Triều Tiên rút toàn bộ công nhân khỏi Kaesong

Triều Tiên rút toàn bộ công nhân khỏi Kaesong
Ngày 8/4, CHDCND Triều Tiên tuyên bố rút toàn bộ 53.000 công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Kaesong và đình chỉ mọi hoạt động ở đây.

> Mỹ - Trung và 'kịch bản soạn sẵn' ở Triều Tiên
> Triều Tiên sắp thử hạt nhân lần thứ tư?

Công nhân Triều Tiên làm việc tại Khu công nghiệp Kaesong - Ảnh: Reuters
Công nhân Triều Tiên làm việc tại Khu công nghiệp Kaesong - Ảnh: Reuters.

“CHDCND Triều Tiên sẽ triệu hồi toàn bộ nhân viên làm việc tại đây - Hãng tin KCNA dẫn lời ông Kim Yang Gon, bí thư Đảng Lao động Triều Tiên phụ trách các vấn đề Hàn Quốc - Đồng thời Bình Nhưỡng tạm thời đình chỉ hoạt động tại khu vực này và xem xét liệu nên để nó tiếp tục tồn tại hay đóng cửa”.

Ông Kim Yang Gon phát biểu như vậy trong chuyến thị sát Khu công nghiệp Kaesong sáng nay 8-4. Theo một quan chức Bộ Thống nhất Hàn Quốc, “đây là quan chức Bình Nhưỡng cao cấp đầu tiên đến thị sát Khu công nghiệp Kaesong từ cuối năm 2008”.

Giải thích về quyết định của Bình Nhưỡng, ông Kim đổ lỗi cho “những kẻ hiếu chiến” đã khiến Kaesong trở thành điểm đối đầu trong bối cảnh căng thẳng quân sự leo thang trên bán đảo Triều Tiên. “Tình hình diễn tiến trong những ngày tới ra sao tùy thuộc hoàn toàn vào thái độ của chính quyền Hàn Quốc” - ông Kim Yang Gon nói.

Tuần trước đó, CHDCND Triều Tiên đã cấm tất cả nhân viên và lao động Hàn Quốc đến khu Kaesong. Vì lệnh cấm này, 14 công ty Hàn Quốc buộc phải ngưng hoạt động và nhiều công ty khác có thể rơi vào tình hình tương tự do thiếu nguyên liệu thô và các bộ phận cần thiết. Hiện tại Kaesong vẫn còn hơn 500 công nhân Hàn Quốc làm việc cùng 53.000 công nhân Triều Tiên.

Triều Tiên cảnh báo trả đũa việc Nhật Bản gia hạn trừng phạt

Cùng ngày, CHDCND Triều Tiên dọa tiến hành một cuộc tấn công tên lửa vào lãnh thổ Nhật Bản để trả đũa quyết định gia hạn cấm vận của Nhật Bản đối với Triều Tiên.

Báo Rodong Sinmun của Đảng Lao động Triều Tiên chỉ trích quyết định gia hạn trừng phạt của Nhật Bản trong một bài bình luận ngày 8/4. Bài viết cho rằng, Nhật Bản đang đi theo chính sách thù địch của Mỹ đối với CHDCND Triều Tiên.

Cuối tuần qua, Chính phủ Nhật Bản quyết định gia hạn các biện pháp trừng phạt CHDCND Triều Tiên thêm hai năm để phản ứng trước vụ thử nghiệm tên lửa lần ba của CHDCND Triều Tiên hồi tháng 2.

Tờ Rodong Sinmun cảnh báo, Chính phủ Nhật Bản phải nhớ rõ rằng căn cứ quân sự Mỹ tại Nhật Bản là một trong những mục tiêu có thể tấn công của CHDCND Triều Tiên. Trước đó, CHDCND Triều Tiên đã nêu ba địa điểm tại Nhật Bản đặt căn cứ quân sự Mỹ có thể bị tấn công là các vùng Yokosuka, Misawa và Okinawa.

Hôm 7/4, bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản đã ra lệnh cho Lực lượng tự vệ mặt đất sẵn sàng bắn hạ tên lửa Triều Tiên nếu nó gây nguy hại đến nước này.

Hàn Quốc hạ thấp khả năng Triều Tiên thử hạt nhân

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 8/4 bác bỏ thông tin CHDCND Triều Tiên sẵn sàng thử nghiệm hạt nhân, cho rằng các hoạt động xung quanh điểm thử nghiệm hạt nhân của nước này là bình thường.

Yonhap cho biết người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Kim Min Seok xác nhận "xe cộ và chuyên viên đã hoạt động gần đường hầm phía nam của điểm thử hạt nhân Punggye-ri", nhưng "đây là những hoạt động bình thường". Trong cuộc thử nghiệm hạt nhân ngày 12-2 CHDCND Triều Tiên tiến hành tại đường hầm phía tây bắc.

Phát biểu trên của người phát ngôn Kim đi ngược những thông tin mà báo chí địa phương dẫn lời các quan chức chính phủ Hàn Quốc, rằng các hoạt động “bất thường” của Bình Nhưỡng nhằm chuẩn bị cho một vụ thử nghiệm hạt nhân.

Cuối tuần qua, Bộ trưởng Quốc phòng Kim Kwan Jin thông báo trước các nghị sĩ rằng đơn vị tình báo phát hiện dấu hiệu hoạt động tại đường hầm phía nam. Tuy nhiên Bộ trưởng Kim nhấn mạnh cần một phân tích chuyên sâu hơn để đánh giá bản chất thực sự của những hoạt động này.

Ông Kim cũng nhấn mạnh cam kết Hàn Quốc sẽ phá hủy cơ sở hạt nhân Punggye-ri nếu xảy ra nguy cơ một vụ tấn công hạt nhân.

Theo Đức Toàn
Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG