìm kiếm gì đó. Thỉnh thoảng, em được nói chuyện với mẹ qua điện thoại và nói với mẹ em vẫn ổn. Hàng ngày, chúng em xếp hàng để nhận cơm cứu trợ. Em không còn đến trường nữa, em phải phụ giúp cha kiếm sống thôi” - Firdaus kể.

Còn cậu bé Taufeeq, làng Sihdh, Mirpur Bururo, đang sống tại trại Hyderrabad, đã đi bộ mất 10 ngày để đến đây, tìm sự giúp đỡ. Em cảm thấy xa lạ khi sống trong trại cứu trợ: “Emkhông có bạn, em thấy rất buồn. Em cũng không biết đến bao giờ mới được trở lại ngôi nhà như trước đây".

Dường như, tuổi thơ của những đứa trẻ Pakistan không còn. Cái tuổi đáng lẽ được ăn học, được nuôi dưỡng ước mơ, đã bị thiên tai cướp mất.

'Vũng bùn' đọng lại sau một năm lũ lụt tại Pakistan ảnh 3

Nổ lực khắc phục khó khăn

Theo tổ chức nhân đạo Liên Hợp Quốc, quy mô của đợt lũ lần này có thể tồi tệ hơn cả ba thiên tai lớn gần đây cộng lại: trận động đất hồi tháng một ở Haiti, sóng thần năm 2004 và động đất năm 2005 ở Pakistan. Một trận lũ kéo dài nhấn chìm 1/5 đất nước. Mặc dù nhiều hỗ trợ nhưng giải quyết triệt để những khó khăn trong việc tái định cư chỉ trong một năm là thách thức không nhỏ.

Liên Hợp Quốc, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức nhân đạo trên khắp thế giới đã nỗ lực cứu trợ người dân, sớm ổn định sinh hoạt.

18 triệu hộ dân bị ảnh hưởng nặng nề do lũ. Chính phủ Pakistan đã xây dựng nhiều trại nhân đạo để cung cấp nơi ở tạm thời cho người dân. Một năm sau trận lũ, vẫn còn nhiều người đang sống tại các trại do chưa đủ điều kiện thể tái sinh cuộc sống

“Đối với người dân Pakistan, để trở lại trạng thái ban đầu cần nhiều hơn nữa sự chung tay của cả thế giới. Họ cần vật chất cũng như thời gian xây dựng lại toàn bộ cuộc sống”, ông Kebede, thành viên Liên Hợp Quốc cho biết.

Khủng hoảng khí hậu

Pakistan có thể phải đối mặt với cuộc khủng hoảng khí hậu. Là một trong những nước khô cằn nhất thế giới, Pakistan quanh năm gánh chịu thiên tai từ hạn hán đến lũ lụt. Những lo ngại về những tác động của con người làm ảnh hưởng tới sự biến đổi khí hậu. Người ta thấy hàng ngàn người Pakistan sống trong các trại tị nạn vào mùa hạn hán và sau đó là những trận lũ. "Bà mẹ thiên nhiên" vẫn không cho họ thoát khỏi cảnh cùng cực “màn trời chiếu đất".

Cuộc khủng hoảng khí hậu đi liền với cuộc đấu tranh sinh tồn của người dân Pakistan. Một năm trôi qua nhưng cuộc chiến tìm kế sinh nhai vẫn đeo bám người dân Nam Á này.

Nguyễn Thủy tổng hợp

Theo Dịch
MỚI - NÓNG