189 cá nhân, tổ chức Việt Nam có tên trong Hồ sơ Panama

189 cá nhân tổ chức Việt Nam có tên trong Hồ sơ Panama. Ảnh minh họa: TNW.
189 cá nhân tổ chức Việt Nam có tên trong Hồ sơ Panama. Ảnh minh họa: TNW.
Việt Nam xuất hiện trong danh sách Hồ sơ Panama với 189 cá nhân, tổ chức cùng 19 công ty vỏ bọc thành lập ở nước ngoài.

Hiệp hội Các nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) rạng sáng nay công bố Hồ sơ Panama dưới dạng cơ sở dữ liệu có thể tìm kiếm được tại địa chỉ offshoreleaks.icij.org. Thông tin về 200.000 thực thể nước ngoài do các cá nhân giàu có trên khắp thế giới thiết lập được hé lộ trong lần này.

Trước khi dữ liệu đầy đủ được công bố, tra cứu tên website của ICIJ, người xem tìm thấy 104 cá nhân và tổ chức ở Việt Nam có tên trong Hồ sơ Panama. Đến thời điểm hiện tại, con số đã tăng lên 189. Tuy nhiên, Việt Nam chỉ có 19 công ty vỏ bọc ở nước ngoài, đa phần đặt tại quần đảo British Virgin, Anh. Ngoài ra, tài liệu cũng công khai tên 23 cá nhân, tổ chức trung gian cùng 185 địa chỉ tại Việt Nam.

Ở khu vực châu Âu, Anh và Nga là hai nước có các công ty vỏ bọc thành lập tại nước ngoài tương đối lớn với lần lượt 17.973 và 11.516 thực thể.

Số công ty vỏ bọc có liên quan tới Mỹ là 6.254.

Tại châu Á, Trung Quốc cũng sở hữu một lượng khá lớn công ty vỏ bọc ở nước ngoài, với 4.188 thực thể. Trong khi đó, con số ở Nhật Bản là 28. Số công ty vỏ bọc ở nước ngoài của Singapore cũng được xếp vào hàng cao với 5.869 thực thể.

Số tài liệu trên nằm trong 2,6 TB dữ liệu do một nguồn giấu tên, biệt danh John Doe, gửi cho tờ báo Đức  Sueddeutsche  Zeitung cách đây hơn một năm. Nó có nguồn gốc từ Mossack Fonseca, công ty luật trụ sở Panama chuyên về thiết lập và vận hành  các thực thể ở nước ngoài.

"Hồ sơ Panama" được xem là vụ rò rỉ dữ liệu lớn nhất trong lịch sử thế giới. Theo đó, ngày 3/4/2016, khoảng 11,5 triệu tài liệu, trong đó có 4,8 triệu email, 2,5 triệu bộ hồ sơ với dung lượng 2,6 terabyte từ năm 1977 đến cuối 2015 của công ty luật Mossack Fonseca ở Panama bị rò rỉ, hé lộ mạng lưới công ty "ma" khổng lồ trên thế giới. Các công ty này được cho là lập ra nhằm giúp người giàu né thuế và trong một số trường hợp là rửa tiền. Nhiều công ty được đề cập có liên quan đến thân tín của các chính trị gia và người nổi tiếng trên thế giới.

Tuy nhiên, việc sử dụng công ty nước ngoài không hoàn toàn là hành vi phạm tội, và một số có mục đích hợp pháp. Đồng thời việc xuất hiện trong danh sách này cũng không đồng nghĩa với việc những công ty này và các đại diện pháp lý đã có hành vi vi phạm quy định của luật pháp các nước. 

Theo VietNam Finance

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG