Máy bay Trung Quốc lần đầu vào không phận trên Senkaku

Máy bay Trung Quốc lần đầu vào không phận trên Senkaku
TP - Trưa 13-12, một máy bay của Trung Quốc lần đầu tiên xâm nhập không phận phía trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, buộc các máy bay chiến đấu của Nhật Bản phải cất cánh khẩn cấp để đối phó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản thông báo.

> Bốn chiến đấu cơ Nhật 'bủa vây' máy bay Trung Quốc
> Tàu ngư chính lớn nhất Trung Quốc làm gì gần Senkaku?

Lực lượng phòng vệ trên không của Nhật Bản điều tám máy bay phản lực F-15 tới khu vực Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông, sau khi máy bay B-3837 của Cục Hải dương Nhà nước (Trung Quốc) xuất hiện trong không phận quần đảo này lúc hơn 11 giờ.

Máy bay cách đảo Uotsuri, thuộc Senkaku/Điếu Ngư (hiện do Nhật Bản quản lý), khoảng 15km về phía nam, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Osamu Fujimura nói với các phóng viên.

Lực lượng phòng vệ trên không của Nhật Bản ra lệnh cho sáu máy bay F-15 cất cánh từ đảo Okinawa và điều thêm hai chiếc nữa đang bay trên trời tới xử lý máy bay B-3837. Tuy nhiên, khi các chiến đấu cơ tới nơi, máy bay Trung Quốc đã rời không phận Nhật Bản.

Ngày 13-12, tại Bảo tàng thảm sát Nam Kinh (Trung Quốc), 9.000 người dự lễ tưởng niệm 75 năm cuộc thảm sát, cưỡng hiếp Nam Kinh. Theo phía Trung Quốc, trong 6 tuần ở thành phố Nam Kinh năm 1937, quân đội Nhật Bản sát hại khoảng 300.000 binh sĩ và dân thường Trung Quốc. Phía Nhật Bản ước tính số người thiệt mạng trong khoảng 20.000-200.000.

*Ngày 12-12, quan chức quốc phòng Mỹ và Philippines họp tại Manila, nhất trí tăng cường hợp tác huấn luyện quân sự ở Philippines, thảo luận việc tăng số quân nhân Mỹ luân phiên đồn trú ở Philippines. Manila mong Washington tăng cả số chiến hạm và chiến đấu cơ ở Philippines.

Sáng 13-12, bốn tàu hải giám Trung Quốc đi vào lãnh hải Nhật Bản quanh Senkaku/Điếu Ngư ở tỉnh Okinawa. Đây là ngày thứ ba liên tiếp, tàu của chính phủ Trung Quốc xâm nhập vùng biển này, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản thông báo.

Sau vụ máy bay Trung Quốc vi phạm vùng trời Nhật Bản, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda chỉ thị cho các cơ quan liên quan của chính phủ tăng cường hoạt động giám sát và cảnh báo.

Thủ tướng Noda nói: “Tôi cam kết bảo vệ quốc gia và người dân bằng cách thực hiện quản lý khủng hoảng một cách toàn diện, để bảo vệ lãnh thổ đất liền, biển, chủ quyền và các lợi ích quốc gia.

Chiều qua, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Chikao Kawai triệu quyền Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản, ông Han Zhiqiang, tới Bộ Ngoại giao Nhật Bản, để phản đối hành động của phía Trung Quốc.

Đại sứ Han nói rằng, Điếu Ngư/Senkaku thuộc về Trung Quốc, nhưng ông vẫn sẽ chuyển thông điệp phản đối tới chính phủ nước ông.

Ông Han nói rằng, Trung Quốc hy vọng giải quyết tranh chấp biển đảo với Nhật Bản một cách hòa bình thông qua đối thoại.

Cục Hải dương Nhà nước của Trung Quốc nói rằng, máy bay và bốn tàu hải giám thực hiện nhiệm vụ tuần tra của mình. Máy bay được dùng để khảo sát đại dương và theo dõi các hoạt động đánh bắt hải sản.

Tổng Bí thư Trung Quốc ra lệnh quân đội sẵn sàng chiến đấu

Ông Tập Cận Bình, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Quân ủy Trung Quốc, mới đây ra lệnh cho quân đội nước này (gồm 2,3 triệu quân nhân) nâng cao nhận thức về “chiến đấu thực tế” để duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu.

Tổng Bí thư Tập Cận Bình kiểm tra các đơn vị quân đội ở tỉnh Quảng Đông hôm 10-12. Ảnh: Xinhua
Tổng Bí thư Tập Cận Bình kiểm tra các đơn vị quân đội ở tỉnh Quảng Đông hôm 10-12. Ảnh: Xinhua.

Theo thông cáo báo chí của giới chức quân đội Trung Quốc đưa ra hôm 12-12, ông Tập phát biểu như trên trong chuyến đi kiểm tra chiến khu Quảng Châu trong ba ngày, bắt đầu từ thứ bảy tuần trước.

Ông Tập yêu cầu các sĩ quan Trung Quốc áp dụng tiêu chuẩn chiến đấu thực tế trong huấn luyện quân sự và nâng cao nhận thức về vấn đề này trong binh sĩ.

Ông cũng tái khẳng định rằng, nhiệm vụ trọng tâm của quân đội Trung Quốc là cải thiện năng lực giành chiến thắng trong các cuộc chiến khu vực trong kỷ nguyên thông tin và thực hiện các chiến dịch quân sự đa dạng.

Tại thành phố Quảng Châu (thủ phủ tỉnh Quảng Đông), ông Tập lên khu trục hạm Haikou của hải quân, ăn tối với thủy thủ trên tàu, kiểm tra xe thiết giáp, quan sát diễn tập quân sự…

Giáo sư Li Jie, Viện Nghiên cứu Quân sự Hải quân (Trung Quốc), nói rằng chỉ thị của Tổng Bí thư về “chiến đấu thực tế” được đưa ra trong bối cảnh nước này đối mặt tình hình quốc tế phức tạp, đặc biệt là căng thẳng về tranh chấp chủ quyền biển đảo gia tăng.

“Hiện nay, có nhiều nhân tố bất ổn trong lĩnh vực biển của Trung Quốc, ví dụ Điếu Ngư/Senkaku và biển Đông. Chúng ta cần bảo đảm rằng, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) chuẩn bị cho mọi thách thức”, ông Li nói.

Theo giáo sư Li, PLA không đánh trận trong hơn hai thập kỷ qua. “Nếu so sánh về cường độ huấn luyện giữa PLA và quân đội Mỹ, thì PLA thua xa và quân đội Mỹ có nhiều chiến trường thực tế để đánh trận nhiều năm qua”, ông nói.

Gia Tùng
Theo Kyodo, China Daily, Xinhua, Philippine Star

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG