Trung Quốc tìm cách giảm nhiệt tranh chấp đảo

Trung Quốc tìm cách giảm nhiệt tranh chấp đảo
TP - Sau vài tháng khẩu chiến “đao to búa lớn”, Trung Quốc với ban lãnh đạo mới dường như đang cố làm dịu căng thẳng tranh chấp biển đảo với Nhật Bản, theo nhiều nhà phân tích.

Trước khi Tổng Bí thư Tập Cận Bình được bầu làm Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy Trung ương hồi tuần trước, thượng tướng Lưu Nguyên, Chính ủy Tổng cục Hậu cần Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), người bạn lâu năm của ông Tập, đưa ra hàng loạt nhận xét, bình luận mang tính hòa giải, cảnh báo sự nguy hiểm của chiến tranh với Nhật Bản, theo Reuters ngày 17-3.

Ngoài ra, các chuyên gia hàng hải tin rằng, việc Bắc Kinh một tuần trước tuyên bố hợp nhất các cơ quan chấp pháp trên biển sẽ dẫn tới việc siết chặt quản lý các lực lượng này.

Tàu tuần tra của các cơ quan này gần đây thường xuyên xuất hiện trên vùng biển quanh quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, gia tăng nguy cơ xung đột bất ngờ với lực lượng bảo vệ bờ biển hoặc quân đội Nhật Bản, nhiều chuyên gia an ninh nhận định.

Cuối tuần qua, trên website của quân đội Trung Quốc, thượng tướng Lưu Nguyên, con trai cố Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ, nói rằng, binh sĩ có nghĩa vụ bảo vệ đất nước và phải chiến đấu để giành chiến thắng, nhưng đó chỉ nên là biện pháp cuối cùng.

“Vì chúng ta đã hưởng hòa bình một thời gian dài, nhiều thanh niên không biết chiến tranh là như thế nào. Nó thực sự rất tàn khốc và tốn kém. Nếu có bất kỳ sự lựa chọn nào khác để giải quyết vấn đề, không cần dùng đến biện pháp bạo lực cực độ”, ông Lưu nói.

Trao đổi với phóng viên bên lề kỳ họp Quốc hội Trung Quốc bế mạc ngày 17-3, thượng tướng Lưu Nguyên nói rằng, sử dụng biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp biển đảo đem lại lợi ích tốt nhất cho cả Trung Quốc và Nhật Bản. “Tình hữu nghị giữa nhân dân Trung Quốc và Nhật Bản là vĩnh cửu”, ông nói.

Theo nhiều chuyên gia, tướng Lưu phát biểu chủ yếu với tư cách cá nhân, nhưng tần suất và thời điểm xuất hiện của những lời kêu gọi bình tĩnh, cùng mối thân tình với nhà lãnh đạo Tập Cận Bình có thể là những tín hiệu báo trước sự thay đổi.

“Khi ban lãnh đạo mới cố gắng định hướng quan hệ với Mỹ và chính sách đối ngoại, Trung Quốc đang ngày càng thận trọng về tranh chấp biển đảo”, Sun Yun, nhà nghiên cứu chính sách đối ngoại của Trung Quốc, công tác tại Viện Brookings (Mỹ), nhận xét.

“Diều hâu” thất thế

Đại biểu quốc hội Li Ye (giữa) đến từ tỉnh Vân Nam đang xin chữ ký Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình (bìa trái) và Thủ tướng Lý Khắc Cường (bìa phải). Ảnh: China Daily
Đại biểu quốc hội Li Ye (giữa) đến từ tỉnh Vân Nam đang xin chữ ký Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình (bìa trái) và Thủ tướng Lý Khắc Cường (bìa phải). Ảnh: China Daily.
 

Trong một bài phát biểu đăng trên báo Trung Quốc Global Times mới đây, tướng Lưu nói rằng, các cuộc chiến trước đây với Nhật Bản đã cản trở sự phát triển của Trung Quốc tại những thời điểm quan trọng. Theo ông, sự hồi phục kinh tế Trung Quốc hiện ở thời điểm quyết định và nước này phải tránh bị cuốn vào một cuộc chiến bất ngờ.

Những tuyên bố mới nhất của thượng tướng Lưu Nguyên hoàn toàn trái ngược với những lời đe dọa, cảnh cáo trước đó của một nhóm sĩ quan PLA gồm khoảng 20 người. Theo các nhà phân tích, những sĩ quan “diều hâu” này dường như được phép tuyên bố về các vấn đề quân sự và chính sách đối ngoại.

Tướng về hưu La Viện, người từng kêu gọi Trung Quốc đại lục và Đài Loan hợp lực và sử dụng quần đảo tranh chấp làm bãi tập thả bom, đầu tháng này không được bầu lại vào Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc.

 “Trung Quốc và Mỹ cần tương tác tốt ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và để khởi động việc này, chúng ta có thể xây dựng một loại hình quan hệ mới giữa các cường quốc” 

Một số nhà phân tích quốc phòng Trung Quốc cho rằng, các thông điệp mềm dẻo của thượng tướng Lưu Nguyên mang tính đối nội, giúp Bắc Kinh linh hoạt hơn trong việc xử lý quan hệ với Tokyo, trong khi những tuyên bố cứng rắn của các tướng lĩnh khác nhằm thuyết phục người nước ngoài rằng, Trung Quốc nghiêm túc về tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của họ.

Một điều đáng lưu ý là những tuyên bố của tướng Lưu không đề cập vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông - nơi được cho là có trữ lượng lớn về dầu khí. Nhiều nước, đặc biệt là các quốc gia Đông Nam Á kịch liệt phản đối yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc và sự chiếm đóng của nước này đối với nhiều hòn đảo trên biển Đông.

Thúc đẩy quan hệ với Mỹ

Tại cuộc họp báo ngày 17-3 sau khi kỳ họp của Quốc hội Trung Quốc kết thúc, tân Thủ tướng Lý Khắc Cường cam kết làm việc với Tổng thống Mỹ Barack Obama để thiết lập “một loại hình quan hệ mới” vì hòa bình, phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, và nói rằng, khẩu chiến về cáo buộc chiến tranh mạng phải chấm dứt, AP đưa tin.

Tháng trước, công ty an ninh mạng Mandiant (Mỹ) tuyên bố, một đơn vị bí mật của PLA đánh cắp hàng trăm terabyte dữ liệu từ ít nhất 141 tổ chức, hầu hết ở Mỹ.

Trả lời kênh truyền hình ABC News hôm 13-3, Tổng thống Obama cho rằng, một số vụ tấn công mạng nhằm vào lợi ích của Mỹ là xuất phát từ Trung Quốc và “do nhà nước bảo trợ”.

Trong cuộc họp báo ngày 17-3, Thủ tướng Trung Quốc nói: “Tôi nghĩ chúng ta không nên cáo buộc lẫn nhau một cách vô căn cứ, mà nên dành nhiều thời gian hơn cho những việc làm thiết thực, góp phần bảo đảm an ninh mạng”, Xinhua đưa tin.

Phát biểu trước Quốc hội ngày 17-3, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình yêu cầu PLA nâng cao năng lực “để chiến thắng các cuộc chiến”, kêu gọi cả nước thực hiện “giấc mộng Trung Hoa”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tấm biển đá có lỗi kỹ thuật đã được cơ quan chức năng di dời.
Ngành chức năng thông tin về tấm biển ghi 'Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá'
TPO - Ngày 20/4, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Thanh Hoá cho biết, đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Thanh Hóa kết quả kiểm tra, rà soát lại toàn bộ sự việc liên quan đến tấm biển đá ghi "Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa" ở di tích lịch sử Quốc gia nghè Vẹt, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc.