4 vấn đề lớn liên quan tranh chấp trên biển Đông

4 vấn đề lớn liên quan tranh chấp trên biển Đông
TP - Hội thảo quốc tế về biển Đông với an ninh biển khu vực Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương diễn ra tại Canberra, Úc từ ngày 28 tới 30/9. Các quan chức, chuyên gia đến từ nhiều nước, trong đó có Úc, Nhật Bản, Việt Nam vạch ra 4 vấn đề lớn liên quan tranh chấp trên biển Đông và đưa ra các khuyến nghị.

Sau phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế, tranh chấp trên biển Đông hiện nay đặt ra 4 vấn đề lớn cần được xử lý song phương, đa phương (cấp độ khu vực) và với sự tham gia của các đối tác đối thoại của ASEAN. Vấn đề lớn thứ nhất là trong lĩnh vực biển, hàng hải của Đông Nam Á và vùng biển quốc tế trên biển Đông, thiết lập một trật tự khu vực dựa trên luật lệ. Ba vấn đề lớn còn lại là các hoạt động quân sự ở biển Đông, bao gồm việc quân sự hóa các bãi đá, bãi ngầm; bảo vệ hệ sinh thái và môi trường biển; sự suy kiệt nguồn cá và tác động tới an ninh con người.

Phán quyết của Tòa Trọng tài (được thành lập theo nguyên tắc giải quyết tranh chấp bắt buộc được nêu trong Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển - UNCLOS) hiện giờ là một phần của luật quốc tế xuất phát từ vận dụng án lệ, dù bị Trung Quốc phản đối. Mỹ, Nhật Bản và Úc đã ra tuyên bố ba bên kêu gọi Trung Quốc và Philippines tuân thủ phán quyết. Tuyên bố này viết: “Các bộ trưởng bày tỏ ủng hộ mạnh mẽ pháp quyền, kêu gọi Trung Quốc và Philippines tuân thủ phán quyết ngày 12/7 của Tòa Trọng tài về vụ Philippines kiện Trung Quốc. Phán quyết là chung thẩm và có tính ràng buộc; hai bên có nghĩa vụ thực hiện. Các bộ trưởng nhấn mạnh rằng, đây là cơ hội rất quan trọng để khu vực ủng hộ, duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và để thể hiện sự tôn trọng luật pháp quốc tế.

Vì UNCLOS không đề cập cơ chế thực thi các phán quyết về tranh chấp chủ quyền biển đảo, tranh chấp trên biển Đông vẫn ở thế không lối thoát. Thế bế tắc này càng kéo dài thì sẽ có nguy cơ UNCLOS, hiến pháp của các đại dương trên thế giới, bị làm cho suy yếu và trật tự khu vực dựa trên luật lệ bị phá hoại.

ASEAN cần nêu cả vấn đề nội bộ ảnh hưởng đoàn kết nội khối và vấn đề đối ngoại liên quan tới quan hệ với Trung Quốc và các nước đối thoại khác về vấn đề biển Đông. Tổng Thư ký ASEAN nên được cung cấp những hướng dẫn cụ thể để đảm nhiệm vai trò chủ động, tích cực hơn trong các vấn đề biển Đông, bao gồm hướng sự chú ý của dư luận với những sự vụ dẫn tới căng thẳng leo thang do thiếu kiềm chế của một hoặc nhiều bên cũng như các hoạt động quân sự đe dọa hoàn bình, ổn định khu vực.

ASEAN nên cân nhắc sử dụng cách tiếp cận đa số nhất trí hợp lý đối với việc ra quyết định ở cấp quan chức cấp cao và nhóm công tác, đồng thời duy trì việc ra quyết định kiểu đồng thuận ở cấp cao nhất. ASEAN cũng nên tiếp nhận sự hợp tác của mạng lưới các viện nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở ASEAN để nghiên cứu và đưa ra đề xuất chính sách về các hoạt động hợp tác theo Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), xác định việc phi quân sự hóa và các bước đi cần thiết để ngăn chặn việc quân sự hóa biển Đông. ASEAN cũng nên từng bước biến Diễn đàn Cảnh sát Biển ASEAN thành một tổ chức hoạt động tích cực thông qua diễn tập đa phương, tuần tra chung và xây dựng năng lực qua việc hợp tác với các đối tác đối thoại.

ASEAN nên tiếp tục gây áp lực để Trung Quốc thực hiện các thỏa thuận đạt được hồi tháng 9/2016, bao gồm việc thực hiện đầy đủ DOC và hoàn tất thỏa thuận khung về Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) trong nửa đầu năm 2017. ASEAN cũng nên ưu tiên thúc đẩy các biện pháp thực tế cùng với trung Quốc thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin được xác định ở Điểm 5 của DOC.

MỚI - NÓNG