10 sự kiện quốc tế nổi bật nhất 2018

Lần đầu tiên một tổng thống đương nhiệm Mỹ gặp lãnh đạo cao nhất của Triều Tiên ảnh: Nation
Lần đầu tiên một tổng thống đương nhiệm Mỹ gặp lãnh đạo cao nhất của Triều Tiên ảnh: Nation
TP - Một năm thế giới đầy biến động sắp qua đi. Nhân dịp này, hãy cùng điểm lại 10 sự kiện quan trọng diễn ra trong năm qua.

1.Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung

Chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ năm 2018 khởi đầu vào ngày ngày 22/3 khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế nhập khẩu cao hơn trước đối với  50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc dựa theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974, để ngăn chặn những gì họ cho là hành vi thương mại không công bằng và hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ. Danh sách thuế tập trung vào các sản phẩm được đưa vào kế hoạch Made in China 2025, bao gồm các sản phẩm liên quan đến CNTT và robot. Tháng Tư, ông Trump tăng thuế đối với hàng nhập khẩu thép và nhôm từ Trung Quốc, Canada và các nước trong Liên minh châu Âu (EU).
Ngày 6/7/2018, Tổng thống Donald Trump tiếp tục áp mức thuế mới cao hơn trước đối với số hàng hóa trị giá 34 tỷ USD của Trung Quốc. Bắc Kinh đáp lại với các mức thuế tương tự đối với các sản phẩm của Mỹ. Chính quyền Trump nói thuế quan là việc cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia và sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp Mỹ, giúp giảm thâm hụt thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc. 

2.Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều

Hội nghị thượng đỉnh CHDCND Triều Tiên - Hoa Kỳ là một cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên và Hoa Kỳ diễn ra vào ngày 12 tháng 6 năm 2018 tại tại khách sạn Capella trên đảo Sentosa ở Singapore. 

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un đã tham gia một cuộc họp riêng hai người với thông dịch viên, lúc 9 giờ sáng giờ địa phương. Sự kiện thu hút sự chú ý đặc biệt của thế giới vì đây là lần đầu tiên một tổng thống đương nhiệm của nước Mỹ gặp lãnh đạo cao nhất của Triều Tiên, trong khi giữa hai nước tồn tại sự thù địch kéo dài nhiều thập kỷ, kể từ cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).

Sau cuộc gặp, Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố: Mỹ và Triều Tiên cam kết thiết lập mối quan hệ Mỹ - CHDCND Triều Tiên mới, đáp ứng khát khao của hai dân tộc vì hòa bình và thịnh vượng. 

3.Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran

Ngày 9/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.Thỏa thuận Iran và nhóm P5+1 gồm  Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp,  Anh và Đức cùng Liên minh châu Âu về chương trình hạt nhân của Iran, đạt được trên cơ sở của thỏa thuận Geneva, tên chính thức là Thỏa thuận Hành động chung (JPA). Thoả thuận Geneva là một thoả thuận tạm thời được ký kết vào ngày 24/11/2013, trong đó Iran đồng ý lùi lại một phần của chương trình hạt nhân của họ nhằm đổi lấy sự nới lỏng một số lệnh trừng phạt. Thỏa thuận trên có hiệu lực kể từ 20/1/2014. Sau đó các bên đồng ý tiếp tục mở rộng đối thoại.Hạn chót được mở rộng tới ngày 24/11/2014 và khi hết hạn, một hạn chót thứ hai được đưa ra tới ngày 1/7/2015. Việc Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran khiến quan hệ giữa hai nước ngay lập tức trở nên căng thẳng, đặc biệt sau khi Mỹ áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt đối với Tehran.

4. Ba hội nghị liên Triều

Hội nghị thượng đỉnh liên Triều đầu tiên của năm 2018 diễn ra vào ngày 27/ 4 ở tại khu vực an ninh chung phần trên lãnh thổ Hàn Quốc, giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un. Đây là hội nghị thượng đỉnh liên Triều thứ ba và là hội nghị đầu tiên trong mười một năm. Hội nghị thượng đỉnh tập trung vào chương trình vũ khí hạt nhân và vũ khí hủy diệt hàng loạt của Bắc Triều Tiên và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Ngày 26/5, Chủ tịch Kim và Tổng thống Moon gặp lại nhau trong khu vực an ninh chung, lần này ở phía Bắc Triều Tiên. Cuộc họp chủ yếu tập trung vào hội nghị thượng đỉnh diễn ra sau đó của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong - un với Tổng thống Mỹ Donald Trump.Hội nghị thượng đỉnh liên Triều tháng 9 là hội nghị thượng đỉnh thứ ba trong năm 2018. Ông Moon đến Bình Nhưỡng hôm 18/9, được đón tiếp nồng nhiệt. Đây được xem là chuyến đi biểu tượng cho sự hòa giải giữa hai miền Triều Tiên.

5. Phong trào áo khoác vàng

Là là một phong trào phản đối bắt đầu với các cuộc biểu tình ở Pháp vào thứ bảy, 17/11/2018 và sau đó lan sang các quốc gia lân cận (Ý, Bỉ và Hà Lan). Bị tác động bởi việc tăng giá nhiên liệu, chi phí sinh hoạt cao, chính sách thuế của chính phủ, người biểu tình, chủ yếu là tầng lớp trung lưu và dưới trung lưu, kêu gọi thay đổi và đòi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từ chức.

"Áo vest màu vàng" được chọn vì mọi lái xe chuyên nghiệp theo quy định từ năm 2008 phải có áo khoác có khả năng nhìn thấy cao trong xe khi lái xe. Kết quả là, áo khoác phản quang đã trở nên phổ biến rộng rãi, rẻ tiền và mang tính biểu tượng. Sự kiện phản ánh sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội Pháp, một trong những quốc gia đứng đầu châu Âu và có tiếng cởi mở với người nhập cư.

6.Vụ giết hại nhà báo Jamal Khashoggi

Ngày 2/10, nhà báo bất đồng chính kiến người Ả rập Xê út sống lưu vong Jamal Khashoggi bước vào lãnh sự quán Ả rập Xê út ở thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Và ông không bao giờ được nhìn thấy còn sống. Trước đó, tình báo Thổ Nhĩ Kỳ đã gài máy nghe trộm vào khuôn viên lãnh sự quán và xác định đã có một vụ án mạng. Thổ Nhĩ Kỳ, dựa vào các đoạn ghi âm, xác định ông Khashoggi đã bị giết dã man và nghi ngờ hoàng thái tử Mohammed bin Salman của Ả rập Xê út, người thường xuyên bị ông Khashoggi chỉ trích, ra lệnh giết ông. Sau này giới chức Ả rập Xê út đành thừa nhận đã có một vụ giết người. Vụ việc làm dấy lên làn sóng tẩy chay Ả rập Xê út và cũng khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump rơi vào thế khó vì muốn bảo vệ thái tử Mohammed bin Salman.

7. Đảng Dân chủ Mỹ giành quyền kiểm soát hạ viện

Đảng Dân chủ đã giành quyền kiểm soát Hạ viện Mỹ, phá vỡ thế quyền lực độc tôn của đảng Cộng hòa và mở ra khả năng kiểm soát, ngăn chặn chương trình nghị sự của Tổng thống Donald Trump.

Điều an ủi cho ông Trump là đảng Cộng hòa vẫn giữ được thế đa số  tại Thượng viện sau một kỳ bầu cử giữa kỳ đầy chia rẽ. Kết quả bầu cử lần này đã mở ra một viễn cảnh cực kỳ gay cấn cho cuộc chạy đua vào Nhà Trắng diễn ra năm 2020.

8. Phương Tây suy yếu

Mỹ và Tây Âu liên tục đối đầu nhau về thương mại và chính trị trong khi Anh rơi vào hỗn mang sau vụ bỏ phiếu Brexit và khủng hoảng chính trị ở Anh chưa biết bao giờ mới nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm. Tổng thống Pháp đang phải đối mặt với thách thức lớn nhất kể từ khi lên cầm quyền 18 tháng trước, khi biểu tình và bạo loạn liên miên ở thời điểm cuối năm. Ngay cả một cường quốc châu Âu như Đức cũng gặp phải bất ổn trong nước. Thủ tướng Angela Merkel từ chức chủ tịch đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo sau khi đảng cầm quyền này thất bại trong nhiều cuộc bầu cử quan trọng. Việc này có thể dẫn tới các kịch bản: bà Merkel sẽ phải sớm từ chức thủ tướng, chính phủ sụp đổ, cần một liên minh mới, một chính phủ thiểu số hay các cuộc bầu cử mới.

9.Mỹ rút quân khỏi Syria, giảm quân số ở Afghanistan

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 19/12 tuyên bốrút toàn bộ lính Mỹ khỏi Syria, rằng Mỹ đã hoàn tất việc đánh bại IS và không cần thiết phải đồn trú tại đây nữa. Các quan chức Mỹ cũng đã xác nhận thông tin rút hoàn toàn quân Mỹ trong vài tháng tới, trong khi khoảng 2.000 binh lính đang hoàn tất giai đoạn chiếm lại vùng lãnh thổ từng bị các phiến quân IS kiểm soát. Ngoài ra, quân đội Mỹ đã được lệnh lên kế hoạch rút một nửa quân số tại Afghanistan.Kế hoạch đang được thực thi và sẽ mất vài tháng để hồi hương gần 7.000 binh lính. Quyết định được đưa ra cùng thời điểm Tổng thống Trump tuyên bố rút toàn bộ quân đội Mỹ khỏi Syria dẫn đến sự ra đi của bộ trưởng James Mattis.

10.Phong trào# MeToo 

Là một phong trào chống quấy rối và bạo hành tình dục. #MeToo lan truyền nhanh trên mạng xã hội, chứng minh sự phổ biến rộng rãi hành vi quấy rối và bạo hành tình dục, đặc biệt là tại nơi làm việc. Nó xảy ra ngay sau những tiết lộ công khai về những cáo buộc hành vi lạm dụng tình dục chống lại Harvey Weinstein, nhà sản xuất phim người Mỹ. Ông này bị hơn 80 phụ nữ cáo buộc quấy rối tình dục.

Một số hashtag để chia sẻ các câu chuyện về bạo lực tình dục đã được sử dụng trước #MeToo, bao gồm #MyHarveyWeinstein, #YouOkSis, #WhatWereYouWearing và #SurvivorPrivilege. 

10 sự kiện quốc tế nổi bật nhất 2018 ảnh 1

 Một tàu chở hàng rời cảng ở Thanh Đảo, Trung Quốc. Cuộc chiến thương mại tác động mạnh đến hoạt động xuất khẩu của nước này ảnh: Foreign Policy

10 sự kiện quốc tế nổi bật nhất 2018 ảnh 2 Nhà báo Khashoggi ảnh: Daily Beast
MỚI - NÓNG