Shangri - La năm nay và vấn đề Trung Quốc

Shangri - La năm nay và vấn đề Trung Quốc
TP - Trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á lần thứ 12 (Đối thoại Shangri - La) diễn ra cuối tháng này tại Singapore, ông Andrew Billo, trợ lý giám đốc Chương trình Chính sách của tổ chức phi chính phủ Asia Society đóng tại Mỹ dành cho Tiền Phong cuộc trao đổi xung quanh vấn đề biển Đông.

> Phía sau việc Trung Quốc bất ngờ đề xuất đàm phán COC
> TQ đề xuất đàm phán về soạn thảo COC
> Shangri-La 12 sẽ thảo luận các vấn đề biển Đông

Ông Andrew Billo
Ông Andrew Billo.

Thưa ông, trước Đối thoại sắp diễn ra, dư luận băn khoăn về sự tham gia của Trung Quốc, năm ngoái sự vắng mặt của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đã khiến Shangri - La bị nhận định là không còn là đối thoại nữa. Ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?

Sự tham gia của Trung Quốc tại Đối thoại Shangri - La là điều quan trọng với hiệu quả tổng thể của diễn đàn này, bởi vì thảo luận các vấn đề an ninh quốc tế theo một cách có ý nghĩa sẽ là một thách thức khi một trong hai cường quốc lớn nhất thế giới vắng mặt.

Nhưng thảo luận sẽ vẫn diễn ra dù Trung Quốc có mặt hay không, khi các thách thức trong các mối quan hệ quốc tế vẫn đang hiện diện và chúng cần được đưa ra kể cả khi Trung Quốc không trình diện.

Kể cả khi Trung Quốc không phát biểu trong diễn đàn này, chúng ta vẫn có thể chắc chắn rằng các lãnh đạo của Trung Quốc sẽ theo dõi sát sao những gì được nói ra tại Singapore. Tất nhiên cộng đồng thế giới cũng mất mát khi Trung Quốc không tham dự.

Tầm quan trọng của Trung Quốc với thế giới, và sự tác động của nước này với an ninh toàn cầu, có nghĩa là chúng ta không hoàn toàn đạt được các mục tiêu nếu Trung Quốc vẫn không có thiện chí tham dự.

Nhưng nếu vắng mặt, Trung Quốc bị mất nhiều hơn, khi 192 nước trên khắp thế giới, đa phần trong số đó tham gia tích cực vào đối thoại và tìm kiếm sự hợp tác cho các khu vực.

Tàu khu trục Jiangmen của Trung Quốc tập trận bắn đạn thật trên biển Đông. Ảnh: China Military Online
Tàu khu trục Jiangmen của Trung Quốc tập trận bắn đạn thật trên biển Đông. Ảnh: China Military Online.

Ông có thấy khả năng nào Trung Quốc sẽ cử lãnh đạo cấp cao tham dự Shangri - La không, nếu có, họ sẽ phản ứng thế nào tại diễn đàn?

Khó mà dự đoán lãnh đạo Trung Quốc có dự Shangri - La năm nay hay không, nhưng sự có mặt của họ sẽ phản ánh một sự chuẩn bị trong giải quyết vấn đề.

Trong khi sự vắng mặt sẽ là dấu hiệu tiếp tục cách cư xử hiện tại của họ. Lần cuối quan chức cấp cao Trung Quốc phát biểu tại Shangri - La là năm 2011, trước khi Mỹ tuyên bố “trục chiến lược” tới khu vực.

Đồng thời, các hành động của họ thường xuyên mâu thuẫn với lời nói và Trung Quốc đã thực hiện các bước theo đuổi nguồn tài nguyên năng lượng đơn phương, trong khi cũng theo đuổi việc đánh bắt ở các khu vực là vùng mà nước khác tuyên bố chủ quyền.

Như vậy, trong khi họ mở ra đối thoại song phương, họ đồng thời “quên chú ý” đến vị trí của các nước láng giềng trong vấn đề biển Đông. Và điều đó tác động bất lợi với sự ổn định chung của khu vực.

Theo ông, vấn đề biển Đông sẽ được đưa ra tại đối thoại Shangri - La thế nào? Thái độ của Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và các nước ASEAN ra sao?

Tranh chấp biển Đông sẽ là một phần quan trọng của thảo luận trong đối thoại năm nay. Nhưng thái độ của Mỹ với các tranh chấp hàng hải tương đối trung lập, vì thế tôi không tin rằng chúng ta có thể trông đợi bất cứ hướng mới nào từ Mỹ trong vấn đề này. Mỹ đã nhắc đi nhắc lại tuyên bố nước này sẽ không đứng về bên nào trong các tranh chấp lãnh thổ.

Vấn đề chung mà Nhật Bản, Ấn Độ và ASEAN chia sẻ là họ cùng ở gần Trung Quốc, và một số nước trong các nước này nhận thấy Trung Quốc đang tăng dần xâm phạm vào khu vực mà họ coi là thuộc chủ quyền lãnh thổ của họ.

Tuy nhiên, hầu hết các nước này lại có mối quan hệ kinh tế sâu rộng với Trung Quốc. Vì vậy, họ không chắc sẽ nêu tên Trung Quốc trực diện về những hành động của Trung Quốc tại Shangri - La, nhưng sẽ lên tiếng về các khu vực hợp tác, trong khi đề cập sự lạc quan vừa được “làm mới lại” sau hội nghị thượng đỉnh ASEAN hồi tháng 4 tại Brunei.

Sau khi bày tỏ thiện chí đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) với ASEAN, Trung Quốc lại tiếp tục lấn tới ở biển Đông, mới đây nhất là đưa 32 tàu cá đến Trường Sa. Vậy điều gì sẽ tiếp diễn trong thời gian tới?

Hiện tại, Trung Quốc vẫn tiếp tục hành động khiêu khích ở biển Đông, mà đem lại lợi ích kinh tế rất nhỏ, làm khó chịu các nước láng giềng và đồng minh, khiến triển vọng hợp tác với Trung Quốc trở nên kém hấp dẫn.

Đáng chú ý, sự thiệt hại về danh tiếng của Trung Quốc do những hành động của nước này gây ra sẽ mất nhiều năm, thậm chí cả thập kỷ, mới có thể lấy lại.

Vì thế, Việt Nam cần theo đuổi vấn đề một cách bình tĩnh, đối thoại tự chủ về tranh chấp ở các diễn đàn thích hợp, trong khi để những hành động tương phản của Trung Quốc tự nói lên.

Ông dự đoán thế nào về tiến triển COC tại cuộc gặp đặc biệt các ngoại trưởng ASEAN và Trung Quốc vào tháng 8 tới nhân kỷ niệm 10 năm quan hệ đối tác?

Tôi trông đợi là các ngoại trưởng sẽ thảo luận có thiện chí về khả năng sử dụng COC như là một công cụ giải quyết các tranh chấp. Nhưng trong tiếng Anh có câu “Lời nói gió bay” (Talk is cheap).

Việc “dỗ dành” Trung Quốc quay lại điểm xa rời chiến lược hiện tại của họ ở biển Đông sẽ mất nhiều nỗ lực và kiên nhẫn của các thành viên ASEAN, cũng như là của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước có lợi ích trong khu vực.

Ông thấy vai trò của ASEAN thế nào trong xử lý các tranh chấp ở biển Đông thời điểm này, sau khi có sự cố tại Campuchia, hồi nước này làm Chủ tịch ASEAN năm 2012? Các nước thành viên có giữ được sự đồng lòng?

ASEAN sẽ không cho phép các thảo luận của mình bị “thoái hóa” như đã xảy ra hồi năm 2012 tại Campuchia, khi Hiệp hội không thể đưa ra tuyên bố chung. Các nước thành viên không chắc tìm kiếm sự đồng thuận ngay lập tức về vấn đề biển Đông, nhưng họ sẽ tìm ra các lĩnh vực cho các vấn đề hợp tác kinh tế. Điều đó sẽ là ưu tiên trong các hoạt động hợp tác năm nay.

Tiến lên phía trước dựa trên tranh chấp sẽ cần một viễn cảnh tươi mới, cần sự lãnh đạo có chiều hướng nghiêng về tương lai của châu Á, hơn là chú mục vào quá khứ.

Cảm ơn ông.

Phương Anh

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.