Giữa hai con đường

Giữa hai con đường
TP - Ngày 1-6, nhiều người Ai Cập lại đổ về quảng trường Tahrir ở trung tâm thủ đô Cairo để tuần hành phản đối và yêu cầu cấm ứng cử viên tổng thống Ahmed Shafiq, Thủ tướng cuối cùng dưới thời cựu Tổng thống Hosni Mubara, tái tranh cử.

> 50 triệu cử tri Ai Cập đi bầu cử tổng thống

Kể từ khi ông Mubarak bị lật đổ hồi đầu năm 2011, Ai Cập rơi vào tình trạng một quốc gia không có hiến pháp, một tổng thống không có quyền lực. Tình trạng này có thể được giải quyết vào ngày 17-6 tới đây, khi hai ứng cử viên tổng thống kết thúc vòng tranh cử lần hai.

Tuy nhiên, thể chế, công tác đối nội, đường hướng ngoại giao của đất nước Kim tự tháp phụ thuộc rất nhiều vào lợi ích và mục tiêu của các phe phái mà hai ứng cử viên đại diện.

Chủ tịch đảng Tự do và Công lý Mohammed Mursi, người đang có lợi thế về điểm số ở vòng một, đại diện cho phái Hồi giáo và đối thủ của ông này là Ahmed Shafiq, cựu thủ tướng và dưới thời Hosni Mubarak nắm quyền chỉ huy lực lượng không quân Ai Cập. Về lý thuyết, cả hai ứng cử viên đang có cơ hội ngang nhau, nhưng phe Hồi giáo đang tỏ ra
“trên cơ”.

Có điều, quan trọng không phải là học thuyết cao xa hay tín ngưỡng của các ứng cử viên, mà cần thiết đối với 80 triệu dân Ai Cập lúc này là giải quyết tình trạng nghèo đói và thất nghiệp.

Dưới thời ông Mubarak, khi các đảng phái Hồi giáo bị đặt ngoài vòng pháp luật, “Hồi giáo là giải pháp” được sử dụng như một khẩu hiệu phổ biến của người nghèo. Cần nhớ rằng người theo đạo Hồi chiếm tới 90% dân số Ai Cập.

Nhưng nếu các đảng phái Hồi giáo lên nắm quyền, họ buộc phải hành động để giải quyết tình trạng nghèo đói và thất học (40% dân số gần như mù chữ) để chứng tỏ họ có năng lực điều hành đất nước, điều dường như họ rất ít kinh nghiệm.

Cho dù không ưa gì giới cựu quan chức và chưa thể tin cậy hoàn toàn vào khả năng của những đảng phái Hồi giáo, nhưng giờ đây người Ai Cập đang đứng trước sự lựa chọn: giữa hai khả năng xấu, ít ra cũng chọn được khả năng ít xấu hơn.

Tuy nhiên, dù phe Hồi giáo hay phe cựu quan chức thắng thế thì một số mối quan hệ trước đây của Ai Cập xem ra vẫn có khả năng được các bên duy trì. Dù có thắng cử thì ngay cả ông Mursi, một người Hồi giáo trung dung, cũng nhiều khả năng phải thỏa hiệp với phương Tây và học cách tiếp bước người tiền nhiệm.

Nhưng liệu ông có làm an lòng được những người Hồi giáo vốn không ưa gì Israel và phương Tây, những người đã đứng lên lật đổ nhà độc tài Hosni Mubarak hay không lại là chuyện khác.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG