Khi ông Kim Jong-un muốn 'Triều Tiên là người đánh cờ'

Khi ông Kim Jong-un muốn 'Triều Tiên là người đánh cờ'
TP - Vậy là, mối lo ngại của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản về việc CHDCND Triều Tiên thử tên lửa tầm trung Musuadan trong dịp kỷ niệm 101 năm ngày sinh cố lãnh tụ Kim Nhật Thành không xảy ra. Tuy nhiên, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên không theo đó mà lắng xuống.

> 'Triều Tiên là số 1, không có đối thủ!'
> Ai đứng sau sự 'rắn mặt' của ông Kim Jong-Un?

Trong tuyên bố phát đi ngày 17/4, Bộ Ngoại giao Triều Tiên tiếp tục khẳng định: Bình Nhưỡng sẽ không đồng ý một cuộc đàm phán “đáng hổ thẹn” với Mỹ và những cuộc đối thoại chỉ có khả năng diễn ra nếu Washington từ bỏ chính sách thù địch đối với Bình Nhưỡng.

Tuyên bố đưa ra sau khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry kết thúc chuyến thăm Đông Bắc Á nhằm hạ nhiệt cơn sốt trên bán đảo Triều Tiên và hối thúc Trung Quốc kiềm chế láng giềng Triều Tiên.

Tuy nhiên, nếu biết rằng, từ cuối năm 2012 tới nay, sau khi Trung Quốc cử ông Lý Kiến Quốc, một quan chức cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tới Triều Tiên (tháng 11/2012) trong nỗ lực cuối cùng nhằm thuyết phục nhà lãnh đạo Kim Jong-un từ bỏ kế hoạch thử nghiệm hạt nhân lần 3 của nước này, nhưng thất bại, đã không có bất cứ một nhà lãnh đạo cấp cao nào từ Bắc Kinh tiếp xúc chính thức với ông Kim Jong-un, mới thấy rất khó nếu chỉ dựa vào Trung Quốc để hạ nhiệt “cái đầu nóng” của Triều Tiên.

Không ít nhà phân tích nhận định rằng, diễn biến trên bán đảo Triều Tiên thời gian qua dường như đang vượt khỏi tầm kiểm soát của Trung Quốc. Và Bắc Kinh, chứ không phải Seoul, Tokyo hay Washington, thiệt thòi nếu căng thẳng kéo dài trên bán đảo Triều Tiên.

Trung Quốc không ủng hộ học thuyết trở lại châu Á của Mỹ, cho rằng đây là phương tiện kiềm chế nước này. Tuy người đầu tiên áp dụng học thuyết này là cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, nhưng không có lý do để cho rằng tân Ngoại trưởng John Kerry sẽ theo đuổi chính sách khác.

Đến trước thời điểm bán đảo Triều Tiên căng thẳng, học thuyết “Kỷ nguyên Thái Bình Dương” của Washington diễn tiến theo cấp độ vừa phải. Tuy nhiên, khi khủng hoảng nổ ra, Mỹ chính là nước hưởng lợi nhiều nhất, thông qua việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Á; triển khai các chương trình hợp tác, diễn tập quân sự với đồng minh với quy mô ngày càng lớn; đưa các tàu sân bay, tàu chiến, máy bay ném bom chiến lược tới quần thảo tại khu vực; thúc đẩy các chương trình hợp tác quân sự với các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương… Tất cả động thái trên đều hợp pháp bằng cái gọi là “Hiệp ước bảo vệ đồng minh”.

Bản thân lãnh đạo Trung Quốc cũng nhận thấy nguy cơ trên, mà càng kéo dài, khả năng Mỹ sẽ càng có thời cơ tiến gần hơn nữa tới biên giới Trung Quốc.

Điều này giới chức Bắc Kinh chắc chắn không muốn. Vậy, lý do gì mà Triều Tiên, quốc gia 24 triệu dân hơn nửa thế kỷ nay sống bằng viện trợ của Trung Quốc, lại có những bước đi khiến Trung Quốc cảm thấy bất an? Phải chăng, nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un chính là khởi nguồn của những diễn biến khó lường trên bán đảo Triều Tiên thời gian qua?

Một người từng du học nước ngoài, mang tư tưởng cải cách, bản thân ông Kim Jong-un có lẽ không khó nhận ra những độ vênh nhất định trong quan hệ với Bắc Kinh.

Tuy hằng năm nhận được viện trợ lên tới hàng tỷ đô la Mỹ dưới nhiều hình thức khác nhau từ Trung Quốc, nhưng so với vị thế chiến lược của nước này tại Đông Á, nơi được xem là yết hầu của tuyến đường trên biển nối lục địa Á-Âu, người Triều Tiên có thể hy vọng vào cuộc sống vật chất khá hơn hiện tại.

Nói một cách hình tượng, ông Kim Jong-un mong muốn “Triều Tiên là người đánh cờ” tại khu vực Đông Á, chứ không phải là “quân cờ” dưới bàn tay các “kỳ thủ” Trung Quốc và Mỹ. Bản thân ông Kim Jong-un rất muốn Triều Tiên trở thành một Myanmar thứ hai, quốc gia đang chuyển mình mạnh mẽ bằng chính sách mở rộng cửa sau nhiều thập niên cô lập với bên ngoài.

Ngoài ra, ông Kim Jong-un khẳng định Triều Tiên có vũ khí hạt nhân là không thể xem thường. Bản thân ông và Triều Tiên rút ra bài học mà người Mỹ từng chứng minh cho khắp thế giới thấy qua các cuộc lật đổ Iraq và Libya.

Các cố lãnh đạo Iraq và Libya là Saddam Hussein và Muammar Gaddafi có thời loay hoay với việc chế tạo vũ khí hủy diệt hàng loạt, nhưng thất bại bất kể trong tay có nguồn tài chính dồi dào vô tận.

Kết quả là các quốc gia này vướng vào cuộc xâm lăng toàn diện của Mỹ và đồng minh. Chắc chắn ông Kim Jong-un không muốn kịch bản lặp lại đối với Triều Tiên cũng như chính bản thân ông.

Tại cuộc gặp với Ngoại trưởng John Kerry tại Bắc Kinh hôm 13/4, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị thừa nhận, Bắc Kinh không hài lòng với hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng, và kêu gọi Washington linh hoạt hơn trong việc đối phó Triều Tiên.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.