10.000 người lo vụ thử hạt nhân đầu tiên ở Trung Quốc

Ảnh nổ bom nguyên tử đầu tiên của Trung Quốc nổ vào ngày 16.10.1964 - Ảnh: China.org.cn
Ảnh nổ bom nguyên tử đầu tiên của Trung Quốc nổ vào ngày 16.10.1964 - Ảnh: China.org.cn
Hơn 10.000 người đã được triển khai để phục vụ cho lần thử vũ khí hạt nhân đầu tiên của Trung Quốc với nhiều hậu quả còn để tới ngày nay.

Dịp đánh dấu 50 năm ngày Trung Quốc thử quả bom hạt nhân đầu tiên trôi qua lặng lẽ hồi tháng 10.2014, hầu như không có bất kỳ hoạt động kỷ niệm công khai nào. Tuy nhiên, giới truyền thông đã cất công tìm gặp những chuyên gia, cựu binh từng tham gia chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của nước này và mới đây cho đăng tải nhiều bài viết hé lộ về sự kiện từng một thời được liệt vào dạng tuyệt mật quốc gia.

Bí mật đến phút chót

Trung Quốc được cho là bắt đầu nghiên cứu về vũ khí hạt nhân vào giai đoạn 1954 - 1955 với sự hỗ trợ của Liên Xô. Tuy nhiên, đến đầu thập niên 1960, căng thẳng dâng cao giữa 2 bên và Liên Xô rút hết chuyên gia về nước nên mãi đến ngày 16.10.1964, Trung Quốc mới tiến hành được vụ thử đầu tiên tại cơ sở Malan trên sa mạc Gobi, phần thuộc Khu tự trị Tân Cương. Tân Hoa xã dẫn lời ông Đỗ Học Du, một trong những công nhân được huy động xây dựng các bãi thử hạt nhân đầu tiên của Trung Quốc, kể ông cùng các đồng đội phải làm việc trong điều kiện cực kỳ khắc nghiệt và không hề biết mình đang tham gia làm gì. “Phải làm việc cật lực nhưng mỗi người chỉ được cấp 10 kg lương thực/tháng. Chúng tôi đói đến mức chân bị teo lại và phải tìm nấm dại trong núi để cải thiện”, ông Đỗ nhớ lại. Theo Tân Hoa xã, khi đó, ông Đỗ và hơn 10.000 nhà khoa học, kỹ sư, quân nhân khác đều không được thông báo rõ mục đích của chương trình họ tham gia.

Tương tự, cựu binh Dương Thiên Ngọc kể với báo mạng Want China Times rằng vào tháng 10.1963, đơn vị của ông bất ngờ nhận lệnh chuyển từ thành phố Lan Châu đến “cơ sở đặc biệt” ở Tân Cương. Không ai rõ nhiệm vụ của mình là gì nhưng kỷ luật quân đội không cho phép họ thắc mắc và khi đến nơi mới biết nơi đóng quân mới mang tên Malan. Theo ông Dương, các binh sĩ chỉ được báo với gia đình rằng mình có nhiệm vụ “canh gác một căn cứ” và không được nhắc đến tên Malan. Toàn bộ thư từ đều bị kiểm tra trước khi gửi đi.

Ám ảnh chết chóc

Want China Times dẫn lời Dương Thiên Ngọc cho biết đến ngày 15.10.1964, tức một ngày trước vụ thử, các binh sĩ mới được thông báo sự thật và họ được lệnh giữ bí mật những gì mình chứng kiến “cho đến khi xuống mồ”. Ông nhận nhiệm vụ vận chuyển một số máy bay cũ đến bãi thử, cách nơi đóng quân khoảng 200 km. Một số người khác thì sắp xếp các toa xe lửa, xe hơi và cả xe thiết giáp. Khi kiểm tra mọi thứ lần cuối, Dương nhìn thấy nhiều con vật như khỉ, chuột, thỏ bị nhốt trong buồng lái máy bay, xe hơi… cùng với các hình nhân được cho ăn mặc như người thật. Sau đó, ông cùng đồng đội rút về một sân bay cách bãi thử khoảng 80 km và được yêu cầu đeo kính bảo hộ.

Đến 15 giờ cùng ngày, mọi người đứng quay lưng lại phía bãi thử và bịt chặt tai nhưng vẫn cảm nhận được một vụ nổ “trời rung đất chuyển”. Khi quay lại, họ thấy một quả cầu lửa khổng lồ bốc lên “như thể một mặt trời thứ hai”. Khi quầng sáng chói lòa tan dần, mọi người có thể thấy rõ đám mây hình nấm khổng lồ, liên tục cuộn cát từ mặt đất lên, tạo thành một cột khói, cát và tro bụi “cao bằng cả tòa nhà”.

Khoảng 2 tiếng sau khi bom nổ, ông Dương lái xe chở một kỹ thuật viên đến hiện trường để lấy mẫu. Tại vị trí cách nơi nổ bom khoảng 30 km, cột điện nằm vương vãi trên mặt đất, máy bay, xe cộ bị nung chảy thành những đống thép méo mó không còn ra hình dạng. Ông Dương cố giữ bình tĩnh khi thấy thi thể co quắp, gần như cháy thành than của một con khỉ trong buồng lái một chiếc máy bay và nhận ra rằng đưa động vật vào bãi thử là nhằm kiểm tra sức phá hoại của quả bom đối với sinh vật. “Mùi vị của chết chóc phảng phất khắp khu vực thử nghiệm”, ông Dương kể với Want China Times và nói thêm rằng dù đã hơn 50 năm nhưng mỗi khi nhớ lại những gì đã chứng kiến, cảm giác rùng rợn vẫn bao trùm lấy ông.

Trong 32 năm tiếp theo vụ thử đầu tiên, Trung Quốc đã cho kích nổ 45 quả bom tại Malan với sự tham gia của hơn 100.000 người, theo Hoàn Cầu thời báo. Đến ngày 30.7.1996, Trung Quốc tạm ngưng chương trình phát triển vũ khí hạt nhân mới và các bãi phóng được cải tạo thành khu vực dân sự.

Ảnh hưởng nặng nề

Hoàn Cầu thời báo cuối tuần trước dẫn lời ông Ninh Cát Minh, từng làm việc tại bãi thử Malan vào năm 1977, cho biết khi đó không ai được cung cấp thiết bị bảo hộ mà chỉ có quân phục cùng khẩu trang y tế. Sau đó, ông Ninh và nhiều đồng đội bắt đầu mắc các bệnh khác nhau và con cái của họ cũng bị ảnh hưởng. Con trai đầu của ông bị điếc còn đứa thứ 2 mắc bệnh bạch cầu. Ông đã bán nhà, bán đất để chạy chữa cho con nhưng chưa có kết quả gì. Dù chính quyền Trung Quốc có chính sách trợ cấp cho các cựu quân nhân từng tham gia chương trình hạt nhân nhưng bị cho là không đủ để khắc phục các ảnh hưởng của phóng xạ. Một số nhà khoa học đã viết thư ngỏ kêu gọi nâng mức bồi thường và trợ cấp nhưng đến nay, vấn đề này vẫn chưa được chú ý nhiều và không có dấu hiệu cho thấy sẽ sớm thay đổi, theo Hoàn Cầu thời báo.

Post by Báo Tiền Phong.

Theo Theo Thanh Niên
MỚI - NÓNG