Vì sao cuộc họp 4 bên giải quyết tranh chấp Biển Đông bị hoãn?

Vì sao cuộc họp 4 bên giải quyết tranh chấp Biển Đông bị hoãn?
Mặc dù đã thông báo được mấy hôm, nhưng cho tới nay Philippines vẫn không chính thức giải thích nguyên nhân khiến Manila quyết định hoãn cuộc họp 4 bên (Philippines, Brunei, Malaysia và Việt Nam) dự kiến diễn ra vào ngày 12-12 để bàn giải pháp giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.

> Trung Quốc triển khai tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông
> Biển Đông bên bờ vực ‘ngoại giao chiến hạm’
> Báo Hong Kong: Chính sách của TQ ở Biển Đông là phi lý

Trong tuyên bố hôm 7/12, Manila đã bác bỏ những thông tin cho rằng, lý do khiến Philippines hoãn cuộc họp kể trên là bởi sức ép của Trung Quốc.

Người phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines, ông Raul Hernandez cho biết, cuộc họp không diễn ra hôm 12/12 bởi có vấn đề nảy sinh từ lịch trình và các bên liên quan đang bàn để ấn định ngày họp mới.

Nỗi “khổ tâm” của Philippines

Cách đây không lâu, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario từng tuyên bố: cuộc họp 4 bên kể trên nằm trong những nỗ lực của Manila nhằm thúc đẩy một giải pháp đa phương cho cuộc tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông và giải pháp đa phương là một trong những phương án khả thi để thúc đẩy việc này.

Trung Quốc có tham vọng độc chiếm Biển Đông và điều đó được thể hiện rõ qua lập trường, chính sách và những hành động của Bắc Kinh thời gian gần đây.

Ngày 24/11, ông Albert del Rosario đã nói với các nhà lãnh đạo quân sự tương lai của Philippines rằng, họ phải kiên định lập trường trong bất cứ cuộc tranh chấp lãnh thổ nào với Trung Quốc.

 Nhân viên Cục Di trú Philippines từ chối đóng dấu lên tất cả các loại hộ chiếu Trung Quốc
Nhân viên Cục Di trú Philippines từ chối đóng dấu lên tất cả các loại hộ chiếu Trung Quốc.

Chỉ chưa đầy 24 giờ sau khi Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 21 tại Phnom Penh, Campuchia bế mạc, Philippines đã thông báo: sẽ tổ chức hội nghị vào ngày 12/12 với 4 thành viên ASEAN đang có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông là Việt Nam, Malaysia, Brunei và Philippines.

Ngày 10/12, khi phát biểu trong cuộc phỏng vấn với tờ "Thời báo Tài chính", Ngoại trưởng Albert del Rosario tuyên bố, Manila coi Nhật Bản là đối trọng tiềm năng đối với Trung Quốc đang nổi lên.

Ông Albert del Rosario tuyên bố, Philippines coi tình hình ở Biển Đông là mối đe dọa đến sự ổn định và an ninh trong khu vực, nên phải đàm phán đa phương.

Trung Quốc không được mời tham gia cuộc họp này bởi Bắc Kinh chỉ muốn giải quyết tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở song phương. Nhưng việc này đã bị hoãn vào phút cuối khiến dư luận không khỏi đặt câu hỏi.

Được biết, Manila đưa ra quyết định kể trên chỉ 2 ngày sau khi Tổng thống Philippines Benigno Aquino bổ nhiệm bà Erlinda Basilio, Thứ trưởng Ngoại giao làm tân đại sứ tại Trung Quốc (5/12) và đây được coi là động thái nhằm giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.

Việc Philippines bổ nhiệm tân đại sứ tại Trung Quốc

Ngày 6/12, Đại sứ Trung Quốc tại Manila đã hoan nghênh việc Philippines bổ nhiệm bà Erlinda Basilio làm tân đại sứ tại Bắc Kinh.

Cũng trong ngày 6/12, Cục Nhập cư Philippines (BI) cho biết, đã chỉ thị không đóng dấu vào hộ chiếu của Trung Quốc được áp dụng với tất cả các hộ chiếu kể cả mới và cũ, dù hộ chiếu đó có in “đường lưỡi bò” hay không.

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario.

Cục trưởng BI, ông Ricardo David Jr. thẳng thắn tuyên bố: Chúng tôi không đóng dấu vào tất cả các hộ chiếu của Trung Quốc, không cần biết đó là hộ chiếu mới hay cũ.

Lãnh đạo Cục Nhập cư Philippines cho biết, chính phủ đã quyết định áp dụng thống nhất luật mới đối với tất cả hộ chiếu của Trung Quốc để tránh gây nhầm lẫn trong các văn phòng đối ngoại và xuất nhập cảnh.

Trong hai ngày 5 và 6/12, nữ Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Mã Khắc Thanh đã đến thăm tòa soạn báo Manila Times và Inquirer của Philippines.

Tại đây, nữ Đại sứ Mã Khắc Thanh không những tránh trả lời câu hỏi về quy định cho phép cảnh sát tỉnh Hải Nam xét tàu ở Biển Đông, mà còn tái khẳng định quan điểm của Bắc Kinh trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông: phải được giải quyết thông qua đàm phán song phương giữa các nước trực tiếp liên quan.

Ngày 6/12, tờ South China Morning Post có trụ sở ở Hongkong có bài viết nhận định, việc Trung Quốc in hình bản đồ có đường lưỡi bò phi lý vào hộ chiếu phổ thông mới của nước này là hành động ngu ngốc và đi quá xa.

Bởi những động thái nhằm khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với một loạt vùng lãnh thổ đang nằm trong tranh chấp với các nước láng giềng trong giai đoạn chuyển giao quyền lực đã “lạc ra ngoài những thông lệ ngoại giao có thể chấp nhận”.

Bài viết còn cho rằng, không thể hiểu nổi việc Trung Quốc đưa hình bản đồ gây tranh cãi vào hộ chiếu mới của nước này bởi đưa cả vùng đất nằm ở biên giới với Ấn Độ.

Tờ South China Morning Post cũng khẳng định: “hộ chiếu lưỡi bò” không phải là điều chúng ta chờ đợi ở một Trung Quốc mới nổi – một quốc gia thường xuyên cam kết sẽ cùng hợp tác và thể hiện sự hiểu biết đối với các nước láng giềng và những đối thủ. Do đó, cách sửa chữa sai lầm tốt nhất là xóa hình bản đồ trên hộ chiếu mới của Trung Quốc.

Theo TQ - HTK
Petrotimes

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.