Hy Lạp sắp rời eurozone?

Hy Lạp sắp rời eurozone?
TP - Ngày 17-6, gần 10 triệu cử tri Hy Lạp đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử được tổ chức lại, theo đó đảng thắng cử sẽ quyết định việc nước này ra khỏi khu vực đồng tiền chung euro (eurozone) hoặc tiếp tục thực hiện các biện pháp khắc khổ.

> Đi hay ở?

Một phụ nữ sắp xếp phiếu bầu ở Athens hôm 17-6. Ảnh: AP
Một phụ nữ sắp xếp phiếu bầu ở Athens hôm 17-6. Ảnh: AP .

Đảng Dân chủ Mới theo đường lối bảo thủ ủng hộ các gói cứu trợ tài chính của cộng đồng quốc tế, trong khi đảng Liên minh các lực lượng cực tả SYRIZA phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng.

Theo thống kê bước đầu, đảng Dân chủ Mới dẫn trước đảng SYRIZA với tỷ lệ phiếu 0,5%.

Nhiều chuyên gia dự đoán các đảng sẽ phải thảo luận để thành lập liên minh vì không đảng nào thu được số phiếu cần thiết để giành đa số ghế tại quốc hội.

Trước việc lãnh đạo đảng SYRIZA, ông Alexis Tsipras, đe dọa bãi bỏ thỏa thuận cứu trợ trị giá 130 tỷ euro mà các định chế tài chính quốc tế dành cho Hy Lạp, Chủ tịch nhóm bộ trưởng tài chính eurozone, ông Jean-Claude Juncker, nói rằng, nếu phe cánh tả cực đoan giành chiến thắng thì Hy Lạp có thể sẽ rời khỏi eurozone, gây hậu quả khôn lường cho liên minh tiền tệ này.

Ông Juncker nói, lãnh đạo các nước châu Âu sẽ phải thảo luận với chính phủ mới của Hy Lạp về chương trình cải cách, tránh phải tiến hành cuộc bầu cử thứ ba ở nước này.

Trong khi người Hy Lạp đi bỏ phiếu, hơn 250 lính cứu hỏa và binh sĩ nỗ lực dập các đám cháy ở phía nam thủ đô Athens. Một số ngôi nhà bị đốt cháy, ba lính cứu hỏa bị bỏng.

Hy Lạp đã đề nghị Ý, Pháp và Croatia gửi máy bay thả nước tới giúp.

Sau năm năm lâm vào suy thoái, Hy Lạp có tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục (hơn 22%), trong khi hàng chục nghìn doanh nghiệp đóng cửa.

Cuộc bầu cử hôm 6-5 không có kết quả cuối cùng, không đảng nào giành đủ số phiếu để thành lập chính phủ và đàm phán thành lập liên minh đổ vỡ sau 10 ngày.

Dự kiến, kết quả sơ bộ của cuộc tổng tuyển cử Hy Lạp được công bố ngày 18-6.

Sau khi có kết quả sơ bộ, các bộ trưởng tài chính eurozone sẽ điện đàm để chuẩn bị đối phó khẩn cấp với tác động tiêu cực của cuộc bầu cử Hy Lạp đối với những nước láng giềng như Ý, Tây Ban Nha và thị trường tài chính quốc tế.

Các nhà phân tích chung nhận định, cam kết thắt chặt chi tiêu của chính phủ Hy Lạp để đổi lấy gói cứu trợ quốc tế sẽ bị nước này đưa ra đàm phán lại.

Đức, Hà Lan và Phần Lan bày tỏ không chấp nhận việc sửa cam kết. Nhưng nếu vậy, Hy Lạp sẽ sớm bị vỡ nợ, buộc phải rời khỏi eurozone gồm 17 thành viên.

Tổng thống Pháp Francois Hollande phát biểu trên truyền hình Hy Lạp rằng: “Nếu người Hy Lạp muốn rời bỏ cam kết và từ bỏ mọi triển vọng phục hồi, thì sẽ có những nước trong eurozone muốn chấm dứt sự hiện diện của Hy Lạp trong khối”.

Chính phủ của một nửa các nước thành viên eurozone, các ngân hàng trung ương cùng những doanh nghiệp lớn đang lên kế hoạch khẩn cấp đối phó tình huống Hy Lạp rời liên minh tiền tệ này.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ, ông Thomas Jordan, nói rằng, khủng hoảng nợ tại eurozone tồi tệ hơn những tuần gần đây và sẽ kéo dài.

Ngày 17-6, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick cảnh báo, sự sụp đổ của đồng euro có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng toàn cầu. Các nước đang phát triển cần “chuẩn bị cho kịch bản bất ổn ở eurozone cũng như các thị trường tài chính lớn hơn”, ông nói.

Khoảng 500 tỷ USD nợ công của châu Âu đang trong tay Trung Quốc, nên nước này lo ngại Hy Lạp vỡ nợ, đẩy eurozone lún sâu trong khủng hoảng.

Thủ tướng Anh David Cameron đưa ra kế hoạch ba điểm để giải quyết khó khăn tài chính của eurozone.

Thứ nhất, eurozone nên huy động tiền thông qua trái phiếu euro, để ngăn chặn sự sụp đổ của đồng tiền chung.

Thứ hai, tăng tính hiệu quả của chính sách tiền tệ của eurozone.

Thứ ba, châu Âu nâng cao tính cạnh tranh trong bối cảnh đối mặt sức cạnh tranh ngày càng mạnh từ Trung Quốc, Ấn Độ…

Thái An
Tổng hợp

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG