Hàn Quốc: Cứ nửa tiếng lại có người nhảy lầu tự tử

Hàn Quốc: Cứ nửa tiếng lại có người nhảy lầu tự tử
TP - Ít nhất 7 người tự kết liễu đời mình ở thành phố Busan, sau khi Cho Sung-min, nguyên cầu thủ bóng chày số 1 Hàn Quốc, tiếp bước vợ cũ, tự treo cổ hôm Chủ nhật. Nữ tổng thống đầu tiên của nước này đang được chờ đợi sẽ lập một ban đặc biệt nhằm xóa vấn nạn tự tử hàng đầu thế giới ở đất nước này.

> Do đâu nhiều ngôi sao Hàn tự vẫn?
> Choi Jin Sil tự vẫn do sức ép dư luận

Choi Jin - sil từng là diễn viên nổi tiếng
Choi Jin - sil từng là diễn viên nổi tiếng.

Ngày 8-1, cảnh sát Hàn Quốc thông báo, theo kết quả khám nghiệm tử thi, Cho Sung-min (39 tuổi, ngôi sao bóng chày cuối thập niên 1990, chồng cũ diễn viên Choi Jin-sil) treo cổ tự sát trong phòng tắm nhà bạn gái ở thủ đô Seoul.

Cựu cầu thủ bóng chày nhắn tin cho bạn gái ngụ ý sẽ tự sát và cô gái sau đó gọi cảnh sát. Tin nhắn viết: “Cảm ơn em vì mọi thứ và hãy mạnh mẽ dù anh sẽ đi xa”.

Cứ nửa tiếng lại có người nhảy lầu

Vụ tự tử sáng Chủ nhật một lần nữa nhắc người dân xứ kim chi nhớ lại một thực tế ảm đạm rằng, họ đang sống trong một xã hội rất căng thẳng, với tỷ lệ tự sát cao nhất trong số các nước OECD (Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển), theo thống kê năm 2012 của tổ chức này.

Theo kết quả khảo sát 105 quốc gia do Tổ chức Y tế Thế giới tiến hành mới đây, Hàn Quốc có tỷ lệ tự tử ở nữ giới cao nhất, còn tỷ lệ quyên sinh ở nam giới xếp thứ 7.

Tự sát là nguyên nhân tử vong lớn thứ tư ở Hàn Quốc, sau bệnh tim mạch, đột quỵ và ung thư.

Ở Hàn Quốc, cứ mỗi 34 phút lại có một người nhảy lầu tự tử, cơ quan chức năng của chính phủ nước này ước tính.

Chính phủ của Tổng thống đắc cử Park Geun-hye được dự đoán ưu tiên giải quyết vấn nạn này.

Tân tổng thống có thể thành lập ban chuyên trách phòng chống tự tử, vì nhiều vụ quyên sinh là kết quả của tăng trưởng kinh tế èo uột, bất bình đẳng, thất nghiệp, nợ nần gia tăng.

Sự ra đi đột ngột của Cho Sung-min, chồng cũ của cố diễn viên điện ảnh và truyền hình nổi tiếng Choi Jin-sil, khiến nhiều nghệ sĩ, vận động viên cảm thấy đau buồn vô hạn.

Nữ diễn viên Hong Eun-hui viết trên mạng xã hội Twitter: “Bi kịch. Tôi thấy đau nhói tim khi nghĩ đến vết thương mà con cái họ phải mang”.

Nghệ sĩ Hong Seok-chun nói: “Hôm Chủ nhật tôi ngủ quá giờ và thấy tin về Cho, làm tôi nhớ đến Choi Jin-sil và Choi Jin-young. Chúng ta đôi lúc cảm thấy muốn chết quách đi, nhưng rồi lại dặn lòng phải kiên cường”.

Đám tang Cho Sung-min. Ảnh: Yonhap
Đám tang Cho Sung-min. Ảnh: Yonhap.

Hai vụ tự tử trong gia đình Choi đã rung hồi chuông báo động về những lời nhận xét ác ý nhằm vào giới nghệ sĩ.

Choi Jin-sil treo cổ trong phòng tắm hồi tháng 10-2008; em trai là diễn viên-ca sĩ Jin-young cũng treo cổ trong căn hộ của mình vào tháng 3-2010.

Choi Jin-sil bị đồn thổi trên Internet rằng cô liên tục đòi nợ khiến nam diễn viên Ahn Jae-hwan (vay nặng lãi của một số người trong nhiều năm) phải tự sát hồi tháng 9-2008. Sau khi cô chết, người em trai bị trầm cảm kéo dài.

Khi Choi Jin-sil tự kết liễu đời mình, chồng cũ của cô là cựu danh thủ bóng chày Cho Sung-min cũng ít nhiều bị chê trách.

Cho Sung-min cưới Choi Jin-sil năm 2000, có một con trai và một con gái, sau đó ly dị năm 2004. Quan hệ của họ xấu đi khi cả hai buộc tội nhau không chung thủy, nhất là sau khi Cho bị bắt vì tội đánh đập vợ (hơn mình 5 tuổi). Choi Jin-sil tái hôn năm 2007 nhưng sau đó ly thân từ năm 2010.

Cho Sung-min bị cho là tìm cách giành quyền nuôi con để kiểm soát tài sản thừa kế của chúng. Vụ việc được dàn xếp ổn thỏa sau khi Cho Sung-min từ bỏ quyền của mình đối với tài sản của Choi Jin-sil. Hiện nay, hai người con của họ được mẹ của Choi Jin-sil chăm sóc.

Tự tử tăng liên quan Google?

Báo cáo mới đây của chuyên gia Song Tae-min công tác tại Viện Sức khỏe và Các vấn đề xã hội Hàn Quốc viết rằng, nước này cần có những kế hoạch tập trung và khả thi để giảm thiểu số người tự tìm đến cái chết.

Theo báo cáo, có mối tương quan về tỷ lệ tự tử gia tăng và số lần từ “tự sát” và những từ liên quan được tìm kiếm trên Internet.

Ông Song lo ngại rằng, dịch tự tử có thể lây lan trong số những người quen biết một ai đó đã quyên sinh, không chỉ bao gồm người thân, bạn bè mà còn cả người của công chúng như Cho Sung-min, Choi Jin-sil, Choi Jin-young… Một nghiên cứu do các nhà khoa học Thụy Điển và Anh thực hiện năm 2009 cho thấy, những người quen biết một đồng nghiệp đã tự sát có khả năng làm theo cao hơn 3,5 lần bình thường. Với người bà con thân thuộc thì khả năng tự tử theo cao gấp 8,3 lần.

“Có nhiều tìm kiếm trực tuyến liên quan các vụ tự tử vào năm 2005, sau khi nữ diễn viên Lee Eun-joo quyên sinh và vào năm 2008, sau khi Choi Jin-sil tự sát. Đó cũng là hai năm có tỷ lệ tự tử gia tăng, vì vậy, chúng ta có thể tạm kết luận rằng, nguy cơ của tự tử bắt chước là có thật”, ông Song nói.

“Các tìm kiếm trên Internet liên quan tự sát lên đỉnh điểm vào năm 2010 khi Choi Yoon-hee, nữ nhân vật nổi tiếng trên truyền hình với biệt danh Người thuyết giáo về hạnh phúc vì có nhiều bài viết về hạnh phúc, tự kết liễu đời mình. Đó là khi số vụ tự sát ở Hàn Quốc đạt 33,5/ 100.000 dân. Mức trung bình của OECD là 12,8”, ông Song cho biết.

Ngoài lần giảm nhẹ vào năm 2006, tỷ lệ tự tử ở Hàn Quốc tăng liên tục từ năm 2003, khi con số này là 28,1. Cùng thời gian, số từ “tự tử” được tìm kiếm thông qua Google cũng tăng, ông Song nói.

“Những bản ghi của Google cho thấy, khi tìm kiếm về những vụ tự tử, người ta cũng có thể tìm kiếm về stress. Vì vậy, các nhà làm chính sách nên lưu tâm khi thấy có sự tăng mạnh về lưu lượng online liên quan tự tử và stress”, ông nói.

Tự tử là nguyên nhân tử vong hàng đầu đối với người Hàn Quốc ở tuổi thanh thiếu niên. Trong số thành viên OECD, Hàn Quốc cũng có tỷ lệ tự sát cao nhất ở người trên 60 tuổi, có thể một phần liên quan chính sách chăm lo đời sống kinh tế cho người cao tuổi, theo nhiều nhà nghiên cứu.

Theo họ, vấn nạn tự sát ở Hàn Quốc rất phức tạp, trong khi nước này thiếu biện pháp giải quyết, dù là loại đơn giản nhất, như nâng cao nhận thức trong cộng đồng, cải thiện chăm sóc sức khỏe tâm thần…

Chỉ có 1/3 người Hàn Quốc bị trầm cảm được trợ giúp thường xuyên về mặt chuyên môn. Trừ những hãng lớn như Samsung, rất ít công ty có bác sĩ chuyên khoa tâm lý học hoặc đưa nhân viên của mình tới các chương trình tư vấn liên quan. Ngay cả khi có một nhân viên tự sát, rất ít người tư vấn cho đồng nghiệp, giúp họ đối đầu sự kiện bi thảm.

Mới đây, Bộ Tư pháp hỗ trợ một phần tài chính cho chi phí khám chữa bệnh về tâm lý của nhân viên. Tuy nhiên, nhiều nhân viên ngại sử dụng chương trình này, vì danh tính không được bảo vệ triệt để, hồ sơ bệnh án có thể được đề cập trong các bản tổng kết về năng lực làm việc của họ.

Bác sĩ Park Jong-hi công tác tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Kangwon, Giám đốc Trung tâm Ngăn ngừa Tự tử Hàn Quốc, nói rằng, chính phủ mới của Tổng thống đắc cử Park Guen-hye nên thành lập một ban trực thuộc Văn phòng tổng thống để chuyên xử lý vấn đề tự tử.

“Chúng ta cần có một tổ chức có ngân sách thật sự, có thể hoạt động như một tháp điều khiển, kết nối các nỗ lực riêng rẽ của Bộ Y tế và Phúc lợi, Bộ Giáo dục, Khoa học và Công nghệ và Bộ Tư pháp”, ông Park nói.

70% người rối loạn tâm thần có nguy cơ tự sát

Hơn 70% người bị rối loạn tâm thần từng nghĩ đến việc giết người hoặc tự giết mình, theo một báo cáo của Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc.

Gần 3,7 triệu người Hàn Quốc từng gặp vấn đề về tâm thần ít nhất một lần trong đời. Trong số 57% người từng nghĩ về việc quyên sinh, có ít nhất một loại rối loạn tâm thần.

Chính quyền thành phố Busan thông báo sẽ áp dụng hệ thống “mổ xẻ tâm lý” để theo dõi mọi chi tiết về người tự sát, như phỏng vấn người thân, bạn bè, đồng nghiệp về bệnh tật, học lực, thu nhập…

Theo khảo sát của Trung tâm tư vấn tuổi trẻ Busan, khoảng 41,8% học sinh từ 7 đến 18 tuổi nói rằng, họ bị bắt nạt, quấy rối hoặc đánh đập ít nhất một lần trong năm 2012. Có tới 39,8% học sinh bị bạo lực học đường nói rằng, từng có ý định tự sát.

Thái An
Theo Yonhap, Korea Times, ChannelNewsAsia, Xinhua, AP

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG