2007- Một năm đầy sóng gió của chính trường Nhật Bản

2007- Một năm đầy sóng gió của chính trường Nhật Bản
Chính trường Nhật Bản trong năm 2007 diễn biến khá phức tạp với hàng loạt sự kiện lớn, trong đó đáng chú ý nhất là thất bại của đảng Dân chủ Tự do cầm quyền (LDP).
2007- Một năm đầy sóng gió của chính trường Nhật Bản ảnh 1
Ông Abe từ chức Thủ tướng

Nguyên nhân thất bại của LDP trong kỳ bầu cử Thượng viện hồi tháng 7/2007 là do hàng loạt vụ bê bối tài chính và vụ thất lạc 50 triệu hồ sơ hưu trí có liên quan đến các Bộ trưởng trong Chính phủ, ảnh hưởng tiêu cực đến lòng tin của người dân dành cho chính phủ của cựu Thủ tướng Shinzo Abe vào thời điểm đó.

Thất bại này đồng nghĩa với việc LDP đánh mất quyền kiểm soát Thượng viện vào tay đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ), chính là nguyên nhân gây ra thất bại lớn thứ hai của đảng LDP trong năm 2007.

Đó là sự kiện ông Abe ngày 12/9 đã đột ngột tuyên bố từ chức sau khi không thuyết phục được Quốc hội gia hạn sứ mệnh hoạt động của lực lượng hải quân Nhật Bản trong các chiến dịch chống khủng bố do Mỹ cầm đầu tại Afghanistan.

"Sự ra đi bất ngờ" của ông Abe đã gây nên một "cơn sốc" trong chính giới Nhật Bản, đồng thời tạo nên những luồng dư luận cũng như những mối lo ngại khác nhau ở cả trong và ngoài nước.

Vụ từ chức của ông Abe cũng chính là dấu chấm hết cho thời kỳ thắng thế của phái cứng rắn trong LDP, mở đường cho ông Yasuo Fukuda, đại diện cho trường phái chính trị ôn hòa, lên nắm quyền điều hành đất nước.

Nhậm chức trong một thời điểm khá nhạy cảm, chính phủ của Thủ tướng Fukuda đối mặt với quá nhiều khó khăn khi phải thực hiện 2 nhiệm vụ cấp thiết là khôi phục uy tín của LDP đang giảm sút nghiêm trọng sau hàng loạt vụ bê bối tài chính và thuyết phục phe đối lập tại Thượng viện đồng ý gia hạn gia hạn sứ mệnh tiếp nhiên liệu của quân đội Nhật Bản tại Ấn Độ Dương.

Thủ tướng Fukuda đã hai lần đề nghị Chủ tịch DPJ Ichiro Ozawa hợp tác tại Thượng viện và thành lập một liên minh lớn tại Quốc hội. Tuy nhiên các đề nghị này đều bị từ chối.

Hiện nay, khả năng LDP và DPJ đạt thỏa thuận trong vấn đề gia hạn sứ mệnh tiếp nhiên liệu vẫn còn rất xa vời. Tình hình này đã buộc Hạ viện Nhật Bản, nơi liên minh cầm quyền do LDP đứng đầu chiếm đa số, đã thông qua đề xuất kéo dài phiên họp bất thường hiện nay của Quốc hội thêm một tháng, tức là đến ngày 15/1/2008.

Nhiều khả năng tình hình tại Quốc hội Nhật Bản sẽ tiếp tục căng thẳng do các đảng đối lập sẽ "tấn công" mạnh mẽ Chính phủ và liên minh cầm quyền vì những vụ bê bối liên quan tới Bộ Quốc phòng và chế độ lương hưu.

Tuy nhiên, liên minh cầm quyền sẽ tiếp tục đề nghị DPJ tiến hành bỏ phiếu về dự luật chống khủng bố mới tại Thượng viện vào cuối năm nay. Điều đó cho thấy các nghị sĩ trong liên minh cầm quyền sợ rằng tình trạng bế tắc tại Quốc hội sẽ làm chính trường Nhật Bản thêm căng thẳng.

Dư luận đang lo ngại về khả năng tình trạng đối đầu căng thẳng giữa các đảng thuộc liên minh cầm quyền với phe đối lập buộc Thủ tướng phải giải tán Hạ viện Nhật Bản. Hiện tại, LDP và các đảng đối lập đều đang lên kế hoạch chuẩn bị cho cuộc bầu cử sớm Hạ viện trong trường hợp ông Fukuda tuyên bố giải tán cơ quan lập pháp này.

Năm 2007 là một năm khủng hoảng của chính trường Nhật Bản, đặc biệt là đối với đảng cầm quyền LDP. Giới phân tích nhận định chính trường Nhật Bản sẽ còn nhiều đợt nổi sóng trong năm 2008 nếu Quốc hội không đạt được nhất trí trong những vấn đề chủ chốt.

Nếu tình hình bế tắc kéo dài, tương lai chính trị của Nhật Bản sẽ được định đoạt bằng một cuộc bầu cử sớm của Hạ viện và đây là khả năng mà LDP không hề mong muốn.

Theo TTXVN

MỚI - NÓNG