Ông Abe muốn liên minh Nhật-Mỹ mạnh nhất

Ông Abe muốn liên minh Nhật-Mỹ mạnh nhất
TP - Dự kiến khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 22-2 tại Washington, ông Abe tìm cách để liên minh với Mỹ được thể hiện ở mức mạnh nhất, trong bối cảnh CHDCND Triều Tiên thử hạt nhân, Trung Quốc gia tăng gây hấn trên các vùng biển tranh chấp.

> Nhật, Mỹ sửa hướng dẫn hợp tác quốc phòng
> Thế trận liên minh Nhật Bản

Thủ tướng Abe cũng muốn Tổng thống Obama ủng hộ định hướng của ông trong việc thúc đẩy hồi phục kinh tế Nhật Bản thông qua tăng chi tiêu và nới lỏng chính sách tiền tệ, hãng tin Reuters đưa tin ngày 21-2.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Nhật Bản đang thực hiện chính sách đồng yen yếu (giảm giá so với đô la Mỹ) để tăng xuất khẩu, giúp thoát suy thoái.

"Tình hình Đông Á đang ngày càng trở nên bất ổn định. Một trong những mục tiêu mà ông Abe muốn đạt được là tăng cường liên minh Nhật-Mỹ.

Chuyến thăm tới Mỹ của ông Abe sẽ thành công, nếu chính sách kinh tế của ông được phía Mỹ ủng hộ, hoặc ít nhất là không bị bác bỏ thẳng thừng", Giáo sư Mikitaka Masuyama công tác ở Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia ở Tokyo nhận định.

Thủ tướng Abe cũng được trông chờ mang tới Mỹ một món quà chào mừng. Đó là lời hứa rằng, Nhật Bản cuối cùng sẽ gia nhập Công ước Hague về giải quyết tranh chấp nuôi con nuôi xuyên biên giới. Nhật Bản là thành viên duy nhất của nhóm G8 chưa gia nhập Công ước, dù Mỹ và các thành viên khác gây sức ép.

Thủ tướng Abe cũng được dự đoán đang trông chờ Tổng thống Obama đồng ý cho phép Nhật Bản có thể thương lượng về việc biệt đãi trong những lĩnh vực nhạy cảm như lúa gạo, nếu nước này tham gia đàm phán hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương, do Mỹ lĩnh xướng.

Đại diện Thương mại Mỹ Ron Kirk nói với Reuters rằng, Tokyo phải sẵn sàng đàm phán tất cả lĩnh vực thương mại, nhưng ông cũng không loại trừ khả năng xuất hiện ngoại lệ vào phút cuối.

Các công ty lớn của Nhật Bản muốn nước này gia nhập Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), để khỏi bị tụt hậu trong cuộc đua cạnh toàn cầu.

Tuy nhiên, các nhóm vận động hùng mạnh liên quan lĩnh vực nông sản đang phản đối, khiến đảng Dân chủ Tự do của ông Abe chia rẽ, theo hãng tin Kyodo.

Cảnh báo Trung Quốc về tranh chấp biển đảo

Những người thân cận với Thủ tướng Abe nói rằng, ưu tiên số một của ông trong chuyến đi tới Mỹ (cụ thể là có cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Obama, có bài phát biểu chính sách với tựa đề Nhật Bản trở lại) là sửa chữa liên minh Nhật-Mỹ mà họ cho rằng bị sứt mẻ vì nguyên tắc giai đoạn 2009-2012 của đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ).

“Trong khoảng thời gian đó, có một khoảng trống lớn trong liên minh Nhật-Mỹ. Vì vậy, mục tiêu lớn nhất là tái xây dựng liên minh”, một phụ tá của ông Abe nói.

Nhiều chuyên gia nhận định rằng, liên minh Nhật-Mỹ đi xuống dưới thời chính quyền Yukio Hatoyama - Thủ tướng đầu tiên đến từ DPJ, người đã cố gắng sửa đổi một thỏa thuận để chuyển căn cứ không quân của lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ tới vùng thưa dân của đảo Okinawa (Nhật Bản), nhưng không thành công. Tuy nhiên, người tiền nhiệm của Thủ tướng Abe, ông Yoshihiko Noda, đã làm nhiều việc để cải thiện liên minh.

Sau khi có đồn đoán rằng, Đài Loan sẽ hợp tác với Trung Quốc đại lục để giải quyết vấn đề Senkaku/Điếu Ngư, người phát ngôn của cơ quan ngoại giao Đài Loan mới đây tuyên bố Đài Bắc bác bỏ khả năng này, theo South China Morning Post ngày 20-2. Đài Loan coi quần đảo tranh chấp là lãnh thổ của mình, gọi tên là Điếu Ngư Đài.

Theo các nhà quan sát, hai nhà lãnh đạo Nhật Bản và Mỹ chắc chắn sẽ dành thời gian nhấn mạnh sự cần thiết của việc trừng phạt Triều Tiên mạnh hơn. Ngoài ra, họ có thể thảo luận việc tăng cường phòng thủ tên lửa, sau khi Bình Nhưỡng thử hạt nhân hôm 12-2.

Việc ông Abe tìm cách thúc đẩy liên minh Nhật-Mỹ gửi một tín hiệu tới Trung Quốc rằng, nước này không lên leo thang quanh tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông, các nhà phân tích nhận định.

“Đối với chúng tôi, điều quan trọng là để họ (Trung Quốc) nhận ra rằng, không thể cố gắng theo cách của mình thông qua ép buộc hoặc hăm dọa. Về mặt này, liên minh Nhật-Mỹ, cũng như sự hiện diện của Mỹ là rất quan trọng”, báo Washington Post dẫn lời Thủ tướng Abe.

Căng thẳng giữa Tokyo và Bắc Kinh quanh chủ quyền Senkaku/Điếu Ngư gần đây gia tăng khiến không ít người lo ngại rằng, sẽ có đụng độ quân sự không lường trước gần quần đảo tranh chấp này.

Mỹ nói rằng, nhóm đảo không người ở này thuộc phạm vi điều chỉnh của hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật, nhưng nước này muốn tránh xung đột.

Hôm qua, Kyodo dẫn báo cáo của Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ rằng, Washington “có thể can dự trực tiếp vào một cuộc xung đột quân sự” giữa Tokyo và Bắc Kinh liên quan Senkaku/Điếu Ngư.

Trung Quốc đã gia tăng khiêu khích, điều cả tàu quân sự, tàu hải giám và máy bay tới Senkaku, rồi tàu chiến Trung Quốc chĩa radar về phía tàu khu trục Nhật Bản, từ khi chính phủ Nhật Bản mua ba đảo thuộc quần đảo này từ chủ sở hữu tư nhân hồi tháng 9-2012, báo cáo viết.

Báo cáo cũng có đoạn viết: “Nhật Bản có nhu cầu cấp thiết tăng cường lực lượng quân đội, nhằm nâng cao khả năng phòng vệ ở phía tây nam quần đảo này”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.