Bạc Hy Lai hối hận vì không sớm ly hôn Cốc Khai Lai

Bạc Hy Lai hối hận vì không sớm ly hôn Cốc Khai Lai
TP - Theo tờ Fuji buổi chiều của Nhật, Bạc Hy Lai khi tiếp xúc với một nhà báo Nhật đã tỏ ra rất hối hận vì không sớm ly dị Cốc Khai Lai, dù hai người đã thoả thuận xong việc chia tay và thực tế sống ly thân hơn 10 năm nay.

Udagawa, phóng viên Nhật được phép tiếp xúc với Bạc Hy Lai sau khi Bạc Hy Lai bị giam lỏng, vốn là thành viên tập đoàn siêu thị xe hơi MYCAL.

Là người đảm nhận công tác pháp luật của tập đoàn khi vào Trung Quốc làm ăn nên Udagawa đã quen biết Bạc Hy Lai khi ông là Thị trưởng Đại Liên và đã ký kết một số giao kèo về luật với Cốc Khai Lai.

Sau khi Cốc Khai Lai bị bắt, Bạc Hy Lai bị tạm giữ, cơ quan điều tra của Trung Quốc đã đề nghị Udagawa giúp đỡ. Udagawa đồng ý với điều kiện được gặp Bạc Hy Lai.

Phía Trung Quốc đã đồng ý cho phép ông được ăn trưa cùng Bạc Hy Lai nhưng không được chụp ảnh hoặc ghi âm. Ngày 24-4, dưới sự giám sát của cơ quan an ninh, Udagawa được đưa tới Khách sạn Bắc Kinh ở gần Quảng trường Thiên An Môn, nơi Bạc Hy Lai đang bị giam lỏng để gặp và ăn trưa. Cùng dự có hai người phiên dịch, trong đó một người của Bộ An ninh quốc gia.

Udagawa kể lại, Bạc Hy Lai nom có vẻ mệt mỏi, nhưng biểu hiện vẫn ôn hoà và bình tĩnh. Ông ta phủ nhận nhiều tin đồn liên quan đến bản thân, cũng phủ nhận việc ông ngã ngựa là do đấu đá quyền lực trong nội bộ đảng.

Bạc Hy Lai nói: “Trước đây, khi là Bí thư Trùng Khánh, tôi đã chống xã hội đen triệt để và cũng loại bỏ được những cán bộ thành phố có liên hệ với giới xã hội đen vì vậy bị một số người căm ghét. Thế lực tàn dư của họ nhân lúc vợ tôi có chuyện để ra tay. Tôi bị họ bày kế để hãm hại”.

Udagawa cho biết, khi nói về Cốc Khai Lai, Bạc Hy Lai không phủ nhận việc bà ta can dự vào vụ giết thương gia Anh, nhưng tỏ ra rất hối hận: “Giá như hồi trước tôi sớm ly hôn thì tốt biết mấy”. Ông cũng cho biết, hai người vẫn chưa chính thức ly hôn chỉ vì con trai và không muốn ảnh hưởng đến tiền đồ chính trị của bản thân.

Bạc Hy Lai có liên quan đến vụ tai nạn máy bay Đại Liên

Hiện nay ở Trung Quốc lan truyền tin đồn, Vương Lập Quân lập được công lớn trong việc tố giác, vạch mặt vợ chồng Bạc Hy Lai nên có thể “lấy công chuộc tội”.

Tuy nhiên, theo ông Đổng Bùi Đông, tác giả của cuốn “Bí ẩn sự kiện Bạc Hy Lai” vừa được xuất bản, ông ta vẫn có thể phải lĩnh án tử hình.

Các mạng thông tin Hoa ngữ hôm 8-5 đã dẫn lời “một người có quan hệ gần gũi với Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương cho biết, tổ điều tra của Uỷ ban này đã xác nhận Bạc Hy Lai phải chịu trách nhiệm về Vụ tai nạn hàng không nghiêm trọng Đại Liên hồi năm 2002 khiến 112 người thiệt mạng, nhưng do hiện “chỉ có nhân chứng, thiếu vật chứng” nên khó có thể kết tội Bạc Hy Lai được.

Kết quả điều tra cho thấy, vụ nổ máy bay này do một nhân viên công an chìm tên là Trương Diệu Linh thực hiện (tên chính thức đưa trên báo chí là Trương Phi Lâm).

Bạc Hy Lai ra lệnh cho nổ máy bay do trên chuyến bay đó có một nhân viên tình báo của cơ quan an ninh quốc gia mang theo chứng cứ phạm tội của Bạc Hy Lai về Bắc Kinh báo cáo.

Sau khi vụ nổ xảy ra, Bạc Hy Lai đã ra lệnh nguỵ tạo hồ sơ bệnh án ung thư phổi của Trương, dựng lên chuyện Trương mắc trọng bệnh, mua nhiều bảo hiểm nhân thọ rồi lên máy bay tự sát.

Thêm nhiều nhân vật cộm cán liên quan đến vụ án Bạc Hy Lai

Từ Minh, doanh nhân bị bắt giữ vì tội đưa hối lộ cho vợ chồng Bạc Hy Lai trong quá trình bị điều tra đã khai ra nhiều nhân vật quan trọng ở Đại Liên bị cuốn vào vụ án.

Một nhân vật lớn là Hạ Đức Nhân, Giáo sư, Tiến sỹ, nguyên Bí thư thành ủy Đại Liên, được điều lên làm Phó bí thư tỉnh uỷ Liêu Ninh từ tháng 6-2011. Hạ Đức Nhân đã “mất tích” trên chính trường từ hôm 29-3-2012.

Một nhân vật nữa là Đới Ngọc Lâm, nguyên Phó Thị trưởng Đại Liên, hiện là Bí thư thành uỷ Đan Đông. Đới Ngọc Lâm xuất hiện lần cuối cùng vào ngày 26- 4-2012.

Hai viên Phó thị trưởng của Đại Liên và Giám đốc Ngân hàng Đại Liên cũng bị cuốn vào vụ án Bạc Hy Lai vì giúp Bạc Hy Lai và Từ Minh trong việc tham nhũng, chia nhau tiền bạc.

Thu Thủy
Theo Minh Kính, Thế giới Nhật báo

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.