Tập Cận Bình những điều chưa biết

Tập Cận Bình những điều chưa biết
Đúng như dự đoán của các chuyên gia và quan sát tại Trung Quốc cũng như ở ngoài nước, Hội nghị toàn thể lần thứ Nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khoá 18 đã bầu ông Tập Cận Bình làm Tổng Bí thư Trung ương Đảng.

> Con đường tới thành công của ông Tập Cận Bình
> Tổng Bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình nói gì sau khi nhậm chức?

"Một chân dung chính trị" và "con người của sự đồng thuận" là 2 đặc điểm nổi bật nhất mà truyền thông phương Tây đúc kết về con người của chính trị gia này.

"Hạt giống đỏ đã nảy mầm, ra cây"

Sinh năm 1953 và được coi như là một “thái tử” điển hình, ông lớn lên trong những khu biệt thự yên tĩnh với những cánh cổng sơn đỏ được canh gác cẩn thận tại Trung Nam Hải, khu vực dành riêng cho các nhà lãnh đạo lâu năm của Trung Quốc.

Cha ông, cựu Phó Thủ tướng Tập Trọng Huân, người từng lãnh đạo kháng chiến quân cộng sản vùng Tây Bắc và từng bị Mao Trạch Đông thanh trừng vào năm 1962 trước khi được ông Đặng Tiểu Bình hồi phục danh dự.

Khi cha ở chốn ngục tù, ông Tập Cận Bình, lúc đó chưa đầy 16 tuổi, đã bị ép buộc về vùng nông thôn Diên An, tỉnh Thiểm Tây giống như các thành phần trí thức khác.

Do làm việc chăm chỉ, tích cực, ông Bình đã được bầu làm Bí thư đoàn của đại đội sản xuất gồm khoảng 29.000 thanh niên trí thức Bắc Kinh bị đưa xuống Diên An. Tháng 1/1974, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Ông tốt nghiệp khoa Hoá và có bằng luật từ đại học danh tiếng Thanh Hoa – ngôi trường cũ của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và những nhà lãnh đạo cấp cao khác.

Sau khi tốt nghiệp vào năm 1979, ông đảm nhiệm chức vụ Thư ký Văn phòng Quân uỷ Trung ương Trung Quốc và trợ lý cho người phụ trách hoạch định chính sách của quân uỷ.

Ông đảm nhận các vị trí từ Bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ đến Chủ tịch tỉnh 3 tỉnh, thành phố: Phúc Kiến, Chiết Giang và Thượng Hải.

Năm 2007, ông Tập trở thành Bí thư thành uỷ Thượng Hải, thay thế vị trí của Trần Lương Vũ, người bị sa thải vì một vụ bê bối tham nhũng.

Năm 2010, ở tuổi 57, ông Tập Cận Bình đã đạt được mốc cực kỳ quan trọng trong cuộc đời chính trị của mình sau khi lần lượt được bầu làm ủy viên Bộ Chính trị năm 2007, Bí thư Ban bí thư Trung ương Đảng kiêm Hiệu trưởng Trường Đảng trung ương, Phó chủ tịch nước một năm sau (2008).

Một trong những chi tiết thú vị nhất về Tập Cận Bình là cuộc hôn nhân của ông với nữ ca sĩ nổi tiếng Bành Lệ Viện, còn được mệnh danh là “Carla Bruni Trung Hoa”.

Nữ nghệ sĩ xinh đẹp tham gia các chương trình Đại nhạc hội Gala của Trung Quốc, là đại sứ thiện chí của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong cuộc chiến chống bệnh lao và HIV.

Tuy nhiên, đến năm 2008, khi Tập Cận Bình trở thành Phó Chủ tịch Trung Quốc, sau 25 năm biểu diễn bà Bành Lệ Viện rời xa ánh đèn sân khấu lui vào hậu trường, để tránh cho phu quân chính khách bị mờ nhạt trên nền hào quang của người bạn đời là "ngôi sao nghệ thuật". Cô con gái 20 tuổi Tập Minh Trạch của họ hiện đang theo học tại Đại học Harvard (Mỹ).

Điều gì làm nên thành công của ông Tập?

Ông Tập Cận Bình, như báo chí nước ngoài mô tả, có phong cách chính trị kín đáo nhưng đôi khi rất thẳng thắn.

“Không ai biết được ông Tập Cận Bình đang ủng hộ cái gì và phản đối điều gì. Quan điểm của ông trong các chính sách thường không rõ ràng và ông ấy không bao giờ công khai ý kiến của mình”, nhà phân tích chính trị Trung Quốc RusSell Leigh MOSES nhận định.

Lãnh đạo nghỉ hưu của Singapore – ông Lý Quang Diệu, qua cuộc gặp kéo dài một giờ vào cuối năm 2007 với ông Tập đã “xếp” ông Tập vào “mẫu người như Nelson Mandela.

Một người đàn ông với sự tiết chế cảm xúc đến kinh ngạc, một con người không bao giờ để nỗi đau khổ và bất hạnh của mình tác động đến các quyết định đưa ra. Nói một cách khác, ông ấy rất ấn tượng”.

Nhưng mấy năm trước, ông đã từng khẳng khái than phiền các diễn văn và bài viết của nhiều quan chức cao cấp còn đầy rẫy đặc ngữ trong đảng và khuyến cáo họ nên diễn đạt một cách đơn giản, dễ hiểu hơn.

Thời gian làm Hiệu trưởng Trường Đảng, ông Tập Cận Bình cũng đề ra quy định buộc các học viên Trường Đảng phải hành văn chân thực, ngắn gọn và không được dông dài trong khi báo cáo trước dân.

Tuy có tính điềm tĩnh nhưng ông Tập Cận Bình cũng tỏ ra cứng rắn như người tiền nhiệm trong chính sách đối ngoại.

Trong chuyến công du Mehico cách đây hai năm, ông đã gây ngạc nhiên mọi người khi tuyên bố : “Có những người nước ngoài ăn không ngồi rồi, chỉ tay năm ngón mà chỉ trích Trung Quốc. Nhưng mà, thứ nhất, Trung Quốc không xuất khẩu cách mạng. Thứ hai, Trung Quốc cũng không xuất khẩu đói nghèo. Và thứ ba, Trung Quốc cũng chẳng làm ai đau đầu. Vậy thì họ còn muốn gì nữa?”.

Giới quan sát nước ngoài nhận định ông Tập Cận Bình là con người của sự đồng thuận và “con đường chính trị của ông tiến khá nhanh do ông là một trong số ít người được cả Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân ủng hộ, đồng thời là người cứng rắn theo tinh thần Đại Hán Trung Hoa”.

Bên cạnh đó, “Ông tránh được những tranh cãi trong sự nghiệp của mình và làm việc tại các tỉnh được đánh giá là thành công”, Anthony Saich, một chuyên gia Trung Quốc tại trường Kennedy Harvard nhận định.

Trong 17 năm ở tỉnh Phúc Kiến (1985-2002), ông Tập Cận Bình đã có nhiều đột phá trong chính sách kinh tế như phát triển hệ thống giao thông, quy hoạch cảng biển, đô thị, đặc biệt là chính sách thu hút đầu tư kinh tế từ lãnh thổ Đài Loan, đưa kinh tế Phúc Kiến đi theo hướng kinh tế thị trường.

Đặc biệt, như Tân Hoa xã đánh giá, ông Tập Cận Bình đã mở đầu cuộc chiến chống tham nhũng bằng loạt điều tra hơn 2.000 cán bộ trong vụ bê bối về nhà đất ở Ninh Đức.

Khi nhậm chức Bí thư tỉnh Chiết Giang vào tháng 10-2002, ông Tập Cận Bình tiếp tục cuộc chiến chống tham nhũng với “ba điều cần có của người làm quan” là tính kỷ luật, tuân thủ luật pháp và có lương tâm.

Ông được đánh giá đã có những chính sách quan trọng góp phần phát triển khu vực kinh tế tư nhân và là người có thái độ cứng rắn với tham nhũng.

Minh Châu
tổng hợp

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG