Trung Quốc có thật lòng?

Trung Quốc có thật lòng?
TP - Ngày 10/8/2012, trong chuyến thăm Indonesia, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc khi ấy là Dương Khiết Trì khẳng định, Trung Quốc sẵn sàng đàm phán với đại diện ASEAN về Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC).

> ASEAN dự kiến bàn vấn đề biển Đông
> ASEAN, TQ sẽ có cuộc gặp đặc biệt về Biển Đông

Tuy giới quan sát khi đó khẳng định “thái độ cầu thị” của Bắc Kinh chỉ mang tính hình thức, nhưng vẫn hy vọng Trung Quốc sẽ ngồi vào bàn đàm phán COC vào cuối năm 2012.

Bằng chứng là lãnh đạo 10 nước ASEAN nỗ lực tháo gỡ bế tắc liên quan tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với gần như toàn bộ biển Đông, ngay trước khi Thủ tướng Trung Quốc lúc đó là Ôn Gia Bảo tới Campuchia dự Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 7, để hướng tới mục tiêu chung: Cùng thảo luận một cách chính thức và thực chất về COC có tính chất ràng buộc pháp lý.

Tuy nhiên, phát biểu trước báo giới ngay khi đặt chân tới Phnom Penh hôm 18/11/2012, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Doanh dập tắt toàn bộ sự kỳ vọng của ASEAN với lập luận: Những đàm phán đã diễn ra từ nhiều tháng qua (với ý nhắc tới những trao đổi ở cấp thấp), đồng thời khẳng định, Bắc Kinh phản đối đàm phán vấn đề biển Đông tại EAS.

Tháng 4/2013, vấn đề COC nhen nhóm trở lại sau khi Trung Quốc bất ngờ đề xuất đàm phán COC với ASEAN như thông báo của Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa tại Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN diễn ra ở Brunei (ngày11/4).

Sau những phút thoáng ngạc nhiên trước động thái của Bắc Kinh về COC, cơ chế mà Trung Quốc nhiều lần trì hoãn đàm phán, giới phân tích nhận ra rằng, đây không phải lần đầu tiên Bắc Kinh chủ động nêu vấn đề trên.

COC về nguyên tắc là một thiết chế có tính ràng buộc cao hơn Tuyên bố các bên về ứng xử trên biển Đông (DOC). Cụ thể, COC sẽ trở thành bộ quy tắc ứng xử với mục đích quản lý tranh chấp, không để cho tranh chấp diễn tiến thành xung đột. Điều 10 của DOC cũng đề cập việc hai bên sẽ hướng tới tham vấn về COC.

Từ năm 2011, ASEAN chủ động đề xuất tham vấn COC với Trung Quốc, thậm chí cả những tham vấn không chính thức. Tuy nhiên, Trung Quốc chưa bao giờ cho thấy thái độ nghiêm túc đối với những đề nghị trên. Và đây là nguyên nhân khiến vấn đề biển Đông ngày càng trở nên khó đoán.

COC thành công phải hội đủ nhiều yếu tố căn bản mà quan trọng nhất chính là tính ràng buộc mà tất cả các nước liên quan tranh chấp, đặc biệt là Trung Quốc, phải ủng hộ và tuân theo.

Trong bối cảnh lâu nay Trung Quốc chưa cho thấy thái độ hợp tác, việc Bắc Kinh bất ngờ quay sang hô hào đàm phán COC (trong thời điểm nước này tiến hành mạnh mẽ hoạt động gây hấn) chắc chắn không có tác động lớn tới thực trạng hiện tại ở biển Đông, và tất nhiên, không thể không khiến ASEAN nghi ngờ.

Giới quan sát nhận định, đề xuất COC của Trung Quốc khó có thể là “pháo hiệu” khởi động vòng đàm phán COC chính thức, mà chỉ nên xem đó là động thái của giới chức Bắc Kinh nhằm xoa dịu tình hình hiện tại trên biển Đông trước thềm Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 22 (diễn ra hai ngày 24 và 25/4 tại Brunei), cũng như mong mỏi hạ nhiệt “càng nhanh càng tốt” căng thẳng với ASEAN để tập trung đối phó vấn đề Triều Tiên.

Thứ nhất, Trung Quốc bắt đầu cảm nhận sự phản kháng của ASEAN. Cụ thể nhất là vụ kiện của Philippines đối với nước này tại tòa án quốc tế. Nếu Philippines thành công, Trung Quốc phải chịu những phán quyết pháp lý bắt buộc, thậm chí từ bỏ tham vọng “đường lưỡi bò”, đồng thời tạo tiền lệ pháp lý để các quốc gia có tranh chấp biển với Trung Quốc tiếp tục đâm đơn. Bắc Kinh đề xuất đàm phán COC tuy còn khiến ASEAN e dè, nhưng chí ít cũng xoa dịu một số giới chức lãnh đạo ASEAN.

Thứ hai, diễn biến từ biển Đông tới Đông Bắc Á gần đây cho thấy, chuỗi tham vọng của Bắc Kinh tại khu vực đang bị thách thức nghiêm trọng. Nguyên nhân bắt nguồn từ… Triều Tiên.

Trong bối cảnh Mỹ và đồng minh triệt để tận dụng Triều Tiên nhằm gia tăng hiện diện sát biên giới Trung Quốc, việc Bắc Kinh hạ nhiệt căng thẳng với ASEAN với chiêu bài “đàm phán COC” để tập trung xử lý vấn đề cấp bách Triều Tiên là điều dễ hiểu. Về mặt này, những người Trung Quốc luôn được xem là “bậc thầy”.

Sở dĩ Trung Quốc có thể mang vấn đề COC ra “mặc cả” với ASEAN chính là cơ sở của “sự tin cậy lẫn nhau” - một trong những nguyên tắc bất thành văn trong quan hệ ASEAN - Trung Quốc.

Nói một cách văn vẻ, dường như niềm tin của ASEAN đang bị lạm dụng? Thế nên, không ngạc nhiên sau đề nghị của Trung Quốc về COC, gần như ngay lập tức, Tổng thống Philippines Benigno Aquino trong cuộc hội đàm với Quốc vương Brunei Haji Hassanal Bolkiah, Chủ tịch ASEAN, đã gửi thông điệp tới Bắc Kinh: “Nếu Trung Quốc luôn cho rằng đến khi nào “chín muồi” sẽ đàm phán COC, thì bây giờ, ngay lúc này, chính là thời điểm đó”. Tuy nhiên, thông điệp của ông Benigno Aquino không nhận được phản hồi từ giới chức Bắc Kinh.

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN khai mạc hôm nay (24/4) tại Brunei, COC và đề xuất của Trung Quốc được giới chức ASEAN đặc biệt kỳ vọng. Tuy nhiên, để khai thông bế tắc với Trung Quốc về COC ở thời điểm này là quá khó, một khi Bắc Kinh chưa thực sự mong muốn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG