Nhật Bản lưỡng lự về sửa đổi hiến pháp hòa bình

Nhật Bản lưỡng lự về sửa đổi hiến pháp hòa bình
TP - Cử tri Nhật Bản đang bị chia rẽ trước mục tiêu của Thủ tướng Shinzo Abe là sửa đổi hiến pháp hòa bình thời hậu Thế chiến II để nới lỏng hạn chế về quân đội, dù gần 90% thành viên Hạ viện ủng hộ việc thay đổi này, theo kết quả thăm dò dư luận được công bố hôm qua.

> Vì Trung Quốc, Nhật Bản 'tháo dây cương' cho quân đội?
> Căng với TQ, Nhật Bản tăng quân số

Ông Abe, người trở lại vị trí thủ tướng sau khi đảng Dân chủ Tự do của ông giành chiến thắng vang dội hồi tháng trước, tuyên bố rõ ràng rằng, ông muốn nới lỏng hạn chế về quân đội được quy định trong hiến pháp.

Hiến pháp chưa bao giờ được sửa đổi chính thức, từ khi được lực lượng chiếm đóng Mỹ soạn thảo năm 1947.

Khảo sát của báo Asahi (Nhật Bản) và một nhóm nghiên cứu của Đại học Tokyo cho thấy, 50% cử tri ủng hộ việc sửa đổi hiến pháp hòa bình, tăng so với tỷ lệ 41% hồi năm 2009, nhưng thấp hơn nhiều con số 89% nghị sĩ được bỏ phiếu trong đợt bầu Hạ viện tháng trước muốn hiến pháp được sửa đổi.

Có 45% cử tri ủng hộ việc cho phép Nhật Bản thực hiện quyền phòng vệ tập thể, hoặc trợ giúp một đồng minh bị tấn công, tăng so với tỷ lệ 37% năm 2009, nhưng thấp hơn nhiều so với con số 79% nghị sĩ muốn thay đổi hiến pháp.

Câu hỏi khảo sát được gửi tới 3.000 cử tri hồi tháng trước, trong đó 1.889 người trả lời. Các nhà làm luật được khảo sát trước đợt bầu cử tháng 12-2012.

Điều 9 của hiến pháp hòa bình cấm việc duy trì quân đội. Điều này quy định: Nhân dân Nhật Bản cam kết vĩnh viễn không phát động chiến tranh với tư cách là quyền chủ quyền của quốc gia hoặc đe dọa, sử dụng vũ lực như một phương thức để giải quyết tranh chấp quốc tế.

Lục quân, hải quân và không quân cũng như các nguồn lực chiến tranh khác sẽ không được duy trì… Tuy nhiên, Nhật Bản đã gửi quân tham gia các lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế và tới Iraq thực hiện nhiệm vụ tái thiết phi chiến đấu trong giai đoạn 2004-2006.

Theo các nhà phân tích, việc thay đổi hiến pháp gây ra nhiều tranh cãi về chính trị, trong khi những dấu hiệu Nhật Bản vận động quân sự có thể chọc tức Trung Quốc - nước bị Nhật Bản xâm chiếm thời chiến tranh.

Ngoài ra, Nhật Bản và Trung Quốc đang căng thẳng vì tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.

Việc sửa đổi hiến pháp chỉ được thực hiện nếu có ít nhất 2/3 thành viên Hạ viện và Thượng viện cùng đa số cử tri tán thành trong một cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc.

Một khảo sát khác do hãng tin Kyodo (Nhật Bản) thực hiện và công bố kết quả hôm 27-1 cho thấy, hơn 70% cử tri ủng hộ sửa đổi luật quản lý các lực lượng phòng vệ (quân đội), để nới lỏng hạn chế về hoạt động của quân đội, nhằm giải cứu công dân Nhật Bản gặp nguy hiểm trong các cuộc xung đột ở nước ngoài.

Đảng Dân chủ Tự do đang kêu gọi thay đổi luật để giảm hạn chế về việc sử dụng vũ khí của quân đội cùng một số hạn chế khác, để xử lý những trường hợp như vụ khủng hoảng con tin ở Algeria vừa qua. Trong số 38 con tin bị giết chết có 10 người Nhật Bản.

Ngày 27-1, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera thông báo, chính phủ sẽ tăng quân số từ 225.000 hiện nay lên 287.000 trong năm tài khóa bắt đầu vào tháng 4.

Đây là con số tăng cao nhất trong hai thập kỷ qua. Ngày 28-1, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói: “Vì những lý do lịch sử, các nước láng giềng của Nhật Bản rất quan tâm sự phát triển quân đội của nước này. Chúng tôi hy vọng Tokyo theo đuổi con đường phát triển hòa bình, coi trọng quan ngại của các nước trong khu vực”.

Cam kết hồi phục kinh tế

Ngày 28-1, trong bài phát biểu chính sách đầu tiên trước Quốc hội từ khi trở lại vị trí thủ tướng, ông Shinzo Abe cam kết sẽ hồi phục kinh tế, đồng thời lên án vụ khủng bố ở Algeria khiến 10 người Nhật Bản thiệt mạng.

“Vấn đề lớn nhất và bức thiết nhất mà đất nước chúng ta đang đối mặt là phải làm sống lại nền kinh tế”, ông Abe tuyên bố. Chính phủ và ngân hàng trung ương sẽ hợp tác chặt chẽ hơn để đạt mục tiêu lạm phát 2% sớm nhất có thể, ông nói.

Phương Anh
Theo Kyodo, Japan Times, AP, CNN

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG