Chi tiết vụ tấn công làm Đại sứ Mỹ ở Libya thiệt mạng

Chi tiết vụ tấn công làm Đại sứ Mỹ ở Libya thiệt mạng
TP - Một nhóm người vũ trang chưa rõ thuộc tổ chức nào đột nhập từ bên ngoài, nổ súng loạn xạ vào các phòng của tòa Tổng lãnh sự Mỹ.

> Đại sứ Mỹ tại Libya thiệt mạng vì rocket

Các lực lượng an ninh bên trong tòa Tổng lãnh sự Mỹ và an ninh của Libya chống trả trong tình trạng không cân sức. Hai bên giằng co trong nhiều giờ để giành quyền kiểm soát tòa nhà chính.

Lửa cháy trong tòa nhà thuộc Tổng lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi. Ảnh: CNN
Lửa cháy trong tòa nhà thuộc Tổng lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi. Ảnh: CNN.

Các quan chức Mỹ hôm 13-9 thông báo nhanh một số chi tiết chưa đầy đủ cho các nhà báo về sự kiện tòa Lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi, Libya, bị tấn công đêm 12-9, dẫn đến việc Đại sứ Chiristopher Stevens cùng 3 người Mỹ khác thiệt mạng.

Theo lời các quan chức Mỹ, sau tiếng nổ, tòa nhà bốc cháy, khói đen bốc lên gây ra cảnh hỗn loạn và mọi người không nhìn thấy nhau. Đại sứ Stevens bị tách khỏi một sĩ quan an ninh.

Khoảng 10 giờ tối 12-9 (giờ Benghazi), khu tòa Tổng lãnh sự bị cháy do một nhóm cực đoan Libya chưa rõ thuộc lực lượng nào gây ra. Khoảng 15 phút sau, những kẻ tấn công phá được bức tường bao ngoài và phóng lửa vào tòa nhà chính gây cháy dữ dội.

Bên trong tòa nhà chính có Đại sứ Stevens, một sĩ quan phụ trách khu vực và Sean Smith - một sĩ quan quản lý thông tin liên lạc với Bộ Ngoại giao Mỹ. Trong vụ này, sĩ quan Sean Smith cũng thiệt mạng. Vào lúc tòa Lãnh sự quán bị tấn công, bên trong tòa nhà chính có tất cả 25-30 người.

Do khói mù mịt không nhìn thấy gì, mọi người tản ra tìm đường thoát khỏi các căn phòng đang cháy nên không ai đi kèm Đại sứ Stevens.

Một lúc sau, các sĩ quan an ninh và một số người khác quay trở lại tòa nhà cháy để tìm Đại sứ Stevens và sĩ quan Smith thì phát hiện ông Smith đã chết.

Mọi người kéo thi thể ông ra ngoài. Đến lúc này không ai biết Đại sứ Stevens đang ở đâu. Khói lửa trong tòa nhà vẫn bốc lên dữ dội trong khi thỉnh thoảng lại có loạt súng của những kẻ tấn công khiến các sĩ quan an ninh phải rút khỏi tòa nhà chính.

Khoảng 10 giờ 45 phút tối, các lực lượng an ninh của tòa Tổng lãnh sự mở đợt phản công nhằm đẩy nhóm tấn công ra ngoài nhưng bất thành. Các nhân viên an ninh của tòa Tổng lãnh sự bị đẩy lùi.

Cuộc đấu súng giằng co đến 11 giờ 20 phút đêm thì các lực lượng an ninh Mỹ và Libya mới chiếm lại được tòa nhà chính, giúp sơ tán những người đang ẩn náu bên tòa nhà phụ liền kề.

Tại tòa nhà phụ, nhóm tấn công cũng phóng hỏa vào lúc nửa đêm, khiến 2 người Mỹ nữa thiệt mạng và hai người bị thương. Cuộc chiến giằng co dai dẳng bên trong các tòa nhà tại khuôn viên tòa Tổng lãnh sự Mỹ kéo dài đến tận 2 giờ 30 sáng hôm sau. Khi đó, được các lực lượng Libya đến ứng cứu, người Mỹ mới lấy lại được quyền kiểm soát tòa Tổng lãnh sự.

Một quan chức Mỹ làm việc trong tòa Tổng lãnh sự ở Benghazi nói rằng, không ai biết Đại sứ Stevens thoát ra ngoài tòa nhà chính bằng cách nào và khi nào, chỉ biết ông được chuyển đến bệnh viện ở Benghazi, không rõ tình trạng sức khỏe của ông thế nào.

Sau này, mới biết thi thể của Đại sứ Stevens được trao lại cho các nhân viên Mỹ tại sân bay Benghazi. Lúc đó trời đã hửng sáng ở Libya.

Một quan chức nói rằng, có tin Đại sứ Stevens được người Libya tìm thấy và đưa ông đến bệnh viện cấp cứu, nhưng tin này chưa thể xác minh được. Thậm chí nguyên nhân cái chết của Đại sứ Stevens cũng phải chờ giải phẫu tử thi mới khẳng định được.

Sau vụ tấn công vào tòa Tổng lãnh sự, các quan chức Mỹ thuê một máy bay từ Tripoli tới Benghazi để sơ tán tất cả người Mỹ về Tripoli. Từ đây, họ được chuyển tiếp tới Đức.

Tại buổi thông báo tin tức, các quan chức Mỹ từ chối trả lời những câu hỏi liên quan biện pháp bảo vệ an ninh cho Đại sứ Stevens.

Việt Nam lên án vụ tấn công Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại Libya

Ngày 13-9, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị nói: “Việt Nam lên án mạnh mẽ vụ tấn công vào Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Benghazi, Libya ngày 11-9-2012 làm Đại sứ Hoa Kỳ và một số viên chức ngoại giao Hoa Kỳ thiệt mạng. Chúng tôi xin gửi tới gia đình các nạn nhân lời chia buồn sâu sắc. Chúng tôi đề nghị chính quyền Libya thực thi các biện pháp cần thiết nhằm bảo đảm an toàn cho các nhân viên và cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Libya”.

Đ.P
Tổng hợp

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.