6 vấn đề cụ thể AIPA nên quan tâm

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Phiên họp toàn thể thứ nhất Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 37. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Phiên họp toàn thể thứ nhất Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 37. Ảnh: TTXVN
TP - Hôm qua ở Myanmar, tại Phiên họp toàn thể thứ nhất Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 37 (AIPA-37), Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ mong muốn AIPA quan tâm sáu vấn đề cụ thể.

Một là, đề cao các quy tắc, chuẩn mực ứng xử của ASEAN và việc tuân thủ luật pháp quốc tế, đoàn kết, thống nhất chung tay gìn giữ hòa bình, an ninh, ngăn ngừa nguy cơ xung đột ở khu vực; tích cực triển khai thực hiện Tầm nhìn ASEAN 2025.

Hai là, phối hợp triển khai Chương trình nghị sự ASEAN về môi trường bền vững và biến đổi khí hậu sau 2015, sớm thông qua và sẵn sàng thực hiện Kế hoạch hành động chiến lược ASEAN về hợp tác môi trường giai đoạn 2016-2025.

Ba là, thúc đẩy Kế hoạch Hành động Chiến lược của ASEAN đối với sự phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc tham gia và tối ưu hóa chuỗi giá trị toàn cầu; nâng cao năng lực cho doanh nhân trong việc tiếp cận các nguồn tài chính và thị trường, tiếp cận những công nghệ phù hợp và thân thiện với môi trường.

Bốn là, tăng cường hợp tác về công nghệ thông tin trong ASEAN, khu vực và toàn cầu, hợp tác với các đối tác đối thoại để tranh thủ nguồn lực, sự hỗ trợ về kỹ thuật, công nghệ, tài chính nhằm nâng cao năng lực quốc gia thích ứng với thời đại khoa học-công nghệ mới và ứng phó các thách thức an ninh mạng.

Năm là, đẩy mạnh quảng bá, nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của ASEAN và việc xây dựng Cộng đồng ASEAN; khuyến khích người dân tham gia tiến trình xây dựng bản sắc chung ASEAN và Cộng đồng ASEAN; khuyến khích người dân hưởng ứng kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN và 40 năm thành lập AIPA trong năm 2017.

Sáu là, AIPA nói chung và các nghị viện thành viên AIPA nói riêng tạo thuận lợi đối với việc thực hiện các thỏa thuận, văn kiện pháp lý của ASEAN, đẩy nhanh phê chuẩn và hỗ trợ thực hiện các văn kiện hợp tác của khu vực và tích cực tiến hành rà soát, bổ sung, điều chỉnh nội luật phù hợp.

Quan ngại sâu sắc tình hình biển Đông

Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điểm lại tình hình thế giới trong năm qua với nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Tình hình an ninh chính trị bị đe dọa nghiêm trọng bởi chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan, tranh chấp lãnh thổ và biên giới, an ninh hàng hải và các mối thách thức an ninh phi truyền thống, tốc độ phát triển kinh tế chậm lại và bất ổn định. Mặc dù vậy, hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tiếp tục là ưu tiên hàng đầu của mọi quốc gia. Châu Á-Thái Bình Dương ngày càng chứng tỏ là một khu vực quan trọng, duy trì được sự ổn định và tiếp tục là động lực phát triển chính của nền kinh tế thế giới.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, tại châu Á, Cộng đồng ASEAN đã chính thức hình thành, trở thành một nhân tố tích cực định hình cấu trúc khu vực, tăng cường kết nối và gắn kết lợi ích. Trong tiến trình phát triển của mình, đối mặt những thách thức ngày càng gia tăng, Cộng đồng ASEAN cần tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, khẳng định vai trò trung tâm trong giải quyết mọi vấn đề khu vực.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: “Mặc dù chúng ta nhấn mạnh tính đa dạng trong ASEAN, chúng ta cần tôn trọng xu hướng phát triển chung và ý kiến đa số của các thành viên ASEAN, tuân thủ luật pháp quốc tế, xây dựng và củng cố lòng tin, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau đồng thời hài hòa với lợi ích chung của ASEAN. Đó là những nguyên tắc then chốt vì hòa bình, thịnh vượng và bền vững”.

Phát biểu ghi nhận những thành tựu to lớn của các quốc gia thành viên ASEAN trong việc giữ vững hòa bình, ổn định, toàn vẹn lãnh thổ, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ quan ngại sâu sắc trước những thách thức chung như nạn khủng bố, tình hình ở biển Đông, vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu…

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ hoan nghênh kết quả các hội nghị ASEAN, trong đó có Hội nghị Ngoại trưởng AMM-49, nhấn mạnh các giải pháp hòa bình đối với vấn đề biển Đông, trong đó tôn trọng, tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản chung đã được ASEAN và các bên thông qua như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông, sớm tiến tới Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông.

Chiều 30/9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Tổng thư ký Liên minh Nghị viện Thế giới Martin Chungon. Cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chào xã giao Tổng thống Myanmar Htin Kyaw, Chủ tịch Quốc hội Myanmar, Chủ tịch AIPA-37 Mahn Win Khaing Than. Tổng thống Myanmar cho biết, một số nhà đầu tư Việt Nam sang hoạt động ở Myanmar và có nhiều dự án của Việt Nam đang hoạt động hiệu quả. Tổng thống Htin Kyaw thông báo Myanmar đang sửa đổi, hoàn thiện Bộ luật Đầu tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Việt Nam, đầu tư, kinh doanh tại Myanmar.

Nhân dịp Đại hội đồng AIPA-37 diễn ra tại Myanmar từ ngày 30/9 tới 3/10, thay mặt Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã gửi thông điệp tới Đại hội đồng. Chủ tịch nước đánh giá cao chủ đề của Đại hội đồng AIPA-37: “AIPA sống động vì một Cộng đồng ASEAN tiến bộ”, thể hiện mong muốn thúc đẩy sự hợp tác của các nước ASEAN, tạo nền tảng vững chắc và động lực mạnh mẽ cho ASEAN phát triển, liên kết sâu rộng hơn và đóng vai trò quan trọng hơn ở trong khu vực. 

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.