5 tháng sau bão Katrina: Hàng ngàn gia đình gốc Việt vẫn khốn khó

5 tháng sau bão Katrina: Hàng ngàn gia đình gốc Việt vẫn khốn khó
TP - Nhiều nạn nhân người Việt không có bảo hiểm tài sản, hoặc nếu có thì cũng bị mất hết tài liệu. Hơn nữa, vốn tiếng Anh của họ rất kém nên ít có sự liên hệ tìm kiếm sự trợ giúp của chính quyền.
5 tháng sau bão Katrina: Hàng ngàn gia đình gốc Việt vẫn khốn khó ảnh 1
Kỳ Lê và con trai trước đống đổ nát

Kỳ Lê, 42 tuổi, tay ôm đứa con trai 3 tuổi, cười mếu máo chỉ vào đống đổ nát: “Đó là nhà tôi”. “Tài sản” của gia đình anh hiện nay là ngôi nhà di động làm bằng gỗ, tôn, vải bạt, bên trong có quần áo, chén bát và một số vật dụng khác vứt ngổn ngang.

Chị Loan, 39 tuổi, vợ của anh, vẫn cố tìm kiếm tài liệu bị mất trong thảm họa Katrina để chứng minh họ đã mua bảo hiểm bão lụt. Đây là vùng Plaquemines Paish (bang Louisiana), nơi tài sản và cuộc sống của hàng ngàn gia đình người Việt bị tàn phá khi bão Katrina tràn qua, gây ra cả lở đất từ ngày 29/8/2005.

Vợ chồng Kỳ Lê cùng 3 đứa con mất nhà, ô tô và cả phương tiện kiếm sống là thuyền đánh cá. Họ phải sống nhờ trong các trung tâm cứu trợ và gần đây mới “định cư” trong căn nhà di động cho thuê.

Hơn 5 tháng sau bão Katrina, không chỉ Kỳ Lê mà hàng ngàn gia đình gốc Việt khác vẫn đang rất khốn cùng mặc dù họ đã nhận được sự trợ giúp về tài chính của nhiều tổ chức.

Hàng triệu đô la đã rót về các trung tâm cứu trợ nhưng dường như chỉ đủ nuôi sống các nạn nhân người Việt mà chưa thể giúp gì cho tương lai của họ. Nạn nhân người Việt sống trong các trung tâm cứu trợ, nhà thờ, trường học để chờ chính quyền hoặc một tổ chức nào đó sửa chữa lại nhà của mình.

Một số không còn chịu đựng được cảnh sống chung đã ra ngoài dựng lều trên nhà cũ, thậm chí sống trong xe. Nhiều nạn nhân người Việt nghèo khó, già cả hoặc bị tàn tật chưa biết sẽ phải sống như thế nào trong tương lai.

Hầu hết nạn nhân người Việt đều hành nghề đánh bắt hải sản, kinh doanh nhỏ hoặc làm thuê để kiếm sống trước khi xảy ra thảm họa Katrina. Vốn tiếng Anh của họ rất kém nên có ít sự liên hệ để tìm sự trợ giúp từ chính quyền địa phương hoặc liên bang.

Theo các tổ chức cứu trợ, không chỉ vùng Plaquemines Paish (bang Louisiana), nhiều nạn nhân người Việt định cư gần Vịnh Mexico và sông Mississippi vẫn còn rất khốn khó. Hầu hết không có bảo hiểm tài sản về bão lụt hoặc nếu có cũng mất hết tài liệu.

Alessandra Thomas, Giám đốc một tổ chức cứu trợ, cho biết nhiều nạn nhân người Việt do tiếng Anh kém nên không biết rằng họ có thể vay nợ của Chính phủ để xây lại nhà, mua lại thuyền để tiếp tục kiếm sống.

Nhờ sự tư vấn của Alessandra Thomas, gia đình Kỳ Lê mới bắt đầu gây dựng lại cuộc sống bằng việc thuê nhà di động, mua xe đều từ nguồn tiền của Chính phủ cho vay.  

N.Đ
(Tổng hợp)

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.