Trung Quốc triệt phá 'hàng nóng'

Trung Quốc triệt phá 'hàng nóng'
TP - Trung Quốc đang thực hiện chiến dịch lớn nhất từ trước tới nay nhằm vào những người sản xuất, mua bán, tàng trữ trái phép súng đạn. Trong khi đó, có ý kiến cho rằng, nên cho phép người dân sở hữu súng như ở Mỹ, Canada, Brazil…

Chiến dịch này kéo dài đến hết năm 2012, được coi như một nỗ lực nhằm cải thiện tình hình an ninh trước thềm Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra vào tháng 10, thời điểm diễn ra chuyển giao quyền lực cấp cao ở nước này, theo Global Times, phụ bản tiếng Anh của Nhân dân nhật báo (Trung Quốc).

Cảnh sát ở 150 thành phố trên toàn quốc đang tiêu huỷ số súng, vật liệu nổ bất hợp pháp mà họ tịch thu từ tháng 2.

Tính đến giữa tháng 7, cơ quan chức năng tịch thu hơn 50.000 khẩu súng, 2,4 triệu viên đạn, 5,6 tấn thuốc nổ và 4,5 tấn kíp nổ. Ngoài ra, 7.800 kẻ tình nghi bị bắt và 180 băng nhóm bị triệt phá.

Thế giới ngầm liều lĩnh

Bất chấp hàng loạt vụ truy quét, thị trường buôn bán vũ khí ngầm vẫn rất mạnh. Đôi khi những kẻ bán súng còn liều lĩnh bán vũ khí nóng ở các khu vực dịch vụ dọc đường cao tốc hoặc mở triển lãm súng chớp nhoáng. Họ cũng tranh thủ các khu chợ lớn để bán hàng. Thậm chí ở Baigou, tỉnh Hà Bắc, thị trường bán buôn túi và vali lớn nhất Trung Quốc, họ còn bán rong vũ khí giết người.

Chợ vũ khí trên mạng là sôi động nhất. Nhiều diễn đàn trực tuyến, trang web, cổng thông tin treo quảng cáo súng. Sàn giao dịch vũ khí trực tuyến cũng đã hình thành. Vài tay bán vũ khí mở cửa hàng trực tuyến, sử dụng nhiều tiếng lóng.

Ví dụ, chó nghĩa là súng, thức ăn nghĩa là đạn, dẫn tới nhiều cụm từ khó hiểu như chó hơi, chó ngắn, thức ăn cho chó… Một trang web (đăng ký ở tỉnh Quảng Đông) trưng bày hàng loạt vũ khí chuyên nghiệp với đầy đủ giá cả, hình ảnh.

Mỗi khẩu súng, từ súng lục tới súng bắn tỉa đều đi kèm thông tin về nguồn gốc (chủ yếu từ Mỹ, Đức, Anh, Trung Quốc), chất liệu, cỡ nòng, chiều dài và tầm bắn. Người bán nói súng sẽ được vận chuyển miễn phí qua dịch vụ chuyển phát tuyệt mật.

“Những kẻ bán vũ khí cảnh giác cực kỳ cao độ và khó thu thập bằng chứng đáng tin cậy, nên mạng lưới của chúng rất khó truy quét”, PGS Chen Tianben ở Đại học An ninh Nhân dân Trung Quốc, nói. “Chúng thường xuyên thay đổi tên miền và địa chỉ IP. Công việc vận chuyển được thực hiện qua các kênh riêng rất khó phát hiện”.

Hôm 10-7, một nhân viên chuyển phát ở thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam đến báo cảnh sát rằng anh phát hiện một khẩu súng trong một hộp gửi đồ chuyển phát bị vỡ. Sau đó, cảnh sát thu được 32 khẩu súng giả và 30.000 viên đạn.

Một người tên là Ji, 28 tuổi, ở Bắc Kinh, mua một khẩu súng lục trên mạng cách đây 2 năm, cho biết khẩu súng đã được giấu trong một lô quần áo gửi từ Quảng Châu tới Bắc Kinh.

He Li, cán bộ của Bộ Công an, cho biết, 80% số súng được phát hiện năm 2010 ở Trung Quốc có nguồn gốc từ các xưởng ngầm trong nước và những tay nhập lậu súng.

“Khi người dân ngày càng giàu và giao tiếp ngày càng nhiều với thế giới bên ngoài, nhiều người bất chấp luật pháp tìm thấy cơ hội để đưa súng vào trong nước”, PGS Guo Guangyun ở Đại học Cảnh sát hình sự ở thành phố Thẩm Dương, nói.

Hồi tháng 6, cảnh sát Mỹ và Trung Quốc phối hợp triệt phá một đường dây quốc tế buôn lậu vũ khí, bắt giữ 28 nghi phạm, trong đó có 3 người sống tại Mỹ. Tổng số 105 khẩu súng, 50.000 viên đạn và nhiều linh kiện súng bị thu giữ.

Tranh cãi việc cho phép sở hữu súng

Thực tế cho thấy, việc cấm súng rất hiệu quả trong vấn đề bảo đảm an ninh công cộng, khi số vụ án liên quan vũ khí nóng ở Trung Quốc thấp hơn nhiều so với một số nước.

Ở Trung Quốc năm ngoái chỉ có 70 vụ việc liên quan súng và có người tử vong, thấp hơn nhiều so với nhiều nước khác.

Ở Mỹ, nơi dân thường cũng được phép sở hữu súng, mỗi năm có khoảng 30.000 người chết và 200.000 người bị thương do súng.

Ở Trung Quốc đang có hai luồng ý kiến trái chiều về việc có nên cho phép người dân sở hữu súng. Một số người kêu gọi nên cho phép mỗi gia đình được sở hữu một khẩu súng để tự vệ, đặc biệt trong trường hợp khẩn cấp, khi cảnh sát không kịp có mặt để ứng cứu kịp thời.

Ngoài ra, việc cưỡng chế giải tỏa nhà ở, ruộng vườn một cách trái phép sẽ giảm nếu người dân được sở hữu súng. “Vũ khí là con dao hai lưỡi. Nó có thể được sử dụng để tự vệ, để giúp mọi người chống lại cái ác và bạo lực”, PGS Chen nói.

Tuy nhiên, theo PGS Chen, việc Trung Quốc có dân số đông nhất thế giới, lại thiếu tôn trọng mạng sống con người khiến nước này có chính sách kiểm soát vũ khí nghiêm ngặt.

“Tôi chắc chắn rằng, số vụ bạo lực sẽ tăng nếu Trung Quốc dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí”, ông nói. Đồng quan điểm này, PGS Guo cho rằng, tại Trung Quốc, môi trường xã hội quá phức tạp, hành lang pháp lý về vũ khí chưa hoàn thiện, nên cần tăng cường năng lực kiểm soát súng đạn, vật liệu nổ.

Hiện có một số đề xuất tăng cường thực thi pháp luật về kiểm soát vũ khí. Năm 2006, 37 đại biểu quốc hội Trung Quốc đề xuất sửa luật vì cho rằng vẫn còn lỗ hổng pháp lý, như quy định lỏng lẻo về việc tàng trữ và sử dụng vũ khí, cũng như nhận thức chưa đầy đủ về an toàn súng.

Bộ Công an Trung Quốc cho biết, từ năm 2007 họ đã đề xuất thay đổi luật. Nhưng từ đó đến nay vẫn chưa có đề xuất nào được thông qua.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây. 
Nữ thần Đài Loan lười biếng
Nữ thần Đài Loan lười biếng
TPO - Quách Bích Đình khiến khán giả mong chờ khi trở lại với show Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng sau thời gian dài tạm ngừng hoạt động nghệ thuật để lo cho gia đình. Tuy nhiên, biểu hiện của nữ diễn viên trong show gây nhiều tranh cãi.