Trung Quốc dọa dẫm hợp tác Việt - Ấn ở Biển Đông

Trung Quốc dọa dẫm hợp tác Việt - Ấn ở Biển Đông
Truyền thông nhà nước Trung Quốc ngày 1-8 lên tiếng một cách vô lối khi yêu cầu phản ứng mạnh mẽ nếu Việt Nam và Ấn Độ khai thác dầu khí ở Biển Đông.

> Việt Nam - Ấn Độ: Những định hướng tương lai

Ngày 18-7, một quan chức cao cấp giấu tên thuộc Cty ONGC Videsh Ltd (OVL) của Ấn Độ khẳng định với tờ Hindustan Times của nước này rằng, OVL đã nhận lời đề nghị của PetroVietnam tiếp tục thăm dò và khai thác dầu tại lô 128 ở khu vực biển Đông thuộc chủ quyền của Việt Nam thêm hai năm nữa.

Tuy nhiên, tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc đòi chính phủ nước này dùng áp lực chính trị mạnh mẽ đối với Ấn Độ và Việt Nam, thậm chí lên tiếng cảnh cáo hai nước hợp tác thăm dò dầu khí ở Biển Đông là “bất hợp pháp và vi phạm chủ quyền của Bắc Kinh”.

Trung Quốc nhiều lần cảnh cáo Ấn Độ không được hợp tác thăm dò dầu khí với Việt Nam trong vùng biển có tranh chấp. Đáp lại, Ấn Độ khẳng định Biển Đông thuộc sở hữu chung của thế giới và kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp qua đối thoại dựa trên luật pháp quốc tế.

Ngày 23-6, Tổng Cty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) thông báo chào thầu quốc tế tại 9 lô dầu khí nằm trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nêu rõ, việc phía Trung Quốc ngang nhiên mời thầu quốc tế tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là hành động phi pháp và không có giá trị.

Liên quan vụ Trung Quốc mang ra đấu thầu quốc tế lô dầu khí của Việt Nam đang do một công ty của Ấn Độ điều hành, một quan chức cấp cao của Ấn Độ bày tỏ lo ngại về tình hình căng thẳng ngày càng gia tăng ở Biển Đông.

Ông Rajiv Bhatia, Tổng giám đốc Hội đồng về Các vấn đề Thế giới của Ấn Độ - cơ quan cố vấn của Bộ Ngoại giao Ấn Độ - phát biểu tại phiên khai mạc một hội nghị song phương mang tên Ấn Độ - Việt Nam: Đối tác Chiến lược Hướng đi Tương lai nêu rõ:

“Ấn Độ đặc biệt quan ngại về tình hình căng thẳng đang gia tăng ở Biển Đông. Chúng tôi coi việc đảm bảo an toàn và an ninh hàng hải cũng như trao đổi thông tin và tự do đi lại ở vùng biển này là vô cùng quan trọng. Chúng tôi ủng hộ giải pháp giải quyết mọi bất đồng và khác biệt thông qua đàm phán và các biện pháp hòa bình”.

Theo Vietnam+

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG