Người đàn ông nghèo suy thận tự chế máy lọc máu

Người đàn ông nghèo suy thận tự chế máy lọc máu
TP - Ngày 10-1, những thông tin về một người đàn ông nghèo ở Nam Thông, Giang Tô, Trung Quốc, bị bệnh suy thận tự chế máy lọc máu để cứu mình trong suốt 13 năm nay đã nhanh chóng lan truyền trên các trang báo, mạng xã hội Trung Quốc và trở thành đề tài bàn luận sôi nổi.
Hồ Tụng Văn đang tự lọc máu cho mình tại nhà bằng “thận thép” tự chế
Hồ Tụng Văn đang tự lọc máu cho mình tại nhà bằng “thận thép” tự chế.

Bên cạnh những ý kiến ca ngợi kỳ tích của Hồ Tụng Văn tự chế máy lọc máu giá thành rẻ, bày cách cho những người cùng cảnh ngộ làm theo; cũng có ý kiến của các chuyên gia cảnh báo nguy hiểm khi thao tác không đúng quy trình và nguy cơ nhiễm trùng cao, khuyên mọi người đừng nên bắt chước…

Tự chế máy lọc máu

Hồ Tụng Văn gia cảnh nghèo, sống cùng bà mẹ đã hơn 80 tuổi. Từ năm 1993, bị xác định là mắc chứng suy thận, ông phải sống cuộc sống gian nan của một bệnh nhân phải thường xuyên lọc máu.

Việc phải vào viện lọc máu đã khiến ông tiêu tán hết tài sản tích luỹ từ lâu của gia đình. Cái khó ló cái khôn, Hồ Tụng Văn đã nghĩ ra cách sử dụng đồ nhà bếp và các dụng cụ tự mua để mày mò, tự chế ra “máy lọc máu”.

Dịch lọc được ông tự pha chế từ nước lọc tinh khiết và bột HD-Fl; nước muối để tẩy rửa ống dẫn ông mua từ các cửa hàng…tổng chi phí cho mỗi lần lọc máu hết chưa tới 60 NDT (tệ), chỉ bằng 1/8 chi phí nếu vào viện chạy thận nhân tạo.

Mỗi tháng ông phải lọc máu 13 lần, tổng số hết chưa tới 1.000 tệ (3,3 triệu VNĐ), nếu vào viện phải mất 26 triệu đồng.

Mỗi khi lọc máu cho mình, Hồ Tụng Văn phải tự mình thực hiện rất nhiều việc, nhiều công đoạn: pha chế dịch lọc, vệ sinh ống dẫn, “máy lọc”, cắm kim vào tĩnh mạch, điều chỉnh lượng nước thải ra…Vậy mà ông đã sống sót 13 năm nay. Đây được coi là một kỳ tích về số thời gian tồn tại bình quân của một bệnh nhân suy thận được lọc máu trong bệnh viện.

Quả thận thép nguy hiểm

Sự kiện Hồ Tụng Văn “tự học thành tài” khiến nhiều người ngạc nhiên, khâm phục. Thiết bị lọc máu do ông tự chế được mọi người gọi là “thận thép”. Tuy nhiên, bên cạnh những lời lẽ ca ngợi, khâm phục; cũng có không ít ý kiến nghi ngờ: Việc tự chế “thận thép” như thế liệu có phù hợp tiêu chuẩn an toàn của quy trình lọc máu?

Bác sĩ Tôn Vĩ, Chủ nhiệm khoa Thận bệnh viện tỉnh Giang Tô trả lời phóng viên báo Dương Tử: Cảnh ngộ của Hồ Tụng Văn đáng thông cảm, nhưng việc tự chế máy lọc máu thì chớ nên bắt chước.

Ông lý giải: “Tái sử dụng nhiều lần thiết bị lọc máu rất dễ gây nhiễm trùng máu. Việc Hồ Tụng Văn sử dụng nước lọc tinh khiết để pha chế dịch lọc cũng không ổn bởi thành phần nước lọc cùng lượng nước sử dụng có quy định rất nghiêm ngặt. Nếu sử dụng nước tinh khiết, các nguyên tố vi lượng trong nước sẽ ảnh hưởng đến cơ thể, dẫn đến việc phát sinh các chứng bệnh kèm theo”.

Ở Trung Quốc, mỗi lần lọc máu phải mất 400 tệ (1 tệ tương đương 3.300 VNĐ), mỗi tuần phải lọc 3 lần, mất 1.200 tệ. Giá đó đã không điều chỉnh từ năm 2000, nếu ai có bảo hiểm y tế chỉ phải nộp 10%. Những người nghèo có thể lựa chọn phương pháp “lọc màng bụng tại nhà”, mỗi năm có thể tiết kiệm được hơn 10 ngàn tệ (33 triệu VNĐ).

 Thu Thủy 
Tổng hợp

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.