Sáng kiến chống xâm hại tình dục trẻ em

Sáng kiến chống xâm hại tình dục trẻ em
TP - Sáng 26-2, Giấy chứng nhận Quốc tế Bảo vệ Trẻ em (ICPC) của Anh đã được giới thiệu tại Hà Nội, với mục đích bảo đảm rằng: Các giáo viên và tình nguyện viên từ Anh tới Việt Nam làm việc phải có lý lịch tư pháp tốt, không có hành vi liên quan lạm dụng tình dục trẻ em.

> Xâm hại tình dục trẻ em: Sự thật tàn nhẫn!
> Hơn 200 trẻ đường phố bị xâm hại tình dục

Đại Sứ Vương Quốc Anh tại Việt Nam, Tiến sĩ Antony Stokes phát biểu tại Lễ giới thiệu ICPC. Ảnh: Việt Hùng
Đại Sứ Vương Quốc Anh tại Việt Nam, Tiến sĩ Antony Stokes phát biểu tại Lễ giới thiệu ICPC. Ảnh: Việt Hùng.

Đây là một hình thức kiểm tra mới của cảnh sát Anh đối với các công dân Anh đi du lịch hay làm việc ở nước ngoài. Giấy chứng nhận này sẽ giúp các nhà tuyển dụng xác định và sàng lọc những đối tượng không phù hợp cho các công việc có liên quan đến trẻ em.

Giấy chứng nhận này vừa được giới thiệu tại trường Quốc tế Việt Anh Hà Nội. Cũng tại đây, các chuyên gia bảo vệ trẻ em và cán bộ thực thi pháp luật tham gia vào công tác phòng chống xâm hại tình dục sẽ tham dự một khóa tập huấn kéo dài 3 ngày có tiêu đề “Tìm kiếm được bằng chứng tốt nhất” do Trung tâm Bảo vệ và Chống Bóc lột (tình dục) Trẻ em của Anh (CEOP) và Đại sứ quán Anh tổ chức, hợp tác với Bộ Lao động và Thương binh Xã hội.

Ông Christopher Short, Trợ lý Trưởng Bộ phận Bảo vệ Trẻ em và Học sinh Trung học của trường Quốc tế Anh Việt cho biết : “Chúng tôi yêu cầu tất cả các nhân viên quốc tế phải cung cấp giấy chứng nhận về nhân thân của nước mới nhất mà họ thường trú, ngoài giấy chứng nhận của nước xuất xứ do nhà chức trách sở tại yêu cầu. Giấy chứng nhận ICPC sẽ là một công cụ hữu ích để đảm bảo rằng chúng tôi đã thực hiện công việc kiểm tra thích hợp đối với các nhân viên từ Anh sang”. Còn ông Robin Rickard, Giám đốc phụ trách quốc gia của Hội đồng Anh khẳng định : “Giấy chứng nhận ICPC gia tăng thêm giá trị và sức mạnh cho những gì Hội đồng Anh đang làm trong nội bộ. Chúng tôi hết sức hoanh nghênh sáng kiến này của Anh, được giới thiệu tại Việt Nam. Hy vọng mạng lưới các đối tác của chúng tôi trên cả nước sẽ ghi nhận và áp dụng cách tiếp cận này”.

CEOP nhận thấy rằng không ít các trường quốc tế, tổ chức từ thiện và các cơ quan khác ở ngoài nước Anh vẫn chưa tiếp cận được các phương thức, phương tiện kiểm tra của cảnh sát ở mức độ như các tổ chức tại Anh. Và do vậy, những kẻ vi phạm tình dục khi ra nước ngoài, chẳng hạn như Việt Nam, vẫn có cơ hội có được những cương vị được trẻ em tin cậy.

CEOP là cơ quan thực thi pháp luật của Anh có mục tiêu bảo vệ trẻ em khỏi sự xâm hại. Giấy chứng nhận này nhằm mục đích góp phần ngăn không cho những kẻ phạm tội xâm hại tình dục trẻ em, đã được nhà chức trách biết tới, có thể đạt được những vị trí không thích hợp tại các quốc gia khác.

Tổng Giám đốc Điều hành CEOP Peter Davies cho biết : “Có bằng chứng rõ ràng cho thấy các tội phạm xâm hại tình dục nghiêm trọng mà các nhà chức trách ở Anh Quốc từng biết thường hay tìm cơ hội làm việc hoặc tham gia công tác thiện nguyện ở nước ngoài. Trong nhiều trường hợp có thể là với vai trò là giáo viên nhưng cũng hoàn toàn có thể qua các nghề nghiệp khác như cán bộ từ thiện, cán bộ của trại trẻ mồ côi hay nhà trẻ”.

Ông Peter Davies nói : “ Giấy chứng nhận Bảo vệ Trẻ em Quốc tế được coi là một đảm bảo toàn cầu mà người sử dụng lao động và các tổ chức thiện nguyện có thể yêu cầu để đảm bảo rằng các ứng viên chưa từng bị kết tội tại Anh, những tội có thể làm cho họ trở nên không phù hợp cho những công việc có liên quan đến trẻ em. Đây là phương tiện kiểm tra duy nhất của cảnh sát Anh đối với công dân và người thường trú của Anh đi làm việc tại một số tổ chức ở nước ngoài,và vì vậy đây có thể coi là một phương tiện kiểm tra cần thiết trước khi sử dụng lao động hay bổ nhiệm, nhằm bảo vệ trẻ em.”

Đại Sứ Vương Quốc Anh tại Việt Nam Tiến Sĩ Antony Stokes nhấn mạnh: “Đây là năm thứ tư, Trung tâm Bảo vệ và Chống Bóc lột (tình dục) Trẻ em của Anh (CEOP) thực hiện các chương trình của mình ở Việt Nam. Tôi rất vui mừng là chúng ta đã có những hoạt động để tăng cường vai trò của mình trong việc đảm bảo an toàn cho trẻ em Việt Nam bằng việc giới thiệu Chứng nhận Quốc tế Bảo vệ Trẻ em. Nỗ lực tích cực của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội của Việt Nam đã thúc đẩy tiến triển này. Tôi mong rằng sáng kiến này sẽ góp phần tăng cường khả năng bảo vệ trẻ em của Việt Nam”.

457 công dân Anh bị bắt giữ ở nước ngoài về tội xâm phạm tình dục trẻ em

Văn phòng Lý lịch Tư pháp Hình sự của Anh (ACPO Criminal Records Office - ACRO) đã có nhiều năm kinh nghiệm cung cấp các thông tin của cảnh sát phục vụ các mục đích như cấp visa...

Theo Văn phòng ACRO, từ 2008 - 2012, 457 công dân Anh đã bị bắt giữ ở nước ngoài do phạm tội về tình dục đối với trẻ em, trong đó có các nước Đức, Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha và Thái Lan. Để đăng ký xin giấy chứng nhận ICPC, xin vào www.acro.police.uk/icpc.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG