Tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga

Tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga
Trong chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Nga (từ 26 đến 30-7), ngày 27-7, hai bên đã ra tuyên bố chung về tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và LB Nga.

> Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hội kiến Thủ tướng Nga

Tại Dinh thự Tổng thống ở thành phố Xôchi, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đón tiếp và hội đàm với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang Ảnh: TTXVN
Tại Dinh thự Tổng thống ở thành phố Xôchi, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đón tiếp và hội đàm với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang Ảnh: TTXVN.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, hội kiến với Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev, quyền Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Torosin, quyền Chủ tịch Duma Quốc gia Mennikov.

Hai bên trao đổi về thực trạng và triển vọng phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga, chú trọng lĩnh vực chính trị, thương mại, đầu tư, khoa học, công nghệ và nhân văn, trao đổi ý kiến về các vấn đề quốc tế cùng quan tâm.

Sau hội đàm, hai bên ký kết Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác nông nghiệp; Bản ghi nhớ về trao đổi số liệu thống kê thương mại hàng hóa xuất nhập khẩu song phương; Kế hoạch hành động chung trong đấu tranh với các vi phạm hải quan; Nghị định thư phê chuẩn và bổ sung hiệp định về tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự và hình sự; Chương trình hợp tác văn hóa; Thỏa thuận về hợp tác khoa học giữa hai viện khoa học.

Hai bên nhất trí tiếp tục phát triển quan hệ Việt Nam - Nga trên tinh thần đối tác chiến lược toàn diện. Nguyên thủ hai nước chủ trương tăng cường đối thoại chính trị ở các cấp, đặc biệt ở cấp cao nhất, tiếp tục củng cố quan hệ giữa Quốc hội, chính đảng, các ngành và địa phương hai nước, đẩy mạnh ngoại giao nhân dân, trong đó có mở rộng giao lưu giữa thanh, thiếu niên hai nước.

Nguyên thủ hai nước ủng hộ thúc đẩy thương mại hai chiều, nâng kim ngạch lên 5 tỷ USD vào năm 2015, tăng cường quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và các nước thành viên Liên minh Thuế quan.

Về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, phía Nga cam kết đưa nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam vào vận hành an toàn, chất lượng và đúng thời gian quy định.

Hai bên khẳng định sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác thăm dò và khai thác dầu khí trên thềm lục địa của Việt Nam, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp và công ty liên doanh Việt-Nga, như Vietsovpetro, Rusvietpetro, Gazpromviet, Vietgazprom, TNK-BP Management, Công ty Cổ phần mở Lukoil Overseases…, mở rộng các khu vực thăm dò và khai thác dầu khí ở Việt Nam, Nga và tiến tới tại các nước thứ ba.

Hai bên cũng sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Hai bên ghi nhận rằng, hợp tác kỹ thuật quân sự và quan hệ đối tác trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh không ngừng phát triển, phù hợp các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, góp phần cùng nhau đối phó các thách thức, nguy cơ an ninh mới, vì hòa bình, ổn định, phát triển bền vững ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Lãnh đạo hai nước nhất trí cho rằng hợp tác kỹ thuật - quân sự giữa hai nước ngày càng đa dạng và hiệu quả, cần tiếp tục tăng cường trên cơ sở tin cậy và lâu dài.

Phía Nga khẳng định sẽ tiếp tục giúp đào tạo quân nhân cho Việt Nam có đủ trình độ làm chủ công nghệ, trang thiết bị quân sự của Nga tại Việt Nam, chú trọng đào tạo về quốc phòng cho Việt Nam.

Hai bên khẳng định sự cần thiết mở rộng hợp tác khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo. Đồng thời, nhất trí tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cộng đồng Việt Nam tại Nga và cộng đồng người Nga tại Việt Nam học tập, làm việc ở mỗi nước.

Việt Nam và Nga cho rằng, không được phép bảo đảm an ninh của một quốc gia này bằng cách gây phương hại đến an ninh của một quốc gia khác.

Tổng thống Nga đánh giá cao vai trò tích cực của Việt Nam trong hoạt động của ASEAN, các liên kết khu vực và quốc tế khác.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tuyên bố ủng hộ đường lối chiến lược của lãnh đạo Nga nhằm không ngừng củng cố vị thế của Nga ở châu Á-Thái Bình Dương.

Hai bên cho rằng, các tranh chấp lãnh thổ và các tranh chấp khác tại không gian châu Á-Thái Bình Dương cần được giải quyết chỉ bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế hiện hành, nhất là Hiến chương Liên Hợp Quốc và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Hai bên ủng hộ việc thực thi đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông năm 2002 và tiến tới sớm xây dựng Bộ quy tắc về ứng xử tại biển Đông.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG