20 quốc gia chạy đua giành quyền làm chủ Nam cực

20 quốc gia chạy đua giành quyền làm chủ Nam cực
TP- Việc Nga cắm quốc kỳ dưới đáy biển Bắc Cực, tháng 8/2007, đã châm ngòi cho cuộc đua giữa nhiều quốc gia nhằm khẳng định chủ quyền tại vùng biển này. “Cuộc chiến” ở Nam Cực còn quyết liệt hơn.
20 quốc gia chạy đua giành quyền làm chủ Nam cực ảnh 1
Băng tan ở Nam cực

Tháng 10/2007, Anh quốc ra tuyên bố khẳng định chủ quyền tại vùng đáy biển rộng 1 triệu km2 thuộc châu Nam Cực. Báo chí Anh cho biết Bộ ngoại giao nước này đã chuẩn bị tài liệu để trình lên Liên Hợp Quốc nhằm khẳng định việc mở rộng chủ quyền thêm 1 triệu km2 tại vùng đáy biển ở ngoài khơi lãnh thổ Nam Cực vốn trực thuộc Anh.

Động thái trên của Anh ngay lập tức khiến Argentina tức giận mặc dù nước này cũng đã tuyên bố chủ quyền tại một phần của Nam Cực. Ngoại trưởng Argentina tuyên bố nước này sẽ thách thức bất kỳ sự khẳng định chủ quyền nào ở vùng đáy biển Nam Cực.

Không chỉ Anh quốc, Argentina, trên thực tế Australia, New Zealand, Chi-lê đã khẳng định chủ quyền ở Nam Cực. Australia tin rằng nước này có quyền tại một nửa châu Nam Cực. Pháp, Nhật Bản và Na Uy đã tham gia cuộc chạy đua khẳng định chủ quyền ở cả Bắc Cực và Nam Cực.

Nhật Bản tuyên bố chỉ có nước này mới có công nghệ để phát triển các mỏ khí gas tự nhiên ở Nam Cực. Vì thế các quan chức Nhật Bản tin rằng nước họ hoàn toàn có quyền sở hữu một phần tài nguyên Nam Cực. Không chỉ Nhật Bản, các nước khác từng có kế hoạch tiến hành nghiên cứu vùng băng giá mà họ đã khẳng định chủ quyền.

Tính đến nay đã có hơn 20 quốc gia muốn khẳng định chủ quyền ở Nam Cực. “Cuộc chiến” ở Nam Cực được dự báo sẽ nóng bỏng hơn ở Bắc Cực. Gần đây, sau khi Nga cắm cờ dưới đáy biển Bắc Cực, đã có thêm 4 quốc gia là Mỹ, Canada, Na-uy và Đan Mạch tham gia cuộc đua khẳng định chủ quyền.

Châu Nam Cực rộng tới 14 triệu km2 thường xuyên bao phủ bởi băng và là vùng lạnh nhất thế giới. Theo các nhà khoa học, lục địa Nam Cực chiếm tới 90% toàn bộ diện tích băng che phủ trên Trái đất.

Các nhà khoa học tính toán rằng nếu toàn bộ băng ở Nam Cực tan chảy, mực nước biển trên thế giới sẽ dâng cao 70 m. Nam Cực chứa nguồn tài nguyên khổng lồ của Trái đất bao gồm dầu, khí gas, than đá, đồng, kẽm cùng nhiều kim loại quý hiếm khác.

Theo Hiệp ước Nam Cực được ký bởi 12 quốc gia vào năm 1959, trong đó có Anh quốc và Nga, lục địa băng giá này là tài sản chung của loài người, không thuộc về bất kỳ ai và không quốc gia nào được khẳng định chủ quyền.

Nghị định thư về môi trường được ký năm 1991 cũng cấm toàn bộ các hoạt động liên quan tới công nghiệp tại Nam Cực.

Cuộc chiến tranh giành tài nguyên dồi dào ở Nam Cực thực ra đã bắt đầu từ năm 1819 khi nhà khoa học người Nga Lazarev và Bellingshausen phát hiện ra lục địa này. Nước Nga luôn cố gắng bác bỏ sự khẳng định chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào tại lục địa được họ phát hiện.

Tuy nhiên, trên thực tế, Nam Cực không trở thành một phần lãnh thổ của Nga. Người Nga phát hiện ra Nam Cực, nhưng những người đầu tiên thực sự đặt chân lên Nam Cực lại là 1 nhóm nhà khoa học Na Uy do ông Amundsen dẫn đầu vào tháng 12/1911.

Một tháng sau, 1 nhóm người khác do ông Scott dẫn đầu cũng có mặt tại Nam Cực. Vì thế ngày nay có một trạm trú chân được đặt tên là Trạm Amundsen và Scott tại Nam Cực.

Châu Nam Cực được chia thành nhiều phần, nơi 12 nước ký Hiệp ước Nam Cực năm 1959 đã tiến hành các hoạt động nghiên cứu của họ. Cuộc chiến tranh đầu tiên ở lục địa Nam Cực đã nổ ra khi Anh và Argentina tranh chấp quần đảo Falkland trong 25 năm.

Trong khi nhiều quốc gia muốn tranh giành chủ quyền, toàn thế giới lo ngại tình trạng khí hậu nóng lên khiến băng ở Nam Cực tan chảy ngày càng nhiều.

Các nhà khoa học cảnh báo trong 1 thập kỷ tới tốc độ tan băng ở Nam Cực sẽ nhanh hơn do khí hậu nóng lên và gây ra nhiều lũ lụt tại các vùng đất thấp, làm biến đổi tình hình sản xuất nông nghiệp và cuộc sống của con người trên Trái đất.

Tháng 11/2007, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon đã đích thân đến thăm Nam Cực để chứng kiến hậu quả của hiện tượng khí hậu nóng lên tại lục địa này và phát đi lời kêu gọi thế giới chung tay bảo vệ vùng băng giá này.

T.Đ
 Tổng hợp

MỚI - NÓNG