Dân dùng mạng đánh quan tham

Dân dùng mạng đánh quan tham
TP - Cuối năm 2012, nhiều người dân Trung Quốc tích cực sử dụng blog, diễn đàn online để vạch mặt quan tham từ cấp địa phương đến trung ương. Thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc ủng hộ cách làm này, đồng thời tăng cường lấy ý kiến các học giả để phòng chống tham nhũng hiệu quả hơn.

> Quan chức cấp cao TQ mất chức vì con ngoài giá thú
> Quan tham Trung Quốc: Nam chết vì gái, nữ chết vì hàng hiệu

Những quan chức mất chức hoặc bị điều tra tội tham nhũng trong vòng 1 tháng trước và sau Đại hội lần thứ 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ảnh: CFP/Global Times
Những quan chức mất chức hoặc bị điều tra tội tham nhũng trong vòng 1 tháng trước và sau Đại hội lần thứ 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ảnh: CFP/Global Times.

Ngoài công việc bán hàng ở tỉnh Cam Túc, anh Zhou Lubao dành thời gian rỗi để điều tra đời tư các quan chức địa phương, nhằm phơi bày những việc làm sai trái của họ trên mạng xã hội Weibo và một số diễn đàn trực tuyến.

Nam thanh niên Zhou được nhiều người biết đến hơn sau khi tố cáo hành vi tham nhũng của ông Yuan Zhangting, Chủ tịch thành phố Lan Châu, tỉnh Cam Túc.

Có một số bức ảnh làm bằng chứng, anh khẳng định vị quan chức này sở hữu ít nhất 5 đồng hồ đeo tay đắt tiền, trong đó có một chiếc trị giá hơn 200.000 tệ (gần 700 triệu đồng).

Vài ngày sau đó, Ủy ban Kiểm tra - Kỷ luật của tỉnh Cam Túc điều tra để xác minh vụ việc và thấy rằng, ba chiếc đồng hồ là do ông Yuan tự mua, còn một chiếc Omega là hàng nhái.

Tuy nhiên, anh Zhou cho rằng, kết luận đó không thuyết phục, nên báo vụ việc lên Ủy ban Kiểm tra - Kỷ luật Trung ương (CCDI).

Anh cung cấp thêm nhiều bằng chứng về những hành vi sai trái, như ông Yuan dính líu vụ tham ô quỹ xây dựng hệ thống xe buýt tốc hành của thành phố và che đậy vụ tai nạn hầm mỏ thảm khốc.

Trong khi chờ đợi chính quyền trung ương hành động, anh Zhou tiếp tục thu thập và tiết lộ thêm bằng chứng chống lại chủ tịch thành phố.

Anh nói mình hết lòng với công việc này “là để đáp lại nghị quyết chống tham nhũng vừa được triển khai”.

Anh Zhou không phải người duy nhất nỗ lực hết mình trong việc chống tham nhũng từ cấp cơ sở.

Sau Đại hội lần thứ 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (diễn ra hồi tháng 11), các diễn đàn trực tuyến, mạng xã hội, đặc biệt là Weibo xuất hiện nhiều thông tin tố cáo các quan chức ở mọi cấp độ.

“Đánh” cả quan chức cấp cao

“Một tuần đã qua”, Luo Changping viết trên Weibo hôm 13-12, ngụ ý thông tin ông tố cáo Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng Quốc gia Liu Tienan vẫn chưa đem lại kết quả gì.

Ông Luo, một phóng viên điều tra giàu kinh nghiệm đang giữ chức Phó tổng biên tập tạp chí Caijing, đã báo cáo CCDI về hàng loạt sai phạm của ông Liu - người đang kiêm nhiệm chức Phó chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia.

Theo bằng chứng mà Phó tổng biên tập Luo phơi bày, ông Liu dùng bằng thạc sĩ giả, thông đồng với một doanh nhân lừa gạt các ngân hàng Trung Quốc để giành lấy những khoản vay kếch xù và đe dọa người biết rõ sự thật. Với sức tác động của quả bom nổ trên môi trường ảo, cáo buộc nhằm vào quan chức cấp bộ trưởng nhanh chóng được nhiều người quan tâm.

Vài giờ sau khi thông tin được đưa lên, Tổng cục Năng lượng cho rằng những cáo buộc này là “chỉ là vu cáo” và đe doạ sẽ sử dụng công cụ pháp lý.

“Họ nói điều gì không quan trọng. Mục đích của tôi trong việc vạch trần những vụ bê bối không phải để họ đáp lại”, ông Luo nói.

Ông thừa nhận cũng lo lắng đôi chút trong quá trình chờ đợi, nhưng vẫn lạc quan rằng vụ việc sẽ được giải quyết.

“Tôi tin vụ việc sẽ được giải quyết thỏa đáng. Nhưng đây không phải vụ đơn giản vì đối tượng là một quan chức cấp cao và phải mất thời gian điều tra dựa trên quy trình nhất định. Nếu ông ta mất chức ngay sau khi tôi cung cấp thông tin thì kỳ lạ quá”, ông Luo nói.

Điều tra những vụ án quan trọng thường tiến triển chậm, còn các vụ liên quan quan chức cấp thấp thường mang lại kết quả gần như tức thì.

Ông Lei Zhengfu, Bí thư Đảng uỷ quận Beibei thuộc thành phố Trùng Khánh, bị sa thải chỉ 63 giờ đồng hồ, sau khi đoạn video ghi lại cảnh ông ta đang quan hệ tình ái ngoài luồng với một phụ nữ trẻ được đưa lên mạng.

Gần đây, gần 60 học giả và luật sư cùng viết một bức thư kêu gọi thực hiện công khai tài sản của 205 ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Một số học giả đề xuất tách cơ quan giám sát khỏi Đảng để họ có thể giám sát hiệu quả hơn đối với các quan chức, đặc biệt là quan chức cấp cao.

Theo GS Zhu Lijia ở Viện Quản lý Trung Quốc, xu hướng sử dụng internet để chống tham nhũng phản ánh rằng, người dân ngày càng mong muốn tham gia vào những công việc chung và mạng máy tính toàn cầu trở thành kênh hoàn hảo để họ thực hiện mong muốn đó.

Ông Liao Ran, điều phối viên cao cấp khu vực châu Á-Thái Bình Dương của tổ chức phi chính phủ Minh bạch Quốc tế, cho biết, việc đấu tranh chống tham nhũng qua internet, đặc biệt là qua các phương tiện truyền thông xã hội, đang diễn ra khắp nơi trên thế giới, với nhiều kết quả khả quan.

Tại Hội nghị chống tham nhũng quốc tế lần thứ 15 diễn ra ở Brazil hồi tháng 11, vấn đề chống tham nhũng thông qua công nghệ mới đã trở thành chủ đề bàn thảo quan trọng.

Tại Trung Quốc, tiết lộ mới nhất trên internet là từ một nhóm 29 người ở thành phố Hình Đài, tỉnh Hà Bắc, nói rằng chủ tịch thành phố là ông Liu Daqun bị nghi ngờ nhận tiền lót tay để cho thuê đất sai nguyên tắc.

Cả ông Luo và anh Zhou nói rằng họ nỗ lực chống tham nhũng một phần là vì cảm thấy được khuyến khích khi thế hệ lãnh đạo mới của Đảng ưu tiên phòng chống tham nhũng, quan liêu.

Tân Tổng bí thư Tập Cận Bình liên lục nhấn mạnh tầm quan trọng của nhiệm vụ chống tham nhũng. Ông cũng thường nhắc lại lời của người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào rằng, sự thất bại trong cuộc chiến chống tham nhũng có thể khiến Đảng Cộng sản Trung Quốc sụp đổ.

Hoan nghênh chỉ trích trên mạng

Hôm 30-11, ông Vương Kỳ Sơn, Bí thư CCDI, tổ chức cuộc họp với tám học giả để góp ý về vấn đề chống tham nhũng. Một trong các thành viên tham gia cuộc họp là ông Ma Huaide, Phó hiệu trưởng Đại học Luật và Khoa học chính trị Trung Quốc.

Ông Ma nói rằng, ông đang nhìn thấy một số thay đổi. Những dấu hiệu này diễn ra không lâu sau Đại hội Đảng hồi tháng 11, cho thấy thế hệ lãnh đạo mới coi trọng ý kiến của giới chuyên gia và người dân.

Ông Ma cho biết, so với những cuộc họp ông từng tham dự năm 2007 và 2009, các chuyên gia tại cuộc họp lần này đề cập nhiều lĩnh vực hơn.

Người chủ trì cuộc họp đã đề nghị các chuyên gia không né tránh thể hiện quan điểm mạnh mẽ, gay gắt, đồng thời nói rằng những lời phê bình, chỉ trích trên mạng cũng rất được hoan nghênh.

Tiêu biểu cho xu hướng này là trường hợp của Li Chuncheng, người mới đây mất chức Phó Bí thư Đảng uỷ tỉnh Tứ Xuyên, vì vi phạm nguyên tắc. Đây là lần đầu tiên một quan chức cấp cao như vậy bị sa thải từ khi thế hệ lãnh đạo mới của Đảng ra mắt.

Ông Shen Yong, quan chức chính phủ tại thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, tiết lộ trên trang Weibo cá nhân rằng, ông Li đánh đổi địa vị lấy tiền và giúp vợ lên được chức cao nhất tại Hội Chữ thập đỏ địa phương.

Gia Tùng 
Theo Hoàn cầu Thời báo, Nhân dân Nhật báo

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG