Bí ẩn việc ông John Kerry trở thành Ngoại trưởng Mỹ

Bí ẩn việc ông John Kerry trở thành Ngoại trưởng Mỹ
TP - Quân nhân Mỹ John Kerry năm xưa, người từng bị coi là kẻ thù của Tổng thống Nixon vì tích cực phản chiến, giờ đã trở thành ngoại trưởng Mỹ. Phía sau việc ông trở thành Ngoại trưởng còn nhiều bí ẩn.

> Tân ngoại trưởng Mỹ sẽ dĩ nhu chế cương?
> Ông John Kerry chính thức là Ngoại trưởng Mỹ

Kẻ thù của Nixon

John Kerry đã từng phục vụ 4 năm trong Hải quân Mỹ và đã 2 lần được cử sang Việt Nam trong thời gian chiến tranh. Nhưng những hành động tàn ác của quân đội Mỹ ở Việt Nam đã khiến ông trở thành một trong những người đi đầu phong trào phản chiến.

Ông là quân nhân Mỹ đầu tiên đã xuất hiện trong cuộc điều trần tại Quốc hội Mỹ vào năm 1971 về chính sách quân sự của chính quyền Johnson và Nixon ở Việt Nam.

Tại đây, ông đã công khai lên án Chính phủ Mỹ đã và đang thúc đẩy binh lính Mỹ vào con đường phạm tội và cũng đã đưa ra những lời phát biểu tương tự trước Tiểu ban Đối ngoại Thượng viện, nơi 38 năm sau ông trở thành người lãnh đạo Tiểu ban này.

Chắc hẳn vì thế John Kerry đã bị Tổng thống Nixon coi là kẻ thù. Trong cuốn băng ghi âm những cuộc trao đổi tại Nhà Trắng được công bố sau vụ bê bối Watergate, Nixon đã nhiều lần nói đến sự cần thiết phải ngăn cản Kerry được bầu vào Thượng viện. Mãi đến năm 1985 ông mới trở thành Thượng Nghị sĩ và đến năm 2009 được bầu làm Chủ tịch Tiểu ban dối ngoại Thượng viện.

Phản đối can thiệp nội bộ vào các nước

Trong cuộc điều trần kéo dài 4 tiếng đồng hồ trước khi trở thành tân ngoại trưởng, ông Kerry không đi sâu vào chi tiết những vấn đề cần ưu tiên và tránh những lời phát biểu cứng rắn, dường như để được lòng mọi người.

Trong mối quan hệ với Nga, tân Ngoại trưởng Mỹ hứa sẽ tìm ra tiếng nói chung và sẽ đưa quan hệ Nga - Mỹ hiện đang xấu đi trở lại mức thân thiện như một – hai năm trước đây.

Trong mối quan hệ với Iran, CHDCND Triều Tiên và Syria, ông Kerry cam kết chỉ dùng các biện pháp gây áp lực về chính trị, kinh tế và ngoại giao. Điều này cho thấy ông Kerry có quan điểm hiện thực trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế.

Trong lời giới thiệu ông John Kerry vào chức Ngoại trưởng, Tổng thống Barack Obama nhấn mạnh ông Kerry là người luôn luôn bảo vệ vai trò lãnh đạo toàn cầu của nước Mỹ.

Vào năm 1966, trong buổi lễ phát bằng tốt nghiệp tại trường Đại học Yale, ông tuyên bố nếu Mỹ quả thật đã góp phần chiến thắng trong Thế chiến thứ hai và trong việc giải phóng các nước Tây Âu, điều đó không có nghĩa Mỹ cần thi hành một chính sách tương tự trong mối quan hệ với toàn thế giới. Nói cách khác, ông là người luôn luôn phản đối sự can thiệp không cần thiết vào công việc nội bộ của các nước khác, đặc biệt là sự can thiệp về quân sự.

Hơn thế nữa, tính cách ông Kerry rất giống ông Obama. Cả hai đều là những nhân vật ôn hoà, đều nhận thức được rằng nước Mỹ không nên thi hành một chính sách đối ngoại dễ gây căng thẳng như dưới thời ông Bush mà phải tìm kiếm những giải pháp tuy mềm mỏng hơn nhưng lại tiết kiệm được tiền của và vẫn đem lại hiệu quả mong muốn. Đây là lý do quan trọng khiến ông Obama lựa chọn ông Kerry.

Ông Kerry không phải sự lựa chọn đầu tiên của Tổng thống Obama vào chức Ngoại trưởng. Ngay sau khi ông Obama tái đắc cử, các nguồn tin trong Chính phủ cũng như giới phân tích đều tiên đoán tân Ngoại trưởng Mỹ sẽ là bà Susan Rice, đại diện thường trực của Mỹ tại LHQ. Nhưng bà Rice đã mất cơ hội bởi vì vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phía đảng Cộng hoà.

Tân Ngoại trưởng Mỹ John Kerry
Tân Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.

Giờ đây dư luận rộng rãi ở Mỹ đồn đại rằng việc ông Kerry thay thế bà Rice là kết quả của một ván bài nhiều nước của đảng Cộng hoà.

Với việc “phế truất” bà Rice, đảng Cộng hoà buộc Tổng thống Obama phải đề cử một nhân vật trung gian là ông Kerry.

Nếu ông Kerry tham gia Chính phủ, chiếc ghế Thượng Nghị sĩ bang Massachusetts của ông sẽ bị bỏ trống, hệt như vào năm 2009, sau cái chết của Thượng Nghị sĩ Dân chủ Ted Kennedy.

Hồi đó, những thất bại đầu tiên của ông Obama trên cương vị Tổng thống đã khiến đảng Dân chủ thua thiệt trong cuộc bầu cử bổ sung vào tháng 11 năm 2010 và chiếc ghế Thượng Nghị sĩ bang Massachusetts rơi vào tay thành viên đảng Cộng hoà Scott Brown.

Nhưng trong cuộc bầu cử lại 2 năm sau, Scott Brown không trụ được và phải nhường chỗ cho thành viên đảng Dân chủ Elizabeth Warren.

Giờ đây, đảng Cộng hoà hy vọng trong cuộc bầu cử bổ sung vào tháng 6 năm nay, chiếc ghế Thượng Nghị sĩ và chức vụ Chủ tịch Tiểu ban đối ngoại Thượng viện mà ông Kerry để lại sẽ lại rơi vào tay Scott Brown, người đang được coi là “ngôi sao đang lên” thuộc cánh bảo thủ của đảng Cộng hoà.

Vũ Việt
Theo Gazeta.ru và Utro.ru

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.