Bí mật làng tỷ phú ở Trung Quốc

Một góc làng Hoa Tây
Một góc làng Hoa Tây
TP - Dân làng Hoa Tây (tỉnh Giang Tô, Trung Quốc) có hai máy bay trực thăng, gần 1.000 xe hơi…; mỗi nhà có ít nhất hai ôtô, tài khoản ngân hàng 250.000 USD. Tuy nhiên, họ gần như không có thời gian hưởng thụ.

> Làng giàu nhất Trung Quốc khánh thành khách sạn chọc trời 

Một góc làng Hoa Tây
Một góc làng Hoa Tây .
 

Có lẽ, không vùng đất nào ở đất nước hơn 1,3 tỷ dân lại có thể được coi là minh chứng hùng hồn cho “con đường đi đến giàu có” như ở làng Hoa Tây. Phóng viên tờ Guardian, được xe limousine của chính quyền địa phương cho đi dạo một vòng Hoa Tây, kể rằng, những thứ đập vào mắt ông trước hết là ống khói cao vút của các nhà máy thép, ngôi nhà sơn màu xanh dương đều tăm tắp, tòa khách sạn 5 sao cao tới 328m đang sừng sững mọc lên…

Hoa Tây dường như là sự kết hợp giữa biện pháp quản lý chặt chẽ của chính quyền trung ương và nền kinh tế “định hướng thị trường” với mục tiêu “giàu lên nhanh chóng”. Làng này đang được coi là mô hình kiểu mẫu để cả nước Trung Quốc noi theo.

“Tôi nhìn thấy những tấm ảnh của hầu như mọi gia đình trong làng, đang tươi cười, được treo dọc con đường, cũng được đặt tên là Hoa Tây và dường như đây cũng là thông điệp chính quyền địa phương muốn nhắn gửi đến 2 triệu du khách trong và ngoài nước hằng năm lui tới ngôi làng nổi tiếng”, Jonathan Watts, phóng viên Guardian, kể.

Ông Vũ Nhân Bảo (trái) đứng cạnh Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào
Ông Vũ Nhân Bảo (trái) đứng cạnh Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào.
 

Ở Hoa Tây, tài sản của mỗi gia đình được liệt kê chi tiết theo các hạng mục: số người trong gia đình, giá trị tài sản, trình độ học vấn, số người vào đảng, số xe hơi, điện thoại di động, ti-vi, máy giặt, máy tính, điều hòa nhiệt độ, xe máy, máy ảnh, tủ lạnh và giàn âm thanh.

Tính theo các chỉ số này, Hoa Tây có thể được xem là làng giàu nhất Trung Quốc. Kể từ năm 1995, khi Hoa Tây trở thành làng (xã) đầu tiên niêm yết trên thị trường chứng khoán, các doanh nhân của làng, hầu hết hoạt động trong lĩnh vực dệt và sản xuất thép, bắt đầu cất cánh.

Với tốc độ vùn vụt, tăng trưởng của Hoa Tây bỏ xa tỷ lệ 9% của cả nước. Năm 2003, làng công bố doanh thu đạt 10 tỷ nhân dân tệ (gần 1,56 tỷ USD), năm 2004 là 26 tỷ nhân dân tệ và năm 2010 là 230 tỷ nhân dân tệ (khoảng 36 tỷ USD).

Những con số ấy đã biến dân làng, tất cả vẫn đăng ký nghề nghiệp trong lý lịch là làm nghề nông, trở thành những nhà công nghiệp. 36.000 dân làng giờ có thể tự hào mà khoe rằng, nhà nào ở đây cũng có ít nhất một căn nhà với diện tích 450m2, hai ô tô và 250.000 USD trong ngân hàng. Trang Asiaone.com kể rằng, những thương hiệu xe hơi đắt tiền như Mercedes, Cadillac hay BMW “không có gì xa lạ với người làng Hoa Tây”.

Điều này quả là tương phản với thời điểm 20 năm trước, khi mọi người hầu hết đều làm nông nghiệp, nhà cửa tồi tàn, nhiều người phải rất cố gắng mới mua nổi một chiếc xe đạp.

Đây là lý do người ta nườm nượp đổ về Hoa Tây tham quan, tìm kiếm cơ hội. Đến nay, đã có 60.000 người nơi khác đến làm việc tại các nhà máy ở Hoa Tây. Người giàu nhất nước Mỹ, Bill Gates, đã đến thăm làng. Ông ca ngợi “đây là một hình thức mới của chủ nghĩa tư bản”. Hoa Tây luôn được các quan chức Bắc Kinh đưa ra làm ví dụ cho cái gọi là “chủ nghĩa xã hội khoa học” hay “chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc”.

Khách sạn 5 sao ở Hoa Tây
Khách sạn 5 sao ở Hoa Tây.
 

Cách Thượng Hải khoảng 150 km, Hoa Tây được báo chí trong nước ca ngợi như một thiên đường dưới mặt đất. Tuy vậy, dù người dân trong làng rất giàu có, họ có rất ít thời gian để hưởng thụ. Các quán bar và nhà hàng đóng cửa lúc 10 giờ tối, để “công nhân không mất ngủ”.

Các kỳ nghỉ rất hiếm hoi. Và dân làng hiếm khi cầm trọn số tiền sinh ra từ những “tài sản trên giấy” của họ. 80% tiền thưởng cả năm và 95% cổ tức của họ buộc phải đầu tư vào các dự án của làng. Nếu họ rời bỏ Hoa Tây, những tài sản ấy sẽ biến mất, theo các điều kiện ràng buộc từ đầu.

“Tài sản của chúng tôi thuộc về làng, không thuộc về cá nhân”, Tôn Hải Yến, một thành viên chính quyền làng Hoa Tây, nói. “Chúng tôi thường bảo nhau, cổ tức của anh chỉ tồn tại khi anh ở làng và các nhà máy tiếp tục hoạt động”.

Nhưng khi mức sống tăng lên nhanh chóng, ít người để tâm đến việc này. Hồi còn nhỏ, anh Tôn nhớ mình chỉ được ăn thịt một tuần một lần. Giờ đây, anh tiếp khách với những bữa ăn sang trọng, sống trong biệt thự mới được trang hoàng bằng những cây cột kiểu Hy Lạp, trước nhà là một hồ nước nhân tạo.

Ở Hoa Tây, tính thực tiễn, không phải các chủ thuyết cao siêu, là kim chỉ nam mọi hành động. “Chủ thuyết mới hay cũ không phải là vấn đề, quan trọng là mọi người đều giàu có”, Vũ Nhân Bảo, cựu trưởng làng, người được coi là tác giả phép lạ mang tên Hoa Tây, nói.

Trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, họ Vũ từng bị đem ra đấu, thực chất là sỉ nhục, tại sân đình với cái mũ “đi theo tư bản”, vì ông từng muốn thành lập một nhà máy tại địa phương. Đầu những năm 2000, trong thời kỳ cải cách, một lần nữa ông Vũ bị phê vì ủng hộ chuyện trả lại đất cho nông dân. Để lách, họ Vũ “tái cơ cấu” các tài sản công thành sở hữu tập thể, để tiện việc kinh doanh.

Giờ đây, họ Vũ được coi là anh hùng dân tộc. Nhưng ông nói phương châm hành động của mình rất đơn giản. “Người ta có 5 mục tiêu chính trong đời: nhà, tiền, ô tô, một đứa con trai và sự tôn trọng. Chúng tôi cho người ta những cái đó. Mọi nhà đều sung túc. Và bây giờ, mục tiêu của chúng tôi là làm cho cả nước Trung Quốc giàu mạnh”.

Sau này, ông Vũ nhường vị trí lãnh đạo Hoa Tây cho con trai tên là Tạ Ân. Ít nhất một nửa số nhà máy chính của Hoa Tây do con cháu họ Vũ điều hành.

Tuy vậy, không phải ai ở Hoa Tây cũng sung túc. Những công nhân từ nơi khác đến đây làm việc trong các nhà máy dệt và luyện thép chỉ được nhận lương (khoảng 200 USD/tháng). “Họ nhận lương như người làng, khác ở chỗ họ không góp vốn, tức là không có cổ phần”, ông Vũ Nhân Bảo, cựu bí thư làng Hoa Tây, nói.

Tạ Ân nói ổn định chính trị là mấu chốt của sự tăng trưởng nhanh. “Tôi nghĩ mỗi thời kỳ đều có công thức riêng cho sự thành công. Điều quan trọng nhất là năng động và hướng tới cách suy nghĩ, tư duy mới. Chúng tôi làm bất cứ điều gì nếu thấy có hiệu quả”.

Theo Asiaone.com, trong những năm 1950, làng Hoa Tây có chưa đến 600 người. Nay làng có gần 100.000 người (36.000 dân làng và hơn 60.000 công nhân nơi khác) với diện tích được mở rộng hàng chục lần. Ngoài dệt và thép, du lịch cũng là một nguồn thu của Hoa Tây, nơi đang kêu gọi để được nâng lên thành thành phố.

Hiện làng có gần 1.000 xe hơi, chưa tính ô tô điện được dùng để đưa đón khách du lịch. Người làng dự định mua 20 máy bay trong vòng 5 năm tới, đi kèm phương án đào tạo 100 phi công. Hiện ở làng có 2 máy bay trực thăng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG