10 chương trình vũ khí nổi bật năm 2008

10 chương trình vũ khí nổi bật năm 2008
TP - Theo các chuyên gia phân tích quân sự, trong năm 2008 sẽ có 10 chương trình phát triển vũ khí trang bị trên thế giới được xếp hạng “các chương trình ấn tượng nhất”. 
10 chương trình vũ khí nổi bật năm 2008 ảnh 1

1. Vũ khí phòng thủ tên lửa. Trước hết phải kể đến chương trình phòng thủ tên lửa của Mỹ, vốn đã trở thành chủ đề nổi bật trong quan hệ giữa Mỹ và Nga. 

Trong năm 2008, Mỹ sẽ thử nghiệm vũ khí lade bố trí trên máy bay ABL (Aiborne Laser) và trên vũ trụ SBL (Space-Based Laser), tên lửa đánh chặn bằng động năng siêu cao tốc KEI (Kinetic Energy Interceptor).

Trong ba đề án trên, có hiệu quả và khả thi hơn cả là chương trình chế tạo KEI có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo trong giai đoạn đầu của quỹ đạo bay để bảo vệ các vùng chiến lược của Mỹ và châu Âu và các vùng chiến dịch-chiến thuật như Iraq và Israel.

Trong khi đó, vũ khí lade chỉ tiêu diệt tên lửa tầm ngắn và tầm trung ở cự ly 2.500 km. KEI sẽ được đưa vào trang bị vào năm 2012, có khả năng vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia của các đối thủ tiềm tàng.

2. Tàu sân bay. Nhiều nước trên thế giới bắt đầu quan tâm trở lại tới các tàu sân bay hiện đại do vai trò ngày càng quan trọng của chúng như là một phương tiện gây áp lực chính trị-quân sự.

Trong năm nay, Mỹ sẽ bắt đầu đóng tàu sân bay CVN 78 “Gerald Ford”, được lắp động cơ nguyên tử và sẽ là tàu sân bay lớn nhất của Hải quân Mỹ với lượng choán nước trên 100 ngàn tấn và số máy bay mang theo lên tới 100 chiếc, trong đó có 75 máy bay tiêm kích.

Tàu sân bay mang số hiệu CVN 78 sẽ được đưa vào trang bị vào năm 2015 để thay thế tàu sân bay “Enterprise”. Những tàu tiếp theo sẽ được đóng cách nhau 3-5 năm để thay thế các tàu sân bay thuộc lớp “Nimitz”.

Ngoài Mỹ ra, Anh sẽ đóng hai tàu sân bay “Queen Elizabet” và “Prinse Of Woels” và sẽ đưa vào trang bị vào năm 2013 và năm 2016; Pháp sẽ đóng tàu sân bay PA2 làm căn cứ đậu cho các máy bay Rafale có sử dụng hệ thống phóng máy bay và dù hãm khi hạ cánh. 

3. Chiến hạm thuộc lớp FREMM. Chiếm vị trí thứ ba là đề án “FREMM” phối hợp giữa Pháp và Italia, nhằm chế tạo tàu chiến tàng hình đa năng, có khả năng chống tàu ngầm, chống tàu nổi, yểm trợ hoả lực cho hoạt động quân sự của lục quân tại các khu vực ven biển.

Năm 2008, sẽ thử nghiệm các hệ thống liên kết trên tàu chiến của Pháp. Những tàu chiến đầu tiên sẽ được đưa vào trang bị vào năm 2011-2012.

4. Máy bay cất/ hạ cánh thẳng đứng. Đứng vị trí thứ 4 trong danh mục xếp hạng là đề án đầy tham vọng của Mỹ nhằm chế tạo máy bay vận tải hạng nặng cất và hạ cánh thẳng đứng JHL (Joint Heavy Lift), có khả năng nhanh chóng vận chuyển các xe chiến đấu bọc thép với tổng trọng tải 27 tấn hiện đang được phát triển trong khuôn khổ chương trình “Xe chiến đấu thế kỷ 21”.

Loại máy bay này sẽ làm thay đổi căn bản cách tiếp cận đối với các hoạt động quân sự trên toàn cầu. Năm 2008, những mẫu thử nghiệm đầu tiên của máy bay JHL sẽ được thực hiện.

10 chương trình vũ khí nổi bật năm 2008 ảnh 2

5. Hệ thống dẫn đường từ vũ trụ của Trung Quốc. Đứng vị trí thứ 5 trong bảng xếp hạng là hệ thống dẫn đường bằng vệ tinh của Trung Quốc mang tên “La bàn-2”, cho phép tạo ra những khả năng mới của quân đội Trung Quốc.

Năm 2008, Trung Quốc dự kiến phóng 2 vệ tinh dẫn đường “La bàn-2” đầu tiên, với vùng phủ sóng bao gồm toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc và các nước láng giềng.

Dự kiến, Trung Quốc sẽ phóng 5 vệ tinh lên quỹ đạo địa tĩnh và 30 vệ tinh bố trí trên các quỹ đạo trung bình.

6. Hệ thống ngắm bắn ngoài tầm nhìn. Đứng vị trí thứ 6 là tổ hợp “Spin Out-1” dùng cho các thế hệ xe tăng và xe bọc thép chiến đấu của bộ binh, trong đó có hệ thống máy tính và thiết bị mạng, các hệ thống trinh sát và báo động, điều khiển phóng tên lửa chính xác cao nhằm vào các mục tiêu ngoài tầm nhìn của lái xe.

7. Mạng Internet chiến đấu. Đứng  hàng thứ 7 là hệ thống quan sát và thông tin qua mạng Internet (ISRIS) có chức năng thu thập số liệu và hình ảnh từ các phương tiện trinh sát khác nhau như máy bay không người lái và vô vàn bộ cảm biến khác để đưa tới các máy chủ trong hệ thống tự động hoá chỉ huy.

Năm 2008, hệ thống này sẽ được sử dụng thử nghiệm trong chiến đấu ở Iraq.

8. Người lính của tương lai. Với tổ hợp chiến đấu cá nhân tiên tiến sẽ được thử nghiệm trong năm 2008, người lính sẽ liên kết với hệ thống chỉ huy chiến đấu được số hoá ở mức độ cao.

Năm 2008, 100 bộ truyền thông và dẫn đường mới sẽ được đưa vào trang bị cho quân đội Pháp theo đề án mang tên “Người lính của tương lai”.

9. Pháo nòng ngắn NLOS với hệ thống lắp đạn tự động, có thể bắn hàng loạt và bắn tất cả các loại đạn hiện có sẽ được chế tạo trong tương lai, trong đó có đạn pháo được lắp hệ thống dẫn đường bằng vệ tinh.

Pháo được lắp hệ thống bảo vệ tổng hợp, vượt xa các hệ thống hiện có, có khả năng tiêu diệt đầu đạn động năng và đạn nổ xuyên thấu được bắn đến từ hai bên sườn, từ phía sau, từ phía trên và từ phía dưới.

10. Đạn pháo siêu chính xác M982 Excalibur Block sử dụng hệ thống dẫn đường bằng vệ tinh, có độ chính xác cao khi bắn từ các loại pháo hiện nay với cỡ nòng 155 mm, có độ chính xác siêu cao để tiến công “giải phẫu” trong điều kiện chiến đấu ở thành phố có nhiều người qua lại.

Tầm xa của đạn pháo có thể lên tới 40 km. Giá của mỗi quả đạn là 39.000 USD.

Lê Minh Quang
(Tổng hợp)

MỚI - NÓNG